“Chiều nay em ra phố về” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 5 Phục Sinh năm A 14.5.2017
“Chiều nay em ra phố về”
Thấy đời mình là những chuyến xe
Còn đây âm vang não nề
Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ.”
(Trịnh Công Sơn – Nghe Những Tàn Phai)
(Thư Rôma 5: 12-15)
Em ra phố về, thì cũng chỉ “thấy đời mình là những chuyến xe”, có đâu là tàn phai để phải nghe như thế! Tàn phai cuộc đời, còn là ý-nghĩa của câu hát tiếp, rất Trịnh Công Sơn, như sau:
“Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những đám đông
Người chia tay nhau cuối đường
Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không.
Có ai đang về giữa đêm khuya,
rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ
Vòng tay quen hơi băng giá,
Nhớ một người tình nào cũ,
Khóc lại một đời người quá ê chề.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Ra phố chợ hay đi về nhà, vẫn là những thứ và những sự khiến bạn và tôi phải chọn lựa. Một chọn và lựa, rất hôm nay và mai ngày ở mọi chốn. Cả đến chốn nhà Đạo cũng thấy có những điều và những thứ rất khó nuốt.
Thật ra thì, có khó nuốt hay không, chẳng phải là lời ca tiếng hát của ai đó, dù là người viết nhạc. Mà chỉ là những ê a, ca cẩm có những lời như sau:
“Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn in hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người.
Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là con nước trôi,
Đèn soi trên vai rã rời
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Chính đó mới là vấn đề. Vấn đề của đời người có những tháng ngày đáng chán, rất chán hoặc ê chề, khó diễn tả. Chán hơn cả, là mỗi lần nghĩ và suy về sự chết, hoặc những sự và thứ xảy đến với mình sau khi chết. Và đây lại là biện-luận của đấng bậc vị vọng ở Sydney từng lên tiếng trong một đoạn viết có hỏi và có đáp như sau:
“Thưa cha. Con có một đồng-nghiệp cùng làm một sở vừa bị chẩn-đoán mắc ung-thư vào thời-kỳ cuối. Bọn con lâu nay cứ bàn-thảo mãi để xem việc gì xảy đến sau khi chết? Một bạn khác có nói: “sau khi chết, là hết chuyện. Không còn sự sống. Cũng chẳng còn gì. Thế thì, sao bạn cứ bận tâm với mấy chuyện trời ơi như thế.”
Vậy xin hỏi cha xem làm sao ta thuyết phục được người bạn này về sự sống sau cái chết. Xin cha cho biết ý-kiến để con còn biết đường mà ăn nói. Cảm ơn cha rất nhiều.
Vâng. Đúng thế. Chết, là hết chuyện. Cả những chuyện bàn-bạc, lẫn chuyện ưu-tư, lo-lắng đến là mệt. Nhưng, Đức Thày nhà mình lại vẫn sẵn-sàng bày tỏ những điều như sau:
“Tiếc thay, vẫn còn nhiều người cứ là hay suy-nghĩ như bạn đồng-nghiệp của anh/chị cứ bảo rằng: “Chết là hết chuyện, chẳng có gì xảy ra sau đó hết!” Có người lại còn nói: chẳng thấy ai từ cõi chết trở về kể cho ta nghe bất cứ chuyện gì, ở bên ấy, và điều này càng khiến họ củng cố niềm tin này. Làm sao trả lời cho họ, ư? Thật ra thì, nếu bảo rằng Đức Giêsu từng nói cho ta biết về sự sống vĩnh cửu hoặc ta vẫn nghĩ là như thế, điều này vẫn chưa đủ. Bởi, mọi người ai cũng muốn có chứng cớ hẳn-hòi, cả khi Abraham khẳng-định rằng: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16: 31)
Thật ra, cũng đã có nhiều vị trở về từ cõi chết và hiện ra để nói cho ta biết rất nhiều điều, trong số đó có Đức Mẹ. Ngày Mẹ hiện ra tại Fatima với 3 trẻ nhỏ vào mỗi tháng từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917 là những điều thuyết-phục ta nhất. Đó là vì Đức Mẹ từng nói lời tiên-tri và đã thành sự thật vào những tháng ngày, ngay sau đó. Lần hiện ra trong tháng 7 chẳng hạn, Mẹ đã báo với các trẻ rằng Mẹ sẽ lại hiện ra vào tháng 10 tiếp theo sau để thực-hiện một phép lạ cho mọi người am-tường…
