“Anh đã thấy mùa xuân chưa” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 4 Mùa Chay năm B 11-3-2018
“Anh đã thấy mùa xuân chưa”
Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi.”
(Quốc Dũng – Anh Đã Thấy Mùa Xuân Chưa)
(Gioan 20: 1-18)
Mùa Xuân, là mùa Xuân nào? Ở đâu? Làm sao anh thấy được? Có thấy hay không, cũng chỉ mỗi hoa/lá/cành do mùa Xuân đem lại hay chỉ là lễ hội đình đám ở đâu đó, chứ làm thế nào anh thấy được “vùng trời mây trắng bay”, có anh và em ta cứ mải miết đi tìm nhau, cho thật lâu.
Quả thật, văn-chương/chữ nghĩa của người mình vẫn cứ tượng thanh/tượng hình cách rõ rệt, khiến người bình thường khó mà nắm bắt cho chính xác. Càng khó hơn, khi văn-chương ấy cứ mô-tả cảnh-tình của Xuân mùa cứ “trôi đi” khi người yêu ngây dại lại mơ mẩn bóng hình, sau đây:
“Ngày xuân vẫn trôi rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai
Trời mưa giăng lối áo em lệ rơi
Nhạt nhòa nét môi, đá xanh quên lời
Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi
Giọt sương vẫn rơi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đây vơi
Chiều xưa ngồi bên anh em nghe như đã xót xa trong tay mình
Một giây hờn lênh đênh môi em thơm ngát đón đưa hương say tình
Anh biết không anh em như bóng mây tìm nơi đổ bến
Đậu bến xa vời mà tình vẫn rơi, mây hoài vẫn trôi
Trời xao xác sóng, gió reo mùa đông
Tìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng
Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân vẫn mãi xa vời chốn nao
Còn thương nhớ nhau, còn nặng u sầu muôn kiếp về sau.”
(Quốc Dũng – Anh Đã Thấy Mùa Xuân Chưa)
Đúng thế. “Thương nhớ nhau, còn nặng u sầu muôn kiếp về sau” vẫn thấy tràn đầy một kiếp người gồm những thương cùng nhớ, vẫn rất nhiều. Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ cả một mùa Xuân bất tận ở đâu đó, phải chăng là Nước Trời Hội Thánh, rất hôm nay?
Vâng. Đúng vậy. Mỗi lần nhắc đến Mùa Xuân của Hội Thánh, là con dân trong Đạo lại hướng về Xuân Mùa Phục Sinh trong đó luôn có những động-tác hoặc nghi-thức lễ lạy, để chào mừng, thưởng-lãm những gì xảy đến rất chung quanh.
Đúng vậy. Chung quanh những ngày hội lễ rất “Mùa Xuân” của thánh hội, người người lại thấy những thứ và những sự biểu-tỏ ngày cùng sự lành thánh, lớn lao của hội lễ ấy. Một trong các biểu-tượng được mừng kính, nhắc đến, ắt hẳn là biểu-tượng của “Trứng Phục Sinh” mà người phương Tây, du nhập từ đâu đó vào với thánh hội, để mừng lễ.
Nhân nói đến lễ hội và/hoặc biểu-tượng của ngày lễ, hôm nay đây, lại thấy có thắc-mắc hỏi han từ ngườiu7o72d9i Đạo, gửi về đấng bậc vị vọng ở trên báo, để nắm rõ ý-nghĩa của một vài tập-tục, trong đó có tục gọi-là “Trứng Phục Sinh”, rất quang vinh, như sau:
“Thưa Cha,
Con có đứa cháu gái đã 10 tuổi đầu rồi nhưng cứ chạy đến hỏi han những câu rất vớ vẩn như: Tại sao nhà mình cứ hay ăn bánh Sô-cô-la hình trứng và cả đến hình “thỏ đế” hay cừu non rất khó hiểu vào mỗi lần tổ chức Phục Sinh, Chúa sống lại. Bản thân con đây cũng lờ mờ ít hiểu truyện tích phương Tây nên dám vời đến Cha một giải-đáp, cho ngọn ngành. Cha giúp con được chứ ạ?” (Câu hỏi chắc là của bà mẹ Công giáo, rất ngoan đạo nào đó quyết không sai!)
