Chiều nội trú bâng khuâng | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 19 thường niên năm A 13/8/2017
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết.”
(Nguyễn Trung Cang/Hoài Mỹ – Bâng khuâng chiều nội trú)
(Mt 19: 12)
Phải nói thẳng ra đây rằng, bần đạo bầy tôi đây cũng từng là sinh viên trường nội trú rất nhiều năm, thế nhưng có năm nào lại thấy bâng khuâng hoặc bâng quơ cái nỗi niềm nào đâu chứ?
Và, cũng phải nói thẳng/nói thật ra rằng: tuy bần đạo bầy tôi đây thuộc loại “văn dzốt vũ dzát” không có tâm hồn thi-tứ nhưng đôi lúc cũng thấy nhiều yêu thương qua ánh mắt êm đềm, như ca-từ rộn ràng ở dưới:.
“Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm
Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM”.
(Nguyễn Trung Cang/Hoài Mỹ – bđd)
Cứ hát hoài và hát mãi những câu như “Rất nồng-nàn ngọt tiếng “Yêu Em” vào những “chiều nội trú bâng khuâng” cũng là điều ít thấy những không phải là không có xảy ra. Có những điều cả trong đạo, lẫn ngoài đời dù ít thấy nhưng vẫn xẩy ra rất “hết xẩy” như chuyện bà con mình sẽ bàn ở dưới.
Thế nhưng, trước khi bàn chuyện khô khan, đứng đắn, xin mời bạn/mời ta ta nghe tiếng ca-từ
“Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm
Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng.”
(Nguyễn Trung Cang/Hoài Mỹ – bđd)
Và, hôm nay đây, lại xin mạn phép quí bạn đọc để bạn và tôi ta lại bàn thêm về những chuyện đã từng bàn và tán, nhưng chưa hết, là chuyện các “mục tử rất linh” là linh-mục và hôn-nhân, như sau:
“Mới đây, trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ ý-kiến của ngài về vấn đề các linh mục có gia đình được đưa lên làm đầu đề các bài viết phổ biến rộng khắp trên thế giới, thì câu đáp trả của ngài rõ ràng là không đồng giọng với lối suy-nghĩ của các vị tiền-nhiệm.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật-báo “Die Zeit” ở Đức được đăng tải vào đầu tháng Ba năm 2017, Đức Phanxicô được hỏi là: nếu các ứng viên linh mục lại phải lòng đi yêu và lấy người mình yêu làm vợ như yếu tố giải quyết ơn kêu gọi làm linh mục đang giảm dần, thì sao?
Ngài cũng được hỏi là: nếu các vị gọi là “viri probati” (tức nam-nhân đạo đức) được phép trở thành linh mục, thì sao? Đức Phanxicô hôm ấy trả lời rằng: “Khi ấy, ta phải nghiên-cứu xem chuyện “viri probati” có thể thành hiện thực được hay không. Sau đó, ta cũng cần định-vị xem các vị ấy có thể lãnh-nhận công-tác nào cho xứng, như thể ở các cộng đoàn miền sâu miền xa chẳng hạn.
Diễn tả tâm tình quyết nghiên-cứu vấn-đề cho phép những người đã có gia đình được phép trở-thành linh-mục cũng đã là một đáp trả khá đột biến cho đề tài từng được bàn cãi suốt hai Thượng Hội Đồng Giám Mục do Đức Bênêđíchtô 16 lẫn Đức Gioan Phaolô đệ Nhị góp ý rồi.
Trong kỳ họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào năm 2005 về đề tài Tiệc Thánh, khi ấy có bàn đến chuyện phong chức cho các nam-nhân vốn có đặc trưng về đạo đức/chức năng theo cách Giáo hội có thể cung cấp linh mục cho các khu vực mà người Công giáo bị hạn chế tham-dự thánh lễ và các Bí tích vì đường xá xa xôi hiểm trở, chẳng hạn.
Đức Bênêđíchtô 16 có lần nói rằng: “Sống bậc linh-mục độc-thân là chuyện khó hiểu ngày hôm nay, bởi vì sự việc lập gia đình và luật buộc phải sinh con đẻ cái lâu nay thay đổi rất rõ.” Đức Giáo Hoàng giải thích tiếp: “Từ lâu, việc lập gia đình là phải sinh con từng được coi như chuyện con người trở thành bất tử ngang qua sự việc có con cháu nối dõi tông đường, mà thôi.