Đúng ngày 13 tháng 10 năm 1917, khoảng 700,000 người đã đội mưa, băng qua cánh đồng đầy bùn đất với hy-vọng được chứng-kiến phép lạ Mẹ làm. Và hôm ấy, dù mưa vẫn rơi tầm tã, bỗng trong vòng thời-gian chỉ một phút chốc, làn mây dầy đặc đã tan-biến, mặt trời đã ló rạng và cả vùng chung quanh rực sang và mọi người hôm đó đã thấy Mẹ hiện ra, rõ mồn một. Sự-kiện “phép lạ” Mẹ hiện ra cho thấy: có những điều được người đã khuất bóng trở về để chứng-tỏ lòng Chúa xót thương vẫn đến với mọi người…
Lại có nhiều trường-hợp xuất tự những người trải-nghiệm những giây phút lâm-sàng rất chết thật, khi tinh-thần hoặc linh-hồn đã rời thân xác họ đi về thế-giới khác gặp-gỡ/giáp mặt nhiều người khác về để thuyết-phục người còn sống. Có vị lại cứ kể đi kể lại thành truyện ngắn hoặc phim ảnh như bộ phim mang tên “Heaven is for Real” (tức: Thiên-đàng có thật”)…
Tóm lại, là tín-hữu Đức Kitô, ta luôn sống trong hy-vọng sẽ có sự sống vĩnh-cửu, nên mỗi khi có ai đi vào cõi chết, ta thường ủi-an để họ lại cũng có được hy-vọng như ta mà giúp họ sửa soạn đi vào cõi vĩnh-hằng có Chúa, sống với Chúa.
Cuối cùng, ý-nghĩ về sự chết không thể làm ta sợ sệt. Đúng hơn, nó giúp ta có được tràn đầy ước-vọng ở bên Chúa và vui hưởng niềm phúc-hạnh tột bực, đáng tin cậy. Chính đó, là thiên-đàng mà Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo vẫn giải-thích cho ta biết. (GLHTCG đoạn 1024)”. (Xem Lm John Flader, Many things point to life after death as the ultimate, final reality, The Catholic Weekly, Question Time, 13/11/2016 tr. 22)
Bàn về sự sống với nỗi chết ở đây/hôm nay, tưởng cũng nên đi vào với lời bàn của đấng thánh-hiền nhà Đạo từng khẳng-định ở Kinh Sách, có những ý/lời như sau:
“Vì một người duy nhất,
mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian,
và tội lỗi gây nên sự chết;
như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người,
bởi vì mọi người đã phạm tội.”
Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian.
Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.
Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê,
sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa
như Ađam đã phạm.
Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.
Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa.
Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã,
mà muôn người phải chết,
thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất
là Đức Giêsu Kitô,
còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.”
(Thư Rôma 5: 12-15)
“Sự chết lan tràn… vì mọi người phạm tội”, “ân-sủng của Thiên-Chúa ban nhờ một Người duy-nhất”, đó chính là quan-niệm do thánh Phaolô truyền lại cho Hội-thánh Chúa, cốt nói lên vai-trò thánh-thiêng của Đức Giêsu.
Ân-huệ nói ở đây, bao gồm cả sự trỗi dậy được Chúa ban cho hết mọi người. Một trỗi dậy, mà mọi người xưa nay vẫn gọi là “sống lại từ cõi chết”. Sống lại, ngay trên thân-xác “dễ chết” của mình. Và, sống lại trong “ngày sau hết” như niềm tin Ki-tô-giáo vẫn minh-định và tuyên-xưng ở Tiệc Thánh Thể vào mỗi ngày, hoặc mỗi tuần.
“Trỗi dậy” hoặc “sống lại từ cõi chết” phải là và vẫn là “tháp-nhập” vào Thân Mình Đức Ki-tô, để được sống với Ngài mỗi ngày và mọi ngày cho đến tận-thế, đó cũng là ý-chủ của mọi bài chia sẻ xuất từ miệng thành-viên Hội-thánh có chức phó-tế hoặc linh-mục, Giám-mục.