Sai hay không, những chuyện đạo để hỏi đấng bậc vị vọng chuyên giải-đáp thắc-mắc, ở trên báo. Bởi lẽ, công việc của Đức Ngài, chỉ có thế và mỗi thế. Nếu không, thì Đức Ngài làm gì cho hết ngày bây giờ. Bởi thế nên, người viết bài lại chuyển câu hỏi ở trên cho đấng bậc vị vọng trên Tuần Báo Công giáo Sydney, và đã có phản-hồi rất như sau:
“Nay, hãy để tôi bắt đầu với câu hỏi về “Trứng Phục Sinh” cái đã, rồi sẽ nói đến cái-gọi-là “thỏ đế” hoặc tập tục làm bánh trừu con ngày Chúa Sống Lại.
Phải nói thật lòng rằng: “Trứng Phục Sinh” có lẽ là biểu-tượng thông-thường được nhiều người ở trời Tây biết đến nhất. Món ấy có thể là bánh Sô-cô-la như cô cháu gái của anh/chị đề-cập, và cũng là tập-tục thông-thường ở xứ sở này được nhiều người thực-hiện nấu nướng, rồi còn tô màu bằng hình ở nhiều nước bên trời Tây, hôm nay.
Thế nhưng, có câu hỏi, là: “trứng” có vai trò gì với Phục Sinh?
Câu trả lời, là: “trứng” được coi là biểu-tượng của “mộ-phần khép kín” Chúa trồi-hiện lúc Sống lại, tựa chú gà con rời khỏi lớp vỏ trứng bao bọc. Thời xưa, sự việc này còn được coi là biểu-tượng của cuộc sống mới.
Lại một lý do khác nữa, “trứng” là một trong các món ăn được dân con trong Đạo thời tiên khởi được phép ăn vào Mùa Chay; và hôm nay, truyền-thống Chính-thống-giáo vẫn duy-trì nghi-thức này và con dân Đạo này vẫn ăn các bánh cùng các thức ăn khác nữa.
Ngược về thế-kỷ thứ tư ở Đông phương, trứng cũng được làm phép vào dịp Phục Sinh. Đến thế-kỷ thứ 12, cũng có tập tục làm phép trứng mang tên “Benedictio Ovorum” lan tràn sang các nước phương Tây là do các vị Thập-tự-chinh qua phương Đông đem về thực-hiện như nghi-thức thêm vào trong Đạo.
Ở phương Đông, trứng này được tô màu đỏ cốt để tưởng nhớ máu Đức Kitô đổ ra trên thập-tự. Trứng màu đỏ, đôi lúc còn được trang trí thêm cây thánh giá như một tập-tục đặc-biệt của Chính-thống-giáo và truyền-thống Giáo-hội Đông phương nũa. Các trứng này được linh-mục làm phép rảy nước vào lễ Vọng Phục Sinh, rồi phân phát cho giáo-dân đến dự.
Thời Trung Cổ, còn có tục phát trứng vào dịp Phục Sinh cho những ai đến nhà thờ dự lễ. Nhiều sử-gia còn cho biết: năm 1290, vua Edward Đệ Nhất của nước Anh từng có 450 trứng luộc, tô đậm màu hoặc dát vàng bên ngoài trước lễ Phục Sinh rồi còn phát không cho mọi thành-viên trong hoàng-tộc vào chính ngày Phục Sinh. Về sau, xưởng trứng nổi tiếng Fabergé còn nổi tiếng về tục tác-tạo nhiều quả trứng vàng Phục Sinh chứa nhiều châu báu rồi phân-phát cho quan viên thuộc hoàng gia Nga sô, nữa.
