“Đêm mưa làm nhớ không gian,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 2 mùa Thường niên năm A 15/01/2017
“Đêm mưa làm nhớ không gian,”
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la.
Tai nương hướng giọt mái nhà,
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn,
Những chân xa vắng dậm mòn lẻ loi.
Rơi rơi … Dịu dịu … rơi rơi.
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ …”
(Nhạc: Hoàng Thanh Tâm/Thơ: Huy Cận – Buồn Đêm Mưa)
(2Corinthô 1:10-11)
Vâng. Có “Rơi rơi, dìu dịu, rơi rơi” nhiều cho lắm, cuối cùng cũng chỉ để “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ …” thôi. Chao ôi, là thi-ca, âm-nhạc và những gì nữa! Có nắng mưa chăng cũng khiến nghệ sĩ thấy mình như “Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”. Có buồn nhiều, rồi thì cũng lạnh run trong lòng, “nỗi hàn bao la”.
Nhà Đạo hôm nay, chợt nghe mưa rơi hoặc thấy trời nắng ráo, vẫn không buồn. Chỉ buồn một nỗi nhớ nhung về các sự kiện xảy ra trong/ngoài nhà Đạo như tin …tức mình gửi đến khá khó hiểu dù được diện-tả bằng ngôn-ngữ thời thượng.
Vâng. Ngôn ngữ thượng thừa thời buổi hôm nay, vẫn là những tin tức “động trời” mới đây thôi, xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ ngày 21/11/2016, thoáng chốc đã thấy hàng “tít” to đùng, viết như sau:
“Giáo hoàng cho phép “tha tội giáo dân phá thai”
Tuổi Trẻ Online – 21/11/2016
Trong thư gửi cho ai đó ngày 21-11, Giáo hoàng Francis ban phép cho các linh mục Công giáo được quyền tha tội cho giáo dân nào lỡ phá thai.
Trong lá thư này, Giáo hoàng Francis viết: “Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng: phá thai là hành đông có tội rất nặng, vì nó chấm dứt sự sống vô tội của con người. Tuy nhiên, cùng lúc, tôi vẫn nói được rằng: không lỗi/tội nào mà Chúa lòng lành/nhân từ lại không thể tha thứ nếu như con tim của ta biết hối lỗi kiếm tìm sự tha tội từ mọi người.
Xem như thế, các linh mục sẽ là những người dẫn dắt, ủng hộ và ủi an những ai biết sám hối đang trên đường tìm kiếm thứ-tha. Bởi thế nên, tôi trao quyền cho các linh mục, bằng bổn-phận đức hạnh, được phép giải tội cho những ai phạm tội phá thai”.
Trước đó, Giáo hoàng Francis cho phép các linh mục trên toàn thế giới được phép tha tội cho các giáo dân nào từng phá thai trong Năm thánh lòng Chúa thương xót theo lịch Công giáo, bắt đầu từ ngày 8-12-2015 đến 20-11-2016.
Năm thánh Lòng Chúa thương xót là thời-điểm giáo dân được tha-thứ cách đặc biệt về các tội lỗi mình phạm. Giáo hội Công-giáo cho biết quyết định của Đức Giáo hoàng là “mở rộng lòng nhân từ của Giáo-hội”.
Trong thời gian qua, một số nơi trên thế giới, như ở Hoa-Kỳ, nhiều linh mục cũng được đặc cách “tha tội cho giáo dân nào từng phá thai “. Phá thai từng là một trong những định hướng mà các linh mục dành cho giáo dân Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 vừa qua.
Hãng tin AP cho biết: nhiều linh mục đã nhắc nhở giáo dân của mình hãy nghĩ về “sự thiêng liêng của sự sống” – một từ-vựng ám chỉ hành-động phá thai – khi bầu tổng thống Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, tổng thống đắc cử Donald Trump đã chống lại việc phá thai, trong khi đó ứng cử viên Hillary Clinton lại ủng hộ việc phụ nữ có quyền được phá thai…” (Đ.K.L. tường-thuật)
Chuyện phá thai nhập với đề-tài tranh-cử tổng thống, vẫn là chuyện thường tình ở huyện, rất “nước ngoài”. Chuyện quốc nội xưa nay vẫn đậm nét thi-ca/âm-nhạc cho xôm tụ, như ý/lời bài hát “Buồn Đêm Mưa”, còn lên tiếng hát:
“Đêm mưa làm nhớ không gian.
