Chút suy tưVăn - Nghệ

Ba kẻ Đại Khôn và Đại Ngu | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi

Ba Kẻ Đại Khôn và Đại Ngu

Có ông vua rất phù phiếm, một ngày kia nổi hứng triệu Tể Tướng đến đòi phải đi tìm bằng được ba người Đại Khôn đến.

Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh Thành tìm được một người đàn ông đói rách ở nơi Kẻ Chợ, luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ, mang về gặp Vua.

Nhà Vua rất ngạc nhiên hỏi :
– Tại sao hắn ta lại có thể coi là người Đại Khôn được chứ ?
Tể Tướng bẩm :

– Bệ Hạ có thể hỏi anh ta những điều mà Bệ Hạ chưa được biết, anh ta có thể nói rành mạch đâu ra đấy ạ.

Quả nhiên như vậy, Vua đồng ý và hỏi tiếp :
– Thế người Đại Khôn thứ hai là ai ?
Tể Tướng khiêm nhường tâu :

– Thưa, đó chính là Thần đây ạ !
– Ô ! Sao lại không phải là người khác nhỉ ?

Tể Tướng đáp :
– Nếu Thần không phải là người Đại Khôn thì sao có thể biết mà tìm được hắn ta là Đại Khôn mà đưa về đây yết kiến ạ ?
– Ừ, nhà ngươi nói đúng lắm. Thế còn người thứ ba ?

Tể Tướng lễ phép :
– Muôn tâu… Đó chính là Bệ Hạ ạ !
– Là Trẫm ?
Nhà Vua quá ngạc nhiên ngả hẳn người ra sau ngai vàng. “Người Đại Khôn thứ ba là Nhà Vua” Thật Kinh ngạc về điều này, Nhà Vua hỏi :

– Tại sao Ngươi lại nghĩ thế ?
Tể Tướng đáp :
– Bệ Hạ phải Đại Khôn mới có thể biết Thần là xứng đáng mà bổ nhiệm trọng trách Tể Tướng!

– Ô !!!!
Nhà Vua cảm thán :
– Ngươi đã hoàn thành việc ta yêu cầu !

*****

Một thời gian sau, Nhà Vua lại thấy buồn buồn nên đòi Tể Tưởng phải đi tìm cho mình ba kẻ Đại Ngu.

Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh Thành tìm lại người đàn ông đói rách nơi Kẻ Chợ luôn coi mình mình là Kẻ Sĩ kia mang về.

Vua quá ngạc nhiên nhóm người lên Ngai Vàng hỏi :
– Cớ sao lại coi hắn ta là Đại Ngu nhỉ ?
– Thưa Bệ Hạ, hắn luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ mà chịu phận đói rách nơi đầu đường xó chợ để mong nhờ chút cơm thừa canh cặn thì có đúng là Đại Ngu không đây?
Vua cười nói :

– Đúng, thật thảm hại, hắn ta đúng là Ngu Tâm. Thế còn kẻ thứ hai ?

Tể Tướng cúi đầu đáp:
– Muôn tâu Bệ Hạ, chính là Ngu Thần đây ạ !
– Ngươi nói gì ? Một người như ngươi sao tự nhận mình kém cõi đến thế ?
– Tâu bệ hạ, Ngu Thần nhận trọng trách lo việc Dân Sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài Kẻ Chợ cốt tìm về đây được một kẻ Đại Ngu, rồi để những Kẻ Sĩ phải đói rách thì chính Thần là Ngu Tài rồi !
Vua buồn buồn ngả người sâu vào Ngai Vàng, một lúc sau nói :

– Đúng, một Tể Tướng như thế thì thật ăn hại.

Rồi Nhà Vua nhướng mắt về Tể Tướng trầm giọng hỏi :
– Còn kẻ thứ ba… Ý của ngươi là … ? …. Đúng không nhỉ ?
Tể Tướng quỳ xuống, rướn cổ lên về phía Vua và nói :

– Bệ Hạ đáng ra phải lao Tâm lo việc Quốc Kế thì lại bắt Tể Tướng đi tìm kẻ Đại Ngu trong Thiên Hạ, thì đó có thể coi là Đại Ngu… là … Ngu Trí được không ạ ? Muôn tâu, kẻ Ngu Tâm có thể chữa, Ngu Tài như Thần đây có thể thay, nhưng Bệ Hạ không thể Ngu Trí, bởi như thế báo hại Xã Tắc mất thôi !

(Sưu tầm)

_________________

CHÚT SUY TƯ

Đại Khôn hay Đại Ngu còn tùy thuộc mình biết chính mình hay không ? Hiểu chính mình hay không ?

Trong giai thoại về Nhà toán học Thales, người ta kể lại rằng, người hầu già đã gọi ông ra khỏi nhà để ngắm sao, ông bị rơi xuống hố, đáp lại tiếng kêu cứu ầm ĩ của ông, người hầu nói: Ôi Talét! Đã không đủ sức nhìn thấy cái ở dưới chân mà lại muốn hiểu biết cái ở trên trời ư?”

Từ những giới hạn bản thân, Thales đã nói : “biết chính mình là khó nhất”.