“Trỗi dậy” hoặc “sống lại từ cõi chết” là để sống cuộc sống rất “tiên-cảnh” ở đây, ngay lúc này trong Nước Trời trần-gian, là nhóm hội của cả những người trong/ngoài Hội-thánh. Và, đó chính là ý-nghĩa cũng như mục-đích của sự sống rất thực, của mỗi người. Và, “trỗi dậy” hoặc “sống lại” từ cõi chết, lại vẫn là mục-tiêu mà mọi người cần nhắm đến để sống cách thực-thụ từng giây từng phút, trong đời mình.
“Sống lại” từng giây/từng phút, là sống-với và sống-cùng mọi người trong mọi tình-huống. Cả những tình-huống mới nghe qua như là truyện kể cho mình và cho người, để còn nhớ. Nhớ nhiều và nhớ mãi những truyện kể trong đời như để nhắc nhở người người và chính mình, như câu truyện về hầm mộ dưới tầng hầm ở Luân Đôn, cũng là minh-hoạ để mọi người nhớ về sự “sống lại” thực thụ ấy, như sau:
“Tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Westminster nổi tiếng thế giới ở Luân Đôn, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới.
Kỳ thực, đây chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, nó được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất bình thường. Xung quanh nó là những tấm bia mộ của vua Hery III đến George II và hơn hai mươi tấm bia mộ của những vị vua nước Anh trước đây, cho đến Newton, Darwin, Charles Dickens và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế nó trở nên bé nhỏ và không được để ý tới, trên đó không có đề ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.
Mặc dù là tấm bia mộ vô danh như vậy, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mọi người mỗi khi đến nhà thờ Westminster, họ có thể không tới bái yết những ngôi mộ của các vị vua đã từng có những chiến công hiển hách nhất thế giới, hay mộ của Dickens, Darwin và những của người nổi tiếng thế giới khác, nhưng không ai là không tới chiêm ngưỡng bia mộ bình thường này. Họ đều bị ngôi mộ làm cho xúc động mạnh mẽ. Chính xác ra, họ bị xúc động bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này. Trên tấm bia mộ này có khắc một đoạn văn tự:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.
Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:
Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”
Người ta nói, nhiều nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng trên thế giới đều bị xúc động mạnh khi đọc dòng chữ này, có người nói đó là bài học giáo lý cuộc sống, có người nói đó là một nhân cách hướng nội.
Khi còn trẻ, Nelson Mandela đã đọc những dòng chữ này, đột nhiên có cảm xúc rất nghiêm túc rằng phải tự mình tìm được con đường cải biến Nam Phi, thậm chí là chìa khóa vàng để cải biến toàn thế giới. Sau khi trở về Nam Phi, với tham vọng này, vốn là một thanh niên da đen ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc đầy bạo lực để cai trị, thoáng một cái, ông đã cải biến tư tưởng và thái độ đối xử của mình, từ việc cải biến chính mình, ông bắt tay vào việc cải biến gia đình và bạn bè thân hữu của mình. Sau nhiều thập kỷ, ông đã thay đổi được đất nước của mình.
Hãy luôn mang một tấm lòng lương thiện và làm những điều đúng đắn, nhắc nhở, cải biến bản thân thành một người tốt. Nếu mỗi người đều biết tự quay lại vào trong và cải biến bản thân mình cho tốt hơn, thì thế giới chắc chắn sẽ thay đổi.” (St sưu tầm)
Và, thêm một chuyện khác, rất như sau:
Đời như một trang giấy mà trên đó chỉ toàn những dấu chấm lặng thôi. Chúng ta sinh ra, mang trọng trách của những dấu chấm, phải điền cho kín mặt giấy đó như một cách tuyên bố rằng: tôi đã có mặt trong đời.
