Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Theo nhà báo Bernard Lecomte, “nước Nga mê hoặc tất cả các giáo hoàng”

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/theo-nha-bao-bernard-lecomte.jpgNhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế ở Mátxcơva: bị Stalin phá hủy và được xây dựng lại sau perestroika © Bernard Litzler

Đâu là khả năng huy động của giáo hoàng trước cuộc tấn công của Nga ở Ukraine? Quan điểm của chính quyền Nga về hành động của giáo hoàng và chính sách ngoại giao của Vatican như thế nào? I. Media phỏng vấn nhà báo Bernard Lecomte, người đã thực hiện nhiều phóng sự ở Đông Âu và viết một số sách về Liên Xô.

Ông là tác giả quyển Tiểu sử Đức Gioan-Phaolô II và quyển Giáo hoàng đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản, ông nhấn mạnh, theo quan điểm của Mátxcơva, Vatican không được xem là cơ quan trung lập, nếu xét đến vị trí quan trọng của Giáo hội Công giáo ở Ukraine.

cath.ch, Cyprien Viet, I.Media, 2022-03-02

Trước cuộc tấn công này của Nga ở Ukraine, Tòa thánh có thấy mình đang ở trong trạng thái kinh ngạc giống như các nhà ngoại giao của các nước phương Tây không?

 Nhà báo Bernard Lecomte: Tôi nghĩ là có. Trong những lần tôi đến Vatican, tôi luôn thấy có rất ít người biết rõ về Liên Xô hoặc biết về nước Nga ngày nay. Đất nước này mê hoặc tất cả các giáo hoàng, nhưng có rất ít chuyên viên trong bộ máy ngoại giao của Tòa thánh hiểu rõ. Vì vậy, có lẽ họ đã kinh ngạc trước những gì đang xảy ra.

Do đó, nhìn từ Rôma, vẫn khó để giải thích cuộc khủng hoảng Ukraine?

Vấn đề là Kitô giáo giáo ở Ukraine cho thấy một bối cảnh cực kỳ phức tạp, về cơ bản có ba thực thể khác nhau, giữa Giáo hội Chính thống tự trị, Giáo hội Chính thống thuộc quyền quản lý của Mátxcơva và người Công giáo. Với chiến tranh này, chúng ta thấy Giáo hội Chính thống thuộc Mátxcơva đang đi tới điểm ly khai, đó là sự tiến hóa cơ bản.

Nhưng nếu cho đến giờ phút này, Ukraine chống lại được thì trên hết là nhờ người Công giáo phương Tây, họ luôn là những người chống đối triệt để chủ nghĩa cộng sản, và cũng là những người phản đối Tòa Thượng phụ Mátxcơva, “Rôma thứ ba” mà họ đã ly khai từ năm 1596.

Đó là bối cảnh rất phức tạp mà chính sách ngoại giao của Vatican cảm thấy khó khăn trong việc điều động, vì Vatican không thể đảm nhận một vị trí trung lập. Giáo hoàng muốn thiết lập liên lạc với Mátxcơva như chuyến đi của ngài đến đại sứ quán Nga đã cho thấy, đó là một hành vi ngoạn mục, nhưng theo quan điểm của Nga, ngài không được xem là người không theo phe nào.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/1q.jpg

Đức Phaolô VI (1963-1978)

Khi nói về quan hệ giữa Tòa thánh và các nước thuộc khối Liên Xô cũ, chúng ta thường dùng từ “Ospolitik”. Thuật ngữ này được xác định như thế nào và chiến lược này đã diễn ra như thế nào?

Đây là thuật ngữ tiếng Đức lần đầu tiên đề cập đến chính sách của Tây Đức đối với các nước cộng sản trong những năm 1960-70, nhưng cũng được Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI dùng khi các ngài làm dịu cách tiếp cận của Vatican với Mátxcơva.

Một trong những biểu tượng của sự thay đổi này là sự hiện diện của các quan sát viên Nga tại Công đồng Vatican II. Hơn nữa, vào ngày sinh nhật thứ 80 của Đức Gioan XXIII năm 1961, ngài đã nhận điện chúc mừng của Khrushchev và được con rể của ông, Alexei Adjoubei, chủ bút tờ Izvestia (một trong những nhật báo chính của Mátxcơva đến thăm). Đó là việc hoàn toàn chưa từng có vào thời đó.