Biết mình, hay tự nhận mình là Kẻ Sĩ, sao không làm việc xứng tầm với Kẻ Sĩ.
Khôn như Kẻ Sĩkhông làm việc như Kẻ Sĩ thì gọi là Khôn không ?

Làm tới Tể Tướng là Đại Khôn rồi, nhưng Tể Tướng mà làm những chuyện ruồi bu thì có khác gì Đại Ngu không ?

Làm tới Đức Vua là Đại Khôn rồi, mà buồn buồn làm chuyện khơi khơi, hổ lốn, lai tạp kiểu “Tả Pín Lù”thì có khác gì Đại Ngu không ?

Chuyện ngày xưa là vậy, chuyện ngày nay na ná như vậy cũng không ít. Nhiều người có Quyền Chức nổi hứng lên đặt ra Luật này, đẻ ra Lệ nọ… rồi Thêm Mắm thêm Muối, rồi Thêm Khúc này, cắt Khúc kia, đổi màu, đổi nhãn… mà chẳng có việc làm gì hữu ích thật sự, ngược lại gây thêm phiền phức và có hại nữa là khác !

Nó là việc làm nghiêm túc hay chỉ là thứ trò giải trí mà làm ra vẻ bề ngoài nghiêm trọng để lừa bịp thiên hạ với chân dung bề ngoài là người chân chính ? – Hưỡn mà ! Rảnh mà ! Nhưng nói là Hưỡn hay Rảnh cũng không đúng lắm đâu… vì Bận “giải trí”, bận “chơi” mà !

Giống như Nhà Vua trong chuyện trên: “Một ngày kia nổi hứng triệu Tể Tướng đến đòi phải đi tìm bằng được ba người Đại Khôn đến.”.  Rồi… “Một thời gian sau, Nhà Vua lại thấy buồn buồn nên đòi Tể Tưởng phải đi tìm cho mình ba kẻ Đại Ngu.”

Nổi hứngThấy buồn buồn

Ô hô !!! Hưỡn thiệt ! Rảnh thiệt !     

Mà thực ra, cũng thế, Nhà Vua đang “bận việc” theo cách sống của Nhà Vua !!!

Tóm lại, có thể tìm thấy ý nghĩa sâu xa đáng ta suy ngẫm qua ba câu nói của Tể Tướng về ba Hạng Người – nói đúng hơi là ba việc làm của ba hạng người – vừa Đại Khôn vừa Đại Ngu:

Người tự xưng Kẻ Sĩ :
“Thưa Bệ Hạ, hắn luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ mà chịu phận đói rách nơi đầu đường xó chợ để mong nhờ chút cơm thừa canh cặn thì có đúng là Đại Ngu không đây?”

Tể Tướng :
“Tâu bệ hạ, Ngu Thần nhận trọng trách lo việc Dân Sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài kẻ chợ cốt tìm về đây được một kẻ Đại Ngu, rồi để những Kẻ Sĩ phải đói rách thì chính Thần là Ngu Tài rồi !”

Nhà Vua :
“Bệ Hạ đáng ra phải lao Tâm lo việc Quốc Kế thì lại bắt Tể Tướng đi tìm kẻ Đại Ngu trong Thiên Hạ, thì đó có thể coi là Đại Ngu… là … Ngu Trí được không ạ ? Muôn tâu, kẻ Ngu Tâm có thể chữa, Ngu Tài như Thần đây có thể thay, nhưng Bệ Hạ không thể Ngu Trí, bởi như thế báo hại Xã Tắc mất thôi !”

“Đỉnh cao trí tuệ” chưa phải là sự thông minh, mà làm thế nào chứng minh sự thông minh đó là hữu ích thật sự cho con người và cuộc sống.

MAI NHẬT THI

_______________

Bài Đọc Thêm

Để bạn hiểu rõ thêm câu chuyện trên, mời bạn đọc thêm
bài thơ Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ

Kẻ Sĩ

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. (1)
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán, vốn sĩ này là quí.

Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.

Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, (2)
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. (3)
Xe bồ luân (4) dầu chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên. (5)
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.

Trong lang miếu, ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ sau là khanh tướng.

Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng. (6)

Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch. (7)

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẩm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh.

——————————————————–

(1) Tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên.

(2) bồng tất: tên hai loại cỏ; cả câu chỉ chốn thảo dã kẻ sĩ ẩn thân lúc chưa gặp thời.

(3) Điếu Vị: tích Lã Vọng xưa ngồi câu bên sông Vị; canh Sằn: tích Y Doãn xưa làm ruộng ở đất Sằn.

(4) bồ luân: xe nhà vua thường dùng để đi rước người hiền về giúp nước.

(5) Ngăn sóng dữ để giữ trăm dòng sông.

(6) Việc chính trị đã định sẵn trong lòng; Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng; Việc đời đều coi là phận sự của mình; Làm trai như thế mới đáng mặt hào hùng.

(7) Hoàng Thạch: tức Hoàng Thạch Công. Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh Thư Tam Lược mà dặn: “Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy !” (Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công). Đúng như lời dặn của ông, Trương Lương sau này cố công lớn trong việc giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button