Miền Bắc Châu Âu, người ta còn giữ tập-tục tô vẽ lên vỏ trứng nhiều sắc màu tực sáng vào dịp lễ Phục Sinh, rồi đem làm phép và phát cho mọi người như món quà đặc-sản trở ngược về thời trước đó, ở nhiều nước.
Nghi-thức La Mã thời xưa/cổ thực-hiện lần đầu vào năm 1610, các đấng bậc lại cũng ban phép lành trên Trứng Phục Sinh, chẳng hạn như ở Ba Lan, Li-thua-nia, Ukraine, và cả Công Hòa Tiệp cũng thế, trứng Phục Sinh còn được trang trí bằng đủ mọi hình-thức có cái trở-thành hiện-vật nghệ-thuật cũng rất đẹp.
Các vật này, thường được coi như quà tặng trao ban cho bạn bè, người thân, có hình vẽ trên trứng xứng-hợp với đặc-tính của người được tặng.
Ở Ba Lan, có tục-lệ gọi là “Swieconka” gồm việc làm phép trên rổ trứng Phục Sinh và các thực-phẩm dùng làm biểu-tượng ưng giống như thế vào Lễ đêm Vọng Phục Sinh. Cũng thế, tại Ukraine cũng có tập tục tương-tự vẫn kéo dài nhiều năm. Tục lệ xưa, lại cũng thấy nhiều gia-đình sau khi ăn chay nhiều ngày vào Mùa Chay kiêng, lại đã trở về nhà vào đêm Vọng Phục Sinh vẫn ăn trứng cùng với nhiều thức ăn khác, nữa.
Truyền-thống các nơi còn giữ tục lệ dâng cúng “trứng luộc” cho bậc tiên-tổ đã mãn phần. Khi nghi-thức tưởng-niệm hoàn-tất, nhiều nơi còn giữ tập-tục đem trứng Phục Sinh đã làm phép đến nghĩa trang chôn cất tổ tiên vào các ngày Thứ Hai hoặc Thứ Ba Phục Sinh, ở đó họ hát hò mừng chúc nhau bằng những câu như “Chúa đã sống lại rồi” để thưa cùng bậc tiên-tổ hệt như hồi các vị này còn sinh-tiền.
Về thịt trừu ngày Phục Sinh, tục-lệ này trở ngược về thời xưa cũng khá xa. Thường thì, vào các buổi như thế, nhiều vị còn mang cờ quạt thắng-trận hình thập-tự biểu-trưng cho việc Đức Kitô Phục sinh quang vinh. Tục này, tương-tự thói lệ của người Do-thái ăn thịt trừu vào dịp Vượt Qua hàng năm, bởi người Công giáo lấy thịt trừu làm biểu-tượng cho Đức Kitô, Đấng hy-sinh mạng sống của Ngài đã chấp-nhận cái chết và sống lại hầu xóa bỏ tội-lỗi của thế-giới gian-trần, đầy nghịch-ngạo.
Còn, tục ăn bánh “hình thỏ” ngày Phục Sinh luôn được coi là ảnh-hình biểu-trưng sự sinh-sôi nảy nở và sự sống mới nối kết với việc Chúa sống lại, cũng rất hợp. Chừng như, tục-lệ này xuất từ nước Đức là nơi có truyện cổ tích kể về sự-tích các chú thỏ mang trứng giấu vào bụi rậm trong vườn. Đương nhiên là, không có văn-bản kinh-thánh nào viết lên truyện thỏ Phục Sinh, lỉnh kỉnh như thế.” X. Lm John Flader, “Why Easter Eggs? Happy Easter”, The Catholic Weekly 05/4/2015 tr. 15)
Truyện kể để minh-chứng các tục lệ Phục Sinh ở trời Tây còn rơi rớt lại ở đây đó, thì như thế. Lại cũng có, truyện kể để minh-họa bài phiếm “rất thấy mùa Xuân”, viết như sau:
“Truyện kể rằng,
xưa có một cậu thiếu niên lên chùa bái Phật. Cậu cắm 3 nén nhang vào trong lư hương, thành kính khấn rằng:
“Con cầu xin Phật Tổ phù hộ độ trì cho con thi đậu bảng vàng, sớm ngày vinh quy bái tổ”. Cầu nguyện xong cậu thiếu niên lại vái lạy 3 lần xong xuôi mới yên tâm đứng dậy ra về.