Sau đó, dưới thời Đức Phaolô VI, Vatican chuyển sang “chính sách từng bước nhỏ”. Đó là gởi các giám chức đến gặp chính thức các nhà chức trách cộng sản địa phương, để có được một số thỏa hiệp, đặc biệt trong việc bổ nhiệm các giám mục, và để mở cửa lại một số nhà thờ.

Chiến lược mạo hiểm này kéo dài bao lâu?

Đó là cuộc thảo luận với kẻ thù, trong một bối cảnh cực kỳ khắc nghiệt đối với Giáo hội Công giáo, đặc biệt đánh dấu bởi những cuộc đàn áp mà các hồng y Mindszenty phải chịu ở Hungary, hồng y Slipyj ở Ukraine thuộc Liên Xô, và hồng y Wyszynski ở Ba Lan.

Tuy nhiên, chính sách Ostpolitik đã được ngoại giao của giáo hoàng đảm nhận, đặc biệt là ở Hungary và Tiệp Khắc. Và trong những năm 1970 được hồng y Casaroli đẩy mạnh, ngài là nhân vật biểu tượng nhất của chính sách này. Nhưng khi Đức Gioan-Phaolô II đắc cử, ngài đã chấm dứt chính sách này, ngài tuyên bố: “Hãy dừng lại! Chúng ta không lập hiệp ước với kẻ thù. Chúng ta chỉ nhận những cú đấm”.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/2.jpg

Hồng y Ba Lan Stefan Wyszynski và giáo hoàng Gioan-Phaolô II | © Vatican Media

Vì thế hồng y Casaroli phải chấp nhận thay đổi chiến lược. Đức Gioan-Phaolô II giải thích, việc bổ nhiệm ngài làm Quốc vụ khanh nhằm đưa ra tín hiệu về sự liên tục, để không làm phương Đông hoảng sợ, nhưng trên thực tế, ngài đảm nhận sự cân bằng quyền lực với các nước cộng sản.

Dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, liệu có một loại “thay vai” giữa giáo hoàng đảm nhận sự đối đầu, chiều kích tiên tri, và Quốc vụ khanh giả định đi tìm thỏa hiệp và một chủ nghĩa thực dụng chính trị nào đó không?

Có, hoàn toàn đúng, nhưng ông chủ vẫn là giáo hoàng. Trong một chuyến công du, Đức Gioan-Phaolô II đã hết sức ca ngợi hồng y Casaroli, nói rằng hồng y Quốc vụ khanh của ngài đã làm “90% công việc”. Nhưng phần còn lại vẫn là phần quan trọng nhất: các chuyến đi, các tông thư, v.v.

Trên thực tế, chính giáo hoàng là người đã đưa ra quyết định. Ngài cũng làm cho các nhà ngoại giao Vatican hoảng sợ khi bắt đầu triều giáo hoàng của mình, ngài tuyên bố sẽ đi Ba Lan, đó là một sự kiện vô cùng to lớn. Vì thế có một sự chia sẻ nhiệm vụ, nhưng không đồng đều.

Kể từ khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, việc suy giảm sự hiện diện của người Xla-vơ trong bộ máy ngoại giao của Vatican có làm giảm sự dấn thân vào khu vực này không?

Dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, tất cả các hành lang Vatican đều có nhiều giám chức đến từ phương Đông, thật là ngoạn mục. Sau đó, đến thời Đức Bênêđíctô XVI thì có sự luân chuyển, đó là điều bình thường. Không còn xu hướng Đông Âu này nữa.

Và nhất là chúng ta hiểu, từ năm 2013, khi Đức Phanxicô không có sự nhạy cảm châu Âu, một nhạy cảm đã đánh dấu tất cả các giáo hoàng trước đó. Ngài không biết rõ những chuyện tế nhị của Ukraine.