Nếu chỉ đơn giản là một dấu chấm câm lặng, thì đời… nhạt nhẽo biết mấy! Một chỗ trong đời chỉ như cái chấm nhẹ của một ngòi bút lên mặt giấy. Nhưng làm dấu chấm có phải dễ thế đâu. Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Hãy tìm cho mình một cách riêng để cuộc đời mình kết thúc bằng dấu chấm.”
Với tôi, không quan trọng là bạn bắt đầu hay chết đi như một dấu chấm, mà bạn có đủ can đảm để nhập vai làm một dấu chấm thực thụ và làm hết mình ý nghĩa của dấu chấm đó hay không.
– tín hiệu của sự kết thúc
– phần tử cuối cùng đầy uy quyền, sức mạnh, mạnh mẽ đóng khép dòng chảy của sự vật.
– sự hoàn thành của một ý, một câu văn, một đoạn văn và có thể là một cuộc tình.
Không chỉ thế mà “chấm là đau và ai cũng sợ đau” (*)
Dấu chấm bé nhỏ như vậy “.” – giản dị và mộc mạc như thế nhưng “chấm nhẹ nhàng, liệu lòng nhẹ nhàng chăng?” (*)
Với tôi, thậm chí là nhiều người, dấu chấm hết không hẳn đã “xấu” như thế. “Hãy chết đi như một dấu chấm”, nhưng không phải ai cũng có thể đặt cho mình một dấu chấm. Chúng ta sinh ra cùng là dấu chấm được tạo từ nét bút của cuộc đời, chứ không phải những dấu chấm được dùng trên máy tính – những dấu chấm giống nhau và vô hồn.
Chỉ là một dấu chấm thôi, nhưng chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi những gì được viết đằng trước nó và hệ quả đằng sau một dấu câu. Đâu phải cứ là dấu chấm thì đằng sau không còn gì nữa? Đặt dấu chấm hết để mở ra một sự khởi đầu mới cho câu mới, đoạn mới, những ý tưởng còn đang nung nấu.
Đằng sau dấu chấm có thể là một bước đi, một cuộc sống mới về phía tương lai. Hay nó giúp chúng ta nối dài những điều tốt đẹp, dù phía trước nó có tồi tệ như thế nào. Tình yêu được đặt dấu chấm xen ngang chưa chắc đã là một tình yêu chết. Có những mối quan hệ đã đi được rất rất xa. Đi xa đồng nghĩa với việc người đi đường cũng thấm mệt.
Vì thế, đặt một dấu chấm ở giữa mối quan hệ không có nghĩa chúng ta nhẫn tâm gán cho nó một chữ “tử” mà để người trong cuộc có dịp dừng chân, lấy sức, tiếp thêm năng lượng, sẵn sàng bước tiếp trên hành trình dài phía trước. Tình yêu khi ấy tưởng chừng sắp lụi tàn bỗng được hồi sinh, tràn đầy yêu thương. Vậy đấy! Dấu chấm mang trong mình trách nhiệm “khởi đầu” là vì thế. Tôi nói: bạn sinh ra đã là một dấu chấm trên trang giấy đầy những dấu chấm, bởi bạn không chỉ là bắt đầu vai trò một dấu chấm mới, một vị trí mới trên trang “đời” mà bạn còn là sự tiếp nối của những dấu chấm phía trước. Đó là ông bà, bố mẹ bạn.
Những dấu chấm gặp nhau trên trang giấy, dù vô tình hay hữu ý, nhưng biết cùng nhau tạo ra những sự khởi đầu mới. Các thế hệ “chấm trước” không để mình chết mòn trong câm lặng, mà để trang giấy của họ ngày một đông đúc hơn.
Dấu chấm không dừng lại ở đó. Trong một cái chấm tròn nhỏ bé, nó không chỉ biết đóng khép, biết bắt đầu, mà còn biết gợi mở. Vừa là dừng lại, vừa là tiếp diễn. Hoàn tất để tạo dựng những điều mới mẻ. Mỗi người trong chúng ta cũng vậy.
Sự ra đi của bạn có thể là sự đau buồn của gia đình, nhưng biết đâu từ cuộc giã từ đó, những con người khác lại nhìn thấy trong đó được nhiều điều và gợi lên trong họ nhiều ý tưởng để họ có thể kéo dài những điều bạn chưa thực hiện được. Thế là dấu chấm thành dấu chấm lửng. Nó như những nốt nhạc không thành hình cứ ngân mãi trong bản nhạc đến vô cùng.