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.
Tương tư hướng lạc phương mờ.
Trở nghiêng gối mộng hửng hờ nằn nghe.
Gió về lồng lộng không che.
Hơi May hiu hắt bốn bề tâm tư.
Rơi rơi … Dịu dịu … Rơi rơi.
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ …
Đêm mưa làm nhớ không gian …
Đêm mưa làm nhớ không gian …”
(Hoàng Thanh Tâm/Huy Cận – bđd)
Quả là: đêm mưa có “rơi rơi, dìu dịu, rơi rơi”… vẫn khiến cho nghệ sĩ “lặng nhớ cả không gian lẫn thời gian” mình đang sống, trong đó có “hơi may hiu hắt, bốn bề tâm-tư”.
Hôm nay đây, quả là: trong không-gian nhà Đạo, lại cũng thấy liu riu/hiu hắt một nỗi buồn khó tả về lập-trường sống có chính-kiến lẫn tâm-tư khá u-uẩn, và khúc mắc khiến người đi Đạo phải nghiên-cứu để cón sống. Sống trong đời, mà không có tâm-tư kỳ lạ cũng không tiện.
Nghĩ thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta đi thẳng vào vấn-đề của nhà Đạo để suy-tư sống xứng-hợp mọi sự, cho thoải mái. Vậy thì, mời bạn/mời tôi, ta thử xem xét vấn-đề khúc-mắc, khó tả được nhà thần-học trổi-danh là Giáo sư Marcus J. Borg ở Hoa Kỳ từng bàn nhiều về đạo-giáo cùng niềm tin đích-thực, qua giòng chảy tư-tưởng, như sau:
“Ta nghĩ thế nào về Thiên-Chúa? Đó là những câu hỏi khá trừu-tượng như cốt để đặt thành vấn-đề đối với người thường ở huyện nhà Đạo khắp nơi, trên thế-giới. Tuy nhiên, câu hỏi mà người người đặt ra hôm nay, lại tạo nhiều hệ-luỵ khá nhiêu-khê, uẩn-khúc.
Nói khác đi, câu hỏi đây sẽ gọn nhẹ và dễ hiểu hơn, nếu bảo rằng: Bạn và tôi, ta có ý-niệm gì về Thiên-Chúa? Bằng vào từ-vựng “ý-niệm gì về Thiên-Chúa”, tôi đây chỉ muốn diễn-tả ý-nghĩa ta đang có trong đầu, khi sử-dụng tự-vựng “Thiên-Chúa”, tức: tất cả mọi người đều có vài ý-niệm về Thiên-Chúa, dù mơ-hồ hoặc rõ ràng, dù ta có là kẻ tin hoặc vô-thần đi nữa.
Điều, tôi muốn nói ở đây rất trực-tính, tức bảo rằng: ta có ý-niệm gì về Thiên-Chúa hay không, vẫn luôn trở-thành vấn-đề. Ý-niệm đây có thể khiến Thiên-Chúa là Đấng ta tin được hoặc chẳng thể nào tin bao giờ hết. Ngài cũng có thể có thực và cũng có thể là không thực. Và, điều đó có lẽ khiến Ngài trở nên xa cách hoặc gần gũi, vắng mặt hoặc luôn hiện-diện, cũng rất thường. Làm sao ta tưởng tượng ra được một Thiên-Chúa đã tác-động lên ý-thức những điều mà cuộc sống Kitô-hữu của ta mang nhiều ý-nghĩa, rất đáng sống.
Và các câu hỏi tương-tự như: phải chăng cuộc sống Kitô-hữu chỉ mỗi tập-trung vào chuyện tin-tưởng, mà thôi? Hoặc, chuyện đó chỉ để nhà Đạo có dịp lên tiếng về tương-quan nào đó mà thôi không? Phải chăng ta tin vào Thiên-Chúa là Đấng siêu-phàm sống ra rời vũ-trụ, hoặc tin là ta có mối tương-quan mật-thiết với Thần-Khí Chúa đang có mặt ở đây, chung quanh ta? Phải chăng tin vào Chúa là tin rằng Đấng Linh Thiêng đang “ở nơi nào đó” hoặc ta đang có tương-quan với Đức Chúa đang có mặt ở đây, lúc này?