Và cho dù cá nhân ngài, ngài muốn đứng ngoài tranh cãi, nhưng  theo quan điểm của Nga, ngài bị cho là nhà lãnh đạo của người Ukraine ở phương Tây. Quan điểm của ngài không thể có vai trò được, vì ngài muốn bắt liên lạc với Tòa Thượng phụ Mátxcơva, ngài xúc phạm đến người chính thống của Giáo hội tự trị.

Chúng ta có thể hình dung được thái độ của Đức Gioan-Phaolô II sẽ như thế nào khi đối diện với một cuộc khủng hoảng này?

Đức Gioan-Phaolô II hiểu rõ về Ukraine, có lẽ trước tiên ngài sẽ nói chuyện với người công giáo Ukraine để an ủi họ, sau đó, bước thứ hai, ngài sẽ gởi thông điệp bác ái đến người chính thống giáo.

Ngài là giáo hoàng Xla-vơ lẫy lừng, nhà thống nhất đáng gờm, với sự kiên định của ngài về chủ đề “đoàn kết”. Nhưng để hiểu được tình hình của các quốc gia Đông Âu, chúng ta phải thực sự đến từ những vùng đất này, hoặc từ ngã tư của những quốc gia này, như trường hợp của hồng y Koenig (tổng giám mục Vienna, Áo, từ năm 1956 đến năm 1985).

Đâu là các mối quan hệ của Đức Gioan-Phaolô II với Mátxcơva?

Trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, ngài là người không mệt mỏi bảo vệ nhân quyền ở phương Đông, cho sự thống nhất của châu Âu, điểm này ngài hội tụ với Mikhạl Gorbachev. Ngày 1 tháng 12 năm 1989, khi ngài tiếp nhà lãnh đạo Liên Xô tại Vatican, đó là một sự kiện trọng đại.

Sau đó hai nguyên thủ đã thống nhất khái niệm “Ngôi nhà chung châu Âu”. Vào thời điểm đó, ý tưởng chúng ta có thể bắt cầu giữa hai khu vực này của châu Âu là một ý tưởng rất được hoan nghênh.

Nhà lãnh đạo Liên Xô xúc động thấy rõ khi ông bộc phát nói với Đức Gioan-Phaolô II: “Tôi nhiệt liệt mời ngài đến Mátxcơva”. Ông đã giới thiệu giáo hoàng với vợ mình và nói với bà: “Raïssa, tôi giới thiệu với bạn một trong những người quan trọng nhất thế giới, và ông đó là người Xla-vơ như chúng mình!”. Ông nhiệt tình như một đứa trẻ!

Và Đức Gioan-Phaolô II mơ đến được Mátxcơva, nhưng ngài bị Tòa Thượng phụ Mátxcơva ngăn chận, họ ghét ngài và đứng về đường lối rất chống Công giáo. Gorbachev đã không hiểu luật chơi theo quan điểm của Giáo hội chính thống.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/3-1.jpg

Tổng thống Vladimir Putin gặp Đức Phanxicô ba lần
| © Liên bang Nga / Wikimedia / CC BY 4.0

Gần đây, Vladimir Poutine đã gặp các giáo hoàng nhiều lần, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Các nhà lãnh đạo Nga nhìn Vatican như thế nào?

Gorbachev và Yeltsin tôn trọng hình ảnh giáo hoàng. Vladimir Putin cũng vậy, ông xem giáo hoàng là người rất quan trọng.

Trong các cuộc gặp với các giáo hoàng kế tiếp, Vladimir Putin rất vui khi cho biết mình là người bảo vệ các giá trị Kitô giáo. Ông đứng đầu một đất nước khổng lồ, vì vậy, trên bình diện chính trị và văn hóa, ông quan tâm đến việc phải có quan hệ tốt với tất cả các tôn giáo hiện diện trên đất nước ông, và không chỉ với Chính thống giáo và Hồi giáo.

Do đó, thông qua các cuộc gặp với các giáo hoàng, vấn đề không phải là “ru ngủ phương Tây”, dù đó là trục cơ bản trong chính sách ngoại giao của ông kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống. Thách thức là vun đắp mối quan hệ với người công giáo, ngay cả khi có rất ít người Công giáo ở Nga.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button