Phục Sinh mở cánh cửa Thiên Đàng
Cách đây một vài năm, tôi có biết trường hợp một cô gái trẻ, là sinh viên đại học, cô rơi vào tình trạng suy thoái tinh thần nặng và đã muốn tự tử. Kinh hoảng khi hay tin, gia đình đến thăm cô. Họ đem cô về nhà và mấy tháng sau đó, họ cố gắng giúp đỡ cô cách tốt nhất, thuốc men, bác sĩ tâm lý, nhà thờ, tình thương, tóm lại, những gì tốt nhất có thể làm được. Tuy cố gắng bằng mọi cách nhưng họ không thể hiểu thấu cái hố thẳm tăm tối cô đã đi xuống.
Bốn tháng sau, cô tự tử. Cô đã đi xuống hỏa ngục của chính cô, nơi không một điều gì ở phía sự sống có thể vào được. Cô bất lực trong việc mở tâm hồn ra để đón nhận giúp đỡ. Tôi nghĩ nhiều nguyên nhân của tình trạng suy thoái tinh thần không do lỗi của cô. Tự cô, cô không muốn đi vào tình cảnh tê liệt này, hoàn cảnh, tổn thương, và sức khỏe suy sụp đã đưa cô đến đó. Tất cả chúng ta đều đã từng biết những chuyện tương tự.
Có thể nói gì đây? Liệu đức tin của chúng ta có câu trả lời cho chuyện này không?
Có một câu đặc biệt trong kinh Tin Kính, bắt rễ sâu trong Thánh Kinh, làm sáng tỏ vấn đề này. Đó là câu: Người đi vào cõi chết. Hay, ở một số bản kinh Tin Kính khác: Người đi xuống hỏa ngục. Chắc chắn, những gì chứa đựng trong câu này: trong tất cả tôn giáo, đức tin mang lại nhiều ủi an nhất, Ki-tô giáo hay các tôn giáo khác. Những gì câu này muốn nói là cách Đức Giêsu chết đi và sống lại đã mở ra các cửa hỏa ngục và cái chết. Điều này có nghĩa là gì?
Đây không phải là một bài giảng dễ hiểu. Có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau ở đây. Ở một tầng mức, đó là đức tin Ki-tô giáo (niềm tin này cần nhiều giải thích) rằng từ thời sa ngã của ông A-dong và bà Ê-va đến cái chết của Đức Giêsu, bất cứ ai, dù đức hạnh đến mấy đi chăng nữa, cũng không vào được nước trời. Các cánh cửa thiên đàng vẫn đóng kín và chỉ qua cái chết của Đức Giêsu, Ngài mới mở các cánh cửa này. Có một bài giảng ngày xưa (nay là một phần của các bài đọc chính thức ngày Thứ Bảy Tuần Thánh) phác họa một bức tranh về điều này được phản ảnh qua một biểu tượng. Nó vừa diễn tả lý do tại sao không ai có thể vào được nước trời cho đến khi Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục và cách thức Đức Giêsu, khi ở đó, đã đánh thức ông A-dong và bà Ê-va, dẫn họ qua một cánh cửa mở vào nước trời như thế nào. Tuy nhiên đó chỉ mới là một biểu tượng, chưa phải là một bức tranh thật sự.
Các sách Phúc Âm lồng điều này vào một khái niệm rộng hơn. Chẳng hạn trong Phúc Âm thánh Mác-cô, chúng ta nhận ra một điều quan trọng của việc Đức Giêsu đi vào mọi chốn tối tăm, một nơi kiêng kỵ trên thế gian này, mang chữa lành và ánh sáng Thiên Chúa đến đó. Bằng nhân đức của mình, Đức Giêsu đi vào những nơi được coi là tối tăm, cấm kỵ lúc đó. Hơn thế nữa, Người còn đi vào những nơi tối tăm, cấm kỵ khác, đặc biệt là những nơi bệnh tật và chết chóc. Nhưng, vào thế kỷ đầu tiên của Do-Thái giáo không nơi nào nhiều kiêng kỵ bằng nơi chết chóc. Niềm tin lúc đó là con người được tạo ra để vui hưởng tạo vật của Thiên Chúa trong cõi đời này và sẽ mãi mãi bất tử. Cái chết được xem như quỷ dữ, là kết quả của tội lỗi, một phân ly khỏi Thiên Chúa, một chốn biệt lập với Thiên đàng, và không tồn tại bất kỳ cánh cửa nào giữa thiên đàng và hỏa ngục. Vì thế khi nói rằng Đức Giêsu “Đi vào cõi chết” thì tương tự như khi nói Người “đi xuống hỏa ngục”. Tất cả chết chóc đều được coi là biệt lập với Thiên Chúa.
Một trong những xác quyết quan trọng nhất của chúng ta về Đức Giêsu là, bằng cách đi vào cõi chết, chính xác Người đi vào hỏa ngục, âm ty, chốn của phân ly và chia cắt, và, khi ở đó, Người tỏa ra ánh sáng và sự chữa lành của Thiên Chúa, theo cùng một cách như Phúc Âm thánh Gio-an mô tả – Người đi xuyên qua các cánh cửa trước đó đã bị khóa bằng sợ hãi và Người thở ra hơi thở của bình an và tha thứ. Bằng cách đi qua các cảnh cửa đã bị khóa và thở hơi thở bình an, Người vừa đi xuống hỏa ngục vừa mở ra cánh cửa Thiên Đàng.
Và đây chẳng phải là một điều gì đó trừu tượng, một giáo điều phải tin theo. Nó vẫn thường xảy ra. Có nhiều hình thức của sự chết, âm ty, hỏa ngục. Suy thoái tinh thần đến mức phải tự tử, nỗi cay đắng không thể chữa lành, vết thương quá sâu không lành lại được, nỗi vô vọng của một đời nghiện ngập tự hủy hoại, một tâm trí bầm dập và tan vỡ, một chia cắt quá sâu sắc và lâu dài khó vượt qua, tất cả những chuyện này có thể đẩy chúng ta vào một căn phòng khóa kín, trong một thứ hỏa ngục, một chốn âm ty nào đó, không đủ sức để mở ra cánh cửa dẫn chúng ta đến với yêu thương và sự sống. Những cánh cổng thiên đàng bị đóng kín vì nhiều lý do.
Đó là trường hợp cô gái trẻ tự kết liễu đời mình ở trên. Cô đã đi vào hỏa ngục. Nhưng, tôi không nghi ngờ chút nào, khi cô thức dậy ở bên kia, qua những cánh cửa đã bị khóa, Đức Ki-tô nhẹ nhàng đến bên cạnh hỏa ngục của cô, và thở hơi thở bình an.
Trong bài giảng ngày xưa mô tả Đức Giêsu đi vào hỏa ngục, khi Đức Giêsu đánh thức ông A-dong và nói với ông: Ta không tạo dựng ra con để con bị giam ở đây… Hãy đứng dậy, chúng ta cùng ra khỏi chốn này! Chắc chắn đây là lời Đức Giêsu đã nói với cô gái, khi đó Người mở các cánh cửa thiên đàng cho cô như Người đã từng mở cho ông A-dong và bà Ê-va.
J.B. Thái Hòa dịch