Việc từ bỏ/dứt-đoạn hôn nhân và gia đình vì thế được người đời hiểu theo nghĩa này: tôi từ bỏ những gì mà người đời thường nói, không phải chỉ là chuyện bình thường nhưng còn là việc quan trọng nhất. Luật độc-thân là kỷ-luật ở Giáo-hội, nhưng cội rễ của nó được tìm thấy trong Phúc Âm khi Đức Giêsu nói với các đồ đệ của Ngài về khả năng sống đời độc-thân là vì Vương Quốc Nước Trời.
Phúc Âm thánh Mátthêu đoạn 19 câu 12 từng quả quyết:
“Quả vậy, có những người không kết hôn
vì từ khi lọt lòng mẹ,
họ đã không có khả năng;
có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn;
lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.
Ai hiểu được thì hiểu”…
Về phần Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài cũng trả lời cho câu hỏi có nên cho phép các người trẻ tuổi suy nghĩ về đời linh mục được phép lấy vợ như một “động cơ” đi theo cùng một giòng tư tưởng như thế. Trả lời cho phóng viên báo Die Zeit, ngài có nói: Tình nguyện sống đời độc-thân, vẫn được bàn luận theo bối-cảnh này, đặc biệt là ở nơi nào có vấn đề thiếu linh-mục. Tuy nhiên, sống độc-thân tự-nguyện không là giải pháp tìm đến…
Trong sách ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 2010 khi còn là Hồng-y Jorge Mario Bergoglio, Đức Phanxicô công-nhận rằng ngài ủng hộ khuynh-hướng duy-trì đời linh-mục độc thân vì “đó là vấn đề kỷ-luật, chứ không phải niềm tin.”
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị cũng từng tỏ bày hệt như thế. Trong cuộc hội-kiến tổng-thể ngày 17 tháng 7 năm 1993, ngài có nói: trong khi bậc độc-thân “không thuộc bản-chất của đời sống linh-mục”, chính Đức Giêsu đã coi đây là lý-tưởng của sự sống.
Cũng hệt thế, hồi còn là Hồng y Ratzinger, Đức Bênêđíchtô từng bảo rằng: luật buộc sống độc-thân “không là tín-điều”, mà chỉ là “hình-thức sống” có dính dự đến niềm tin của các linh mục và không là lĩnh vực đặt trên chính bản chất của các vị ấy.
Theo tôi, thì: sở dĩ chuyện này kích động con người hôm nay tìm cách chống lại đời sống độc thân, là vì họ thấy nhiều linh mục trong lòng không thực sự đồng ý thuận với nó và có thể họ sống đời độc thân một cách giả hình, tồi tệ, không hoàn toàn đúng nghĩa của nó, hoặc chỉ sống độc thân theo cách vặn vẹo, khổ sở. Đó là điều mà mọi người đều thấy thế và nói như thế.”
Khi tất cả đều được nói ra và thực hiện rồi, theo Đức Phanxicô thì việc còn lại ta nên mở ra mà cứu xét khả năng trải rộng cho các linh mục đã lấy vợ chẳng phải là chuyện cách mạng gì hết, nhưng là tiếp tục bàn những chuyện đã kéo dài nhiều thập niên qua và ra như thể nhiều người vẫn còn làm như thế, mãi về sau.” (Xem Junno Arocho Estevez, Priests and marriage: Pope’s response not so new, The Catholic Weekly.com.au)
Chuyện linh mục Công giáo Đạo mình có nên lập gia đình không, vẫn là chuyện dài không bao giờ cạn ý. Thế nên, nay ta chuyển qua đề-tài khác cũng nổi cộm không ít. Đó, là chuyện liên quan đến phụ-nữ, vai trò của nữ-phụ trong Giáo-hội, tinh-thần phục vụ thấy rõ nơi phụ-nữ, chuyện “tập-thể-tính” trong Giáo-hội, là những chuyện không thể không chú ý tới.
Nhưng trước hết, tưởng cũng nên đưa ra một vài tin tức ở nhà Đạo, như sau:
“Cần tăng cường vai trò tư vấn của phụ nữ tại giáo triều Vatican –
Hồng y Anders Arborelius nói: “Chúng ta đã có một hội đồng hồng y, thế thì tại sao lại không có một hội đồng phụ nữ tư vấn cho Đức Thánh Cha.