Về Đức Chúa, lâu nay ta vẫn có hai ý-niệm cội-rễ tìm thấy ở Kinh Sách và ở truyền-thống trong Đạo.Hai ý-niệm này hoàn-toàn khác-biệt nhau. Ý-niệm thứ nhất quan-niệm Thiên-Chúa là hữu-thể siêu-nhiên “ở ngoài đó”, tách rời khỏi thế-giới, là Đấng Tạo-dựng trời đất rất xa xưa, và là Đấng đôi lúc cũng can-thiệp vào chuyện bên trong đó. Theo ý-nghĩa quan-trọng, thì Thiên-Chúa này không có “ở đây” và vì thế ta không thể biết và cảm-nghiệm được, mà chỉ có thể tin vào Ngài mà thôi. Tin, bằng luận-lý xuất từ ý-niệm này, và đó là ý-nghĩa của “niềm tin”.
Thông thường thì, suy-tư về Thiên-Chúa như thế vẫn được gọi là “Thuyết hữu-thần theo nghĩa siêu-nhiên”. Thuyết này lan-tràn và trải rộng ở Đạo Chúa. Điều đó, có lẽ cũng là những gì mà phần đông các kẻ tin hoặc những người không tin vào thần thánh đều có trong đầu khi nghĩ về Thiên-Chúa. Có người chấp-nhận Thiên-Chúa có thực, có người không. Thế nhưng ý-niệm về Thiên-Chúa như Hữu-thể siêu-phàm đang “ở đâu ngoài đó” là Đấng được mọi người chấp-nhận hoặc phản-bác.
Ý-niệm cội rễ thứ hai về Thiên-Chúa theo truyền-thống Kitô-giáo, lại suy theo cách khác hẳn. Theo những người này, thì Thiên-Chúa là Đấng Thần Linh Thánh Ái mà tất cả chúng ta và mọi sự đều ở trong Ngài. Theo ý-niệm này, thì Thiên-Chúa không là Hữu-thể siêu-phàm tách-rời đến từ vũ-trụ; nhưng đúng hơn, Thiên-Chúa đây, tức: Đấng Thần Linh rất thánh là lớp bao phủ không mang tính thể-chất hoặc lãnh-vực hoặc tầm-kích thực-tại ở quanh ta. Thiên-Chúa, hiểu như thế, lại vĩ-đại hơn vũ-trụ, vẫn là thứ vũ-trụ ở trong Thiên-Chúa. Thế nên, hiểu theo nghĩa không-gian, thì Thiên-Chúa là Đấng không ở “nơi nào đó”, mà là “đang ở ngay đây, và nơi này.” Và, ta có thể gọi ý-niệm về Thiên-Chúa như thế là “Thuyết Phiếm Thần”. Cung-cách suy-tư về Thiên-Chúa như thế được nhiều người nói đến trong truyền-thống thần-học Kitô-giáo.
Cả hai cung-cách suy-tư này đều đã dưỡng-nuôi cuộc sống tín-hữu Đức Kitô suốt nhiều thế-kỷ. Bởi, hầu hết mọi thời, phần đông tín-hữu Đức Kitô đều nghĩ về Thiên-Chúa trong khuôn-khổ của thuyết hữu-thần siêu-phàm. Không có gì xấu-xa trong chuyện đó. Nghĩ về Thiên-Chúa là Hữu-thể siêu-nhiên “ở đâu đó” là những gì được mọi người hàm-ngụ cách tự-nhiên khi đọc văn-bản này khác của Kinh Sách, cũng như ngôn-ngữ phụng-thờ, đầy mộ đạo. Với các tín-hữu Đạo Chúa mãi đến lúc gần đây, không có vần-đề gì nghiêm-trọng cả. Nhưng thời buổi ta đang sống, hôm nay, suy về Chúa là Hữu-thể Siêu-phàm “ở đâu đó” đã trở-thành một trở-ngại khá lớn, với nhiều người.