Lúc ấy đứng trực trong bảo điện là một chú tiểu nhỏ tuổi. Chú tiểu nhìn theo bóng người thiếu niên đến khi khuất hẳn rồi mới quay sang hỏi lão hòa thượng: “Thưa sư phụ, vị thí chủ vừa rồi rất cung kính lại thành tâm cầu nguyện, vậy Phật Tổ có nhận lời hay không?”. Lão hòa thượng chỉ lắc đầu rồi nói: “Vẫn còn thiếu một nén nhang”.
10 năm trôi qua, cậu thiếu niên ngày nào nay đã trở thành một trang nam tử hảo hán. Dù không đỗ đạt khoa cử, nhưng nhờ có khí chất hơn người mà anh quyết chí tòng quân; lại sẵn thông tuệ sách Thánh hiền nên anh sớm trở thành một viên tướng văn võ song toàn lập được nhiều chiến công hiển hách. Lần này anh trở về quê nhà là mong tìm được ý trung nhân.
Chàng trai lên chùa thắp 3 nén nhang, quỳ lạy trước bảo điện mà khấn rằng: “Cầu xin Phật Tổ phù hộ cho hạ quan kết được mối duyên lành, hạnh phúc viên mãn đến trọn đời”. Nói xong chàng trai vái lạy 3 lần một cách cung kính.
Chú tiểu năm xưa lại quay sang hỏi lão hòa thượng: “Sư phụ nói xem, liệu lần này Phật Tổ có nhận lời hay không?”. Và cũng giống như ngày trước, lão hòa thượng mỉm cười rồi nói: “Tiếc là… vẫn còn thiếu một nén nhang”.
Thoáng một chốc lại 10 năm nữa trôi qua chàng trai năm xưa nay đã bước vào tuổi trung niên. Trên gương mặt của ông hiện lên những dấu vết thăng trầm trong cuộc sống. Mặc dù có thê tử hiền thục, vợ chồng thuận hòa nhưng vì liên lụy chuyện nhà ngoại mà ông đã bị giáng chức. Từ một đại tướng quân oai phong lẫm liệt nay ông chỉ là viên quan quèn ở địa phương, biết bao chí nguyện lớn lao đều không thể thực hiện được nữa.
Bước từng bước chậm dãi lên trước điện thờ, ông dâng hương bái Phật, cầu nguyện cho con cái đỗ đạt khoa cử, công danh hoạn lộ, hoàn thành ước nguyện dang dở của mình trước kia.
Lúc này chú tiểu lại quay sang lão hòa thượng, chưa kịp hỏi thì đã thấy sư phụ than rằng: “Rốt cuộc… vẫn còn thiếu một nén nhang”.
Nhiều năm nữa lại qua đi, người đàn ông trung niên năm xưa tóc đã điểm hoa râm. Ông đã xin cáo quan trở về sống an cư nơi thôn dã. Những gì là hoài bão hay chí nguyện trước kia, nay cũng nhạt nhòa như mây khói.
Lần này ông không còn truy cầu những nguyện ước xa xôi, mà chỉ thảnh thơi vào chùa thắp 3 nén nhang trước Phật Tổ.