Hồng y Anders Arborelius – hồng y đầu tiên tại Bắc Âu – sau khi được ĐGH Phanxicô tấn phong vào ngày 28 tháng sáu 2017, đã công khai cổ xúy vai trò tư vấn của phụ nữ trong giáo hội cũng như tại Vatican.
Báo Osservatore Romano bằng tiếng Ý đưa tin là giám mục Stockholm mong muốn phụ nữ cần phải có thêm vai trò trong guồng máy giáo hội. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ sở National Catholic Register (NCR), hồng y Arborelius tuyên bố: “Vai trò của phụ nữ hết sức quan trọng trong xã hội, trong sinh hoạt kinh tế, thế nhưng đôi khi chúng ta khá tụt hậu”.
Được khuyến khích với những tấm gương như của Mẹ Teresa Thành Calcutta hay của bà Chiara Lubich, hồng y Arborelius nghĩ rằng vai trò tư vấn này cần phải được công khai hóa. Ngài nói : “Chúng ta đã có một hội đồng hồng y, thế thì tại sao lại không có một hội đồng phụ nữ tư vấn cho Đức Thánh Cha”.
Hồng y Arborelius nhắc lại là vào tháng 8 năm 2016, một ủy ban được ĐGH thành lập để nghiên cứu việc cho phép phụ nữ được làm phó tế. Hồng y nói thêm rằng điều cần thiết là tìm ra những cách thức mà qua đó phụ nữ có thể truyền rao Tin mừng ở những cấp bậc khác nhau – có thể trong vai trò phó tế hay qua những công tác đặc sủng nào đó.” (Nguồn: Zenit, Vũ Nhuận chuyển ngữ)
Thế đó là chuyện về phụ nữ nói chung và chuyện nữ-phụ trong Đạo. Tiếp đến, cũng nên nói thêm về những chuyện hơi tế-nhị như chuyện “tập-thể-tính” trong Giáo-hội từng được các nghị-phụ Công Đồng Vatican 2 bàn nhiều. Trong các đề-tài về “tập-thể-tính” trong Giáo hội được đề cập ở nhiều bài viết. Có bài khá độc-đáo, tỏ bày ý-kiến biệt-lập như bài của đấng bậc vị vọng ở Hoà Lan hôm trước, cũng từng viết:
“Trong lúc Công Đồng Triđentinô có qui-chiếu về vấn-đề này, thì tài-liệu Công Đồng Vatican 2 chứng-minh cho thấy Công Đồng không đả-động gì đến công-cuộc thừa tác vốn là thể-chế đích-thực, do Đức Kitô lập. Chính Công Đồng Triđentinô từng sử-dụng thành-ngữ “sự việc do thần-thiêng sắp xếp”, hay nói khác đi, thì: các vị đã tiến-hoá theo cung-cách lịch-sử, do hành-xử của Thiên-Chúa mà ra.
Công Đồng Triđentinô đã chỉnh-sửa thành-ngữ “do thể-chế thần-thiêng mà có”, và chỉ thích chọn cụm-từ “do bậc thần-thánh sắp xếp”. Trong khi đó, Công Đồng Vatican 2 lại chọn thành-ngữ thứ ba, là: “ab antique”, tức: có tự thời xưa/cũ, là bởi vì hệ-cấp Giáo-hội phát-âm rõ-ràng như thế, cốt ăn khớp với luật-lệ ngoài đời mang tính xã-hội-học, mà thôi.
Không còn nghi-ngờ gì, xem như thế: đã có nối-kết với Đức Kitô lịch-sử, rồi. Nhà chú-giải Tin Mừng nổi tiếng là ông Descamps đã biện-bạch rằng: khái-niệm về Nhóm Mười Hai đã nối kết với Đức Kitô từ thời trước. Giáo-hội của ta là Israel mới. Thành ra, trong Tập-đoàn Mười Hai vị đây, đã thấy thừa-tác-vụ của ông Phêrô trong nhóm. Và, sự-thể xảy ra ở Tân-Ước, cốt ý bảo rằng: thủ-lãnh Giáo-hội của ta là vị Trưởng Tràng của Nhóm này.
Nhưng, làm sao thừa-tác-vụ của ông Phêrô lại trở nên hiện-thực? Phải chăng, đấy là một loại Tam-đầu-chế, như đã xảy ra thời sau này? Hoặc, Nhóm của ông là một tập-đoàn? Hoặc, Thượng Hội-đồng Giám mục chăng? Đấy, chính là vấn-đề lịch-sử, dễ đổi thay.