Nghĩ như thế, có thể khiến nhiều người nghi-ngại về việc Thiêm-Chúa không có thật, và càng làm cho Ngài xa rời mọi người. Và vì thế, nhiều người lại vẫn không biết rằng: ngay trong truyền-thống Kitô-giáo đã có ý-niệm cội rễ về Thiên-Chúa, theo thuyết phiếm thần rồi.” (X. Marcus J.Borg, The GOD We Never Knew: Beyond Dogmatic Religion to a More Authentic Contemporary Faith, HarperOne 1997 tr.11)
Xem thế thì, có những điều được nói đến ở trong đời hoặc ở nhà Đạo rất “xưa như trái đất”, nhưng bị phủ-trùm bằng lớp ẩm mốc cả một đời người. Nay, giỡ tấm bạt phủ trùm ấy lên, ắt người tháo/giỡ sẽ thấy đôi điều khá thích thú.
Trong cuộc đời, lại cũng có những truyện kể xưa như vũ trụ, nhưng lại cũng mới mẻ đối với những ai ít “sưu tầm” truyện kể thuộc tầm cỡ “Nguyễn Hiến Lê” tức loại hình “Quẳng Gánh Lo Đi” mà vui sống. Như thể, truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới:
“Truyện rằng:
“Tại một quầy hàng truyền thống trong chợ, có một người bán hàng rong bày biện 2 chiếc giỏ tre. Trong hai chiếc giỏ này, một cái có nắp đậy, một cái thì không, đằng sau sự khác biệt này là một câu chuyện rất thú vị…
Trong 2 chiếc giỏ tre, có một cái đựng toàn là cua nhưng không có nắp đậy, nhìn vào chỉ thấy những con cua đang tranh nhau bò ra khỏi giỏ, nhưng kết quả là không con nào bò ra ngoài được, bởi vì sẽ bị một con khác kéo xuống.
Còn chiếc giỏ kia thì có nắp đậy. Người bán hàng rong mở nắp ra để những khách hàng hiếu kỳ xem một chút. Bên trong là thứ gì? Nguyên tất cả đều là loại rùa đen với đủ kích cỡ lớn/nhỏ.
Người bán hàng rong nói rõ với mọi người vì sao ông lại phải đậy nắp chiếc giỏ tre này: “Bởi vì con rùa đen lớn nhất sẽ kê ở phía dưới cùng, kế đến là con rùa nhỏ hơn sẽ bò lên trên mình con thứ nhất, tiếp nữa là con rùa nhỏ hơn nữa, và trên tầng cao nhất là con rùa đen nhỏ nhất.
Chúng dùng cách thức xếp chồng lên nhau như vậy, đồng tâm hiệp lực, giúp con rùa đen nhỏ nhất có thể ra khỏi giỏ tre, sau đó, những con rùa phía dưới cũng sẽ bò ra được, còn con rùa lớn nhất sẽ dựa vào sức của mình để chui cái đầu ra ngoài”.
Người bán hàng rong đậy kín nắp giỏ lại, sau đó nói tiếp: “Cho nên ta phải đậy nắp lại cho nhanh, bằng không đám rùa đen sẽ bò ra hết. Về phần con rùa đen lớn nhất kia, mặc dù không bò ra ngoài được, nhưng nó cũng không oán hận hay tiếc nuối”.
Trong chiếc giỏ tre này, không gian chật hẹp như vậy, thế mà những con cua lại không ai nhường ai, còn tranh chấp tương tàn, trèo đầu cưỡi cổ nhau, tranh quyền đoạt lợi… Cuối cùng chỉ có thể rơi vào kết cục “kiếm củi ba năm đốt một giờ”, nhận cái kết bi thảm, cùng nhau đi đến chỗ chết.
Trái lại, những con rùa đen thì không như thế, với trí tuệ của mình, con rùa đen lớn nhất sẵn sàng kê lót phía dưới cùng của chiếc giỏ tre, để cho những con rùa khác có thể leo ra khỏi giỏ, dù phải hy sinh thân mình vẫn thản nhiên đối mặt – Đây quả thực là một loại tình cảm thương yêu, một tinh thần cao thượng.
“Giúp đỡ người khác sẽ làm nên thành tựu, cũng là thành tựu chính mình”, chúng ta lẽ nào lại không sánh bằng những con rùa đen bé nhỏ kia đây?” (Sưu Tầm trên Internet)
Đọc truyện ngoài như thế rồi, tưởng cũng nên đi vào vườn thượng uyển của bậc thánh-hiền vẫn có những lời lẽ rất khích-lệ về mọi thứ, như sau:
“Chính Thiên Chúa đã cứu
và sẽ còn cứu chúng tôi khỏi chết như thế.