“Thưa Phật Tổ, trước kia con đã nhiều lần đến đây cầu nguyện nhưng dường như Ngài vẫn chưa nghe thấy lời con. Hôm nay dẫu Ngài không nhận lời, con vẫn xin được bày tỏ tấm lòng thơm thảo với mẹ già. Cha con mất sớm, mẹ một mình nuôi con khôn lớn. Thời trai trẻ, con có thể tung hoành ngang dọc, vùng vẫy núi sông ấy là bởi có mẹ hiền chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Giờ mẹ con tuổi đã gần đất xa trời con chỉ mong sao bà có thể sống bình yên vô sự, an hưởng tuổi già suốt quãng đời còn lại. Chỉ một điều này thôi con không cầu mong gì hơn nữa”.
Chú tiểu ngày nào nay đã trở thành hòa thượng, còn sư phụ của ông cũng già yếu lắm rồi. Lúc này “chú tiểu” không còn thắc mắc nhiều như trước nữa, ông chỉ nhìn vị thí chủ lão niên mà bồi hồi xúc động. Đứng bên cạnh ông, sư phụ mỉm cười gật đầu, dường như đôi mắt ông muốn nói rằng: “Phật Tổ đã nghe thấy tâm nguyện của thí chủ rồi đó”.
Người lão niên kính cẩn bước ra khỏi chùa, khi ông chưa về đến nhà thì tin mừng đã từ xa truyền lại: Hai người con trai của ông cùng đỗ thứ hạng nhất nhì trên bảng vàng, hơn nữa triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan cho ông, không những khôi phục chức quan mà còn thăng ông lên 3 bậc nữa.
Nhưng cuối cùng người lão niên đã không nhận lệnh. Ông một mực khước từ để được sớm tối chăm lo cho mẹ già suốt quãng đời còn lại.
Con người cả đời thờ Thần khấn Phật mà không biết rằng chí nguyện không thành, ấy là bởi… vẫn còn thiếu một nén nhang!
Người ta nói rằng Phật từ bi độ nhân. Nhưng có phải vì mâm cao cỗ đầy, vì chút hoa quả cúng dường hay vì vài ba nén nhang và dăm ba lần quỳ lạy mà Phật phải thực hiện những gì con người đang đeo đuổi? Nếu ôm giữ cách nghĩ như vậy rất có thể chúng ta đang bất kính với Thần Phật mà không hề hay biết.
Vậy người như thế nào mới được Thần Phật phù hộ độ trì? Phật gia có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”. “Phật tính” – ấy là khi trong tâm thực sự thuần thiện, thuần chính, không màng tư lợi, hoàn toàn suy nghĩ cho người khác, thì mới có thể động đến tâm niệm của Phật Đà. Vậy cũng nói, con người coi trọng danh lợi, tiền tài, địa vị, nhưng Thần Phật thì chỉ xét một chữ “Tâm” này mà thôi.
Bởi vậy mà, khi con người có thể buông bỏ mọi dục vọng, buông bỏ mọi truy cầu, chỉ chú trọng nâng cao đạo đức và tâm tính của bản thân, thì một cách tự nhiên sẽ không cầu mà tự đắc…” (trích-dẫn đôi câu truyện kể rút từ trang mạng để bà con ta thưởng lãm).
Những điều kể trên, cũng tương tự như truyện kể Phục Sinh ở Tin Mừng như sau:
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mágđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Gioan 20: 1-9)
Truyện gì thì truyện. Kể gì thì cứ kể, miễn sao ăn khớp với tục-lệ xưa cổ hoặc hôm nay, vẫn có cái gì đó hơi bị “dị đoan” tuy không mê tín, rất “Phục Hồi một sinh lực” của con người.
Kể thế rồi, nay xin mạn phép bạn bè người thân đang đọc những giòng chảy này như một ân-huệ là được kết-thúc câu chuyện rất “phiếm bạo” mang tính ngang xương, kỳ khú rất hôm nay.
Trần Ngọc Mười Hai
Đôi lúc cũng mang tiếng
Khá kỳ khú, ngang xương hay ngang ngược
Như thuở nào ở trường lớp
thời trung-học.