Công Đồng Vatican 2 nói nhiều về “tập-thể-tính” của Tập-đoàn các đấng-bậc, như: Ông Phêrô và Mười Một vị còn lại đã cùng nhau quản-cai Giáo-hội, vào thời đó. Hệt như tác-giả Botte từng xác-chứng, “tập-thể-tính” là khái-niệm thuộc thời các Giáo-phụ. Tỉ như, văn-bản mang tên là “Nota esplicativa previa” của Vatican 2 đã tìm cách làm giảm-thiểu thẩm-quyền “tập-thể-tính” của các đấng bậc, khi quyết rằng: Đức Giáo Hoàng cũng có thể hành-xử mà không cần đến ý-kiến của tập-đoàn Hồng-y, Giám-mục.
Thời quân-chủ tuyệt-đối, mọi người đều am-hiểu chuyện này. Nhưng hôm nay, thời dân-chủ/đa-nguyên này, ta không thể làm như thế được. Quyền-lực rất ư là cần-thiết, nhưng ta không thể chấp-nhận chủ-nghĩa độc-đoán, được. Ta có thể thực-thi quyền-bính theo cách của dân-chủ/nghị-sự, nhưng không được phép chống lại kẻ tin. Ta cũng nên nghe ý-kiến của dân đen mọi người, ở dưới trướng.
Cả khi Đức Kitô thực sự không trực-tiếp cắt đặt Giáo-hội cách nào đi nữa, bởi Ngài tin rằng tận-thế đã gần kề, nên khi ấy Ngài không tin vào chuỗi dài lịch-sử xảy ra đúng thời/đúng lúc, thật chính-xác. Thật ra thì, sau khi Ngài quá vãng, người người mới tuyên-xưng ý-nghĩa tổng-thể và dứt-khoát của thông-điệp và cách sống của Đức Giêsu như thế thôi.
Loại hình-ảnh mà Giáo-hội tiên-khởi có về chính mình ngay từ đầu, là có ý bảo: làm dân con của Chúa vào thời cuối, khi mọi người ở Do-thái cuối cùng rồi cũng đoàn-kết/hiệp-nhất cùng một niềm tin vào Đức Giêsu và vào tín-thư của Tin Mừng.
Thành ra, Đức Giêsu đơn-giản là Ngài để lại một cao-trào cộng-đoàn kẻ tin vốn biết mình là dân con của Chúa, tức: nếu có tập-họp theo tính cánh-chung, trước nhất là do Thiên-Chúa của Israel lập ra; và từ đó, mới lan sang hết mọi người.
Nói cách khác, Giáo-hội là cao-trào giải-thoát mang tính cánh-chung, có mục-tiêu cưu-mang tất cả mọi người, nam cũng như nữ, đưa họ vào với hiệp-thông duy-nhất, trong hài-hoà/giản-đơn, có sự bình-an ở lại với họ, chen lẫn mọi người, một thứ an-bình/hài-hoà được tỏ bày cả với môi-trường sinh-thái, nữa.
Thế nên, Giáo-hội-luận là môn-học xuất tự tầm nhìn cánh-chung hoặc từ thông-điệp cánh-chung của Đức Giêsu, mà ra.
Toàn-bộ thể-chế lịch-sử, là thừa-tác-vụ cốt bảo-quản sự tự-do con cái Chúa. Hệ-cấp Giáo-hội, chỉ để phục-vụ dân con Chúa, mà thôi. Hệ-cấp Giáo-hội gồm các Giám-mục, linh-mục và phó-tế có nhiệm-vụ thấy được rằng thông-điệp Đức Giêsu ban truyền, vẫn duy-trì tính vẹn-toàn của Tập-đoàn Giáo-hội, nhưng tuyệt nhiên không gây hại cho toàn-thể tín-hữu của Ngài.
Ta cần tôn-trọng luật-lệ của Giáo-hội, tức: luật Hội-thánh, nhưng khi có ai đó chứng-tỏ rằng tiêu-chuẩn luật-lệ đây không được kẻ tin chấp-nhận, vì họ bị coi là những kẻ vô-tâm/vô tính, thì khi đó luật-lệ phải đổi thay. Ngược lại, nếu họ quyết sống vì sự tốt lành của kẻ tin, thì họ cũng sẽ được chấp-nhận, thôi.