Ngài là Đấng chúng tôi trông cậy,
Ngài sẽ còn cứu chúng tôi nữa.11
Còn anh em, hãy lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi.
Như vậy, Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng tôi
nhờ lời cầu thay nguyện giúp của nhiều người;
và do đó, nhiều người sẽ cảm tạ Thiên Chúa
vì Ngài yêu-thương chúng ta.”
(2Corinthô 1:10-11)
Tựu trung thì, toàn-bộ Tin Mừng của Chúa là như thế. Toàn-bộ Tin Mừng chỗ nào cũng nói đến tình thương-yêu, giúp giùm đùm bọc lẫn nhau. Giúp giùm hết mọi người. Tất cả những người ấy đã hoặc sẽ còn giữ Đạo nữa hay không.
Cuối cùng thì, cốt cách lập-trường của thi-ca/âm nhạc cùng văn thơ ngoài đời cũng chỉ để nói lên những điều rất tương tự. Tương-tự như ý/lời của nhạc-bản được trích ở trên. Ý và lời từng trích, lại được lồng vào với giai-điệu nhẹ-nhàng dìu dịu vào “đêm mưa” với những lời lẽ khá “lưa thưa”, như sau:
“Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tương tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng hửng hờ nằn nghe
Gió về lồng lộng không che
Hơi May hiu hắt bốn bề tâm tư
Rơi rơi … Dịu dịu … Rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ …
Đêm mưa làm nhớ không gian …
Đêm mưa làm nhớ không gian …”
(Hoàng Thanh Tâm/Huy Cận – bđd)
Nhẹ nhàng/dìu dịu, còn là bản-chất của những điều được kể trong câu truyện ngắn gọn dùng làm kết-đoạn cho “chuyện-phiếm-nhưng-không-phiếm” vẫn cứ kể:
“Rằng: Hôm ấy, Ađam về nhà rất muộn. Eva giận dữ, bèn tra hỏi:
– Tại sao hôm nay anh về muộn như vậy? Anh đi gặp con phải gió nào phải không?
– Đừng có mà ngu ngốc như vậy! Em phải ghi-tạc trong đầu là: Em là người đàn bà “duy-nhất” trên trái đất này, được anh yêu thôi.
Chẳng mấy chốc cả hai nằm dài ra ngủ. Nửa đêm, Ađam thấy buồn buồn ở trên ngực bèn tỉnh giấc. Thấy tay của Eva đang rờ rẫm trên ngực mình, miệng thì lẩm bẩm câu gì đó, thật khó hiểu, bèn hỏi:
– Ơ kìa! Em đang làm cái quái quỉ gì thế?
– Tôi đang đếm xem anh còn đủ bấy nhiều xương sườn không?
Số là, Eva ghen tức, nghi-ngờ chồng mình “tòm tem” với ai đó, nên đã có cách kiểm tra rất hay là đếm các đoạn xương sườn của chồng mình. Giả như có thiếu đi một chiếc xương sườn cụt nào đó, thì chứng tỏ là Ađam đã tạo thêm một người nữ khác để tuỳ thân, cho chắc ăn.” (truyện trích dẫn ở trên mạng)
Truyện kể, có dài giòng lê-thê hay dìu dịu, gọn nhẹ cũng chỉ để nói lên ý-tứ và ý-từ mà người kể hôm ấy muốn dùng làm bài học để khuyên răn ai đó, trong cuộc sống. Hôm nay, kể lể lê thê đôi ba phút về “chuyện-phiếm-nhưng không-phiếm” trong đời, cũng chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”, mà thôi.
Quyết thế rồi, lời cuối hôm nay, vẫn là lời chúc bạn và tôi, hoặc các vị đang đọc giòng chữ này cứ thế mà vui lên để rồi tiếp tục phiếm nhanh, phiếm mạnh, phiếm dài dài, luôn mãi suốt đời mình.
Trần Ngọc Mười Hai
Có những ngày viết phiếm
Chỉ để phiếm cho vui
Mà thôi.