Bạn có thể là một dấu chấm to bự được cấu thành từ những dấu chấm nhỏ. Cuộc sống của bạn chính là quãng thời gian được ví như sự sắp đặt sát kề nhau của những dấu chấm liên tiếp. Và bạn cùng với những dấu chấm khác của cuộc đời lại tiếp tục đặt sát nhau để làm nên một dấu chấm to nhất – cuộc đời chung.
Vẫn biết, trong cộng đồng những dấu chấm, sẽ có những dấu chấm “lép” hay những con người xấu xa, tiêu cực của xã hội. Nhưng tôi tin rằng, nếu bạn đã làm tốt vai trò của mình, là một dấu chấm “mẩy” thì lực hút của bạn sẽ tác động lên những dấu chấm kia, làm thay đổi phần nào xấu xa trong chúng. Và với niềm tin lạc quan (có mức quá đà) rằng trong xã hội, những thành phần xấu xa chỉ chiếm một phần rất nhỏ thì cái đẹp sẽ cảm hóa được cái xấu.
Nếu là dấu chấm, thì phải biết gói lại những gì đã qua để bắt đầu, để chúng ngủ thật sâu sau mỗi lần trỗi dậy đầy đau đớn. Và rồi sẽ lại có những điều tốt đẹp tìm đến gõ cửa.
Sẽ có đôi khi, bạn chán nản, thất vọng khi là một dấu chấm. Nhưng không ai muốn nhìn một dấu chấm lạc lõng giữa một giòng mà xung quanh nó có một khoảng cách với những dấu chấm khác. Không ai muốn đọc một câu, một đoạn văn bị ngắt quãng không đúng lúc bởi một dấu chấm ngớ ngẩn. Khi đó, câu văn, đoạn văn ấy sẽ trở nên vô nghĩa. Hay nói cách khác, bạn sống cả đời tưởng có mà như không.
Nếu đã xác định là một dấu chấm, dù với vai trò bắt đầu hay kết thúc, thì hãy là một dấu chấm mạnh mẽ đặt đúng chỗ, sẵn sàng xuống giòng viết tiếp một đoạn mới. Mọi thứ khi chúng ta biết dừng lại và tiếp tục đúng lúc sẽ tốt đẹp cả thôi. Cuộc đời muôn màu, không chỉ với mình dấu chấm, nhưng nếu nhận thức được bản thân mình là ai, mình muốn gì, mình có vai trò gì đối với bản thân mình và đồng loại thì ta luôn tự tin sẽ vững vàng trước sóng gió mà cuộc đời đem lại thôi. (Trích thơ “Dấu chấm hết” của Cao Minh Tùng – Huyền Văn)
Xem thế thì, dấu chấm hay dấu phẩy trong đời người, vẫn là những chuyện xảy ra trong đời, thật cũng khó mà bàn-luận. Chi bằng, ta cứ sống với những chấm/phảy, rồi cũng xong. Hoặc giả, cứ để nó đến với mình và với người, rồi từ từ giải-quyết như mọi người trong đời, như chuyện gì phải đến cứ đến, nào có sao.
Thế đó, là lập-trường của tôi và có lẽ của bạn bè mười phương vẫn làm thế trong đời mình. Mỗi thế thôi. Thế thôi, nay tôi và bạn ta cùng nhau kết thúc chuyện mạn bàn, để rồi còn phải tính tới những chuyện khác, của tôi, của bạn và của mọi người trong dân-gian thế sự, nhiều sự kiện.
Thế đó, là kết đoạn của câu chuyện phiếm chẳng có gì cần để trong đầu mà nghĩ tới. Và, đây lại cũng là dấu chấm hết của bài phiếm rất hôm nay. Hẹn bạn hẹn tôi một ngày sớm ta lại cùng nhau phiếm nhanh, phiếm mạnh, phiếm dài dài, nhiều hơn nữa.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những chuyện phiếm để đời
vẫn còn chờ bạn và tôi,
ta gia-nhập.