Cấu-trúc của thể-chế Giáo-hội đang làm mất đi tính thần-bí/kín-mật, cả khi thể-chế lịch-sử là cần thiết, có như thế mới mong duy-trì được sự tự-do của Giáo-hội, tự-do bên trong Giáo-hội. Và, khi Giáo-hội tự nguyện phục-vụ người khác, thì Giáo-hội rất đáng tin-cậy và rất được hoan-nghênh, thật thiện-cảm…” (X. Lm Edward Schillebeeckx, Công cuộc thừa tác trong Giáo hội, Thần-học-gia toại-nguyện Chương 8, nxb Hồng Đức 2017)
Kể chuyện “Linh mục và hôn nhân”, chuyện “vai trò phụ nữ” và rồi “công-cuộc thừa tác trong Giáo hội”, là những chuyện cần nhiều giấy bút để kể cho hết và cho nhiều, rất khôn nguôi. Thay vào đó, thiết tưởng ta cũng nên để mắt đến các truyện kể đây đó khá súc tích, để nhớ đến người và đến mình, rồi sẽ sống cho mãn nguyện.
Truyện kể hôm nay, mỗi thế này:
“Truyện rằng:
Mới đây, tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có một sự việc gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng đất nước này, khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất bình. Một người phụ nữ ăn mặc sang trọng như một quý bà đã ngang nhiên xúc phạm một người ăn xin nghèo khổ bằng một trò đùa vô văn hóa.
Khi người ăn xin nghèo lại gần xin bà ta chút tiền lẻ, bà ta ngay lập tức thách thức. Người phụ nữ này đưa ra yêu cầu bắt người ăn xin gọi chú chó cưng trên tay bà ta bằng cha 10 lần thì bà ta sẽ cho anh ta 100 đồng (tương đương với hơn 300 nghìn). Người dân xung quanh tỏ ra vô cùng bất bình với yêu cầu vô nhân tính và đầy sự xúc phạm con người của quý bà sang trọng này, nhưng không ai dám lên tiếng mà chỉ xôn xao bàn tán.
Nhưng ngoài dự đoán, người ăn xin liền lập tức tạo dáng giống một con chó và liên tục gọi “cha” đúng 10 lần. Không còn cách nào khác, quý bà bèn phải rút tiền đưa cho người ăn xin trong sự tức tối, hậm hực. Có ai ngờ, vừa cầm những đồng tiền này, người ăn xin bèn cúi lạy người đàn bà này và liên tục nói: “cảm ơn mẹ! Cảm ơn mẹ”.
Mọi người xung quanh cảm thấy vô cùng hả dạ, thích thú với sự thông minh của người ăn xin này. Còn về phía người đàn bà sang trọng vì quá bẽ mặt ngay lập tức rời đi. Việc cố tình hạ thấp người khác để nâng mình lên của quý bà sang trọng đã bị người đàn ông ăn xin trừng trị bằng cách “gậy ông đập lưng ông”.
Truyện kể ở đây, hôm nay, không phải để minh-hoạ cho vấn đề bạn và tôi, ta đang đặt ra cho mình và cho người, rất nhiêu khê, lề mề kéo dài suốt. Nhưng chỉ để chứng tỏ một điều rằng: trong đời người, có rất nhiều nhuyện cứ thế kéo dài mãi, khôn nguôi. Bạn và tôi, ta gọi đó là chuyện dài ở huyện như chuyện linh mục có vợ hoặc phụ nữ làm cha, cũng ta bà rất nhiều thứ chẳng thứ nào ra ngô ra khoai, để chấm dứt.
Nay, để tạm thời kết thúc câu chuyện còn lở dở, nay mời bạn mời tôi ta cứ hát lên những ca từ “bâng khuâng” rất “chiều nội trú” ở trên mà rằng:
“Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm
Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng.”
(Nguyễn Trung Cang/Hoài Mỹ – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Thật tình mình chẳng dám nói
mình có “bâng khuâng” hay không
suốt những tháng ngày có các “chiều nội trú”?
Nhưng vẫn tự cho rằng:
Đấy chỉ là những chiều
Có gió giăng mây, rất trú nội
Của các linh mục khi nghĩ
Về đời linh mục độc thân
Cũng bâng khuâng không ít?…