“Đêm đông lạnh bên đường vắng” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 17 thường niên năm C 28/7/2019
“Đêm đông lạnh bên đường vắng”
Công viên buồn ánh đèn trắng
Bầy chim đã rũ trên cành
Trời mưa xuống, ai xa dần …”
(Phạm Anh Dũng – Đêm Đông Lạnh Trời Mưa Xuống)
(1Timôthê 6: 17-19)
Có lẽ cũng nên bắt đầu giòng phiếm lai rai, hơi dài hôm nay bằng câu ca trải dài trên nhạc-bản của nghệ sĩ Phạm Anh Dũng, được cất lên trong đêm nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” qua chủ đề “Tình Tự Mùa Đông” ở Sydney hôm 07/7/2019! Nói chữ, có lẽ cũng nên bảo rằng: ngang qua giòng chảy đầy chữ nghĩa của người nghệ sĩ mang tên “Phạm Anh Dũng” của thời này bằng những ca-từ còn nối tiếp như sau:
“Đêm đông lạnh mây lạc bến.
Ghế đá buồn không người đến.
Người phiêu lãng đã xa vời.
Trời mưa xuống lá rụng rơi …
Đêm đông lạnh ai đàn trong gió.
Âm điệu buồn xóa nhòa vần thơ.
Và về đâu bao cánh sao mờ?
Và tìm đâu bao nghìn ước mơ?
Đêm đông lạnh, con thuyền không bến
Trong sương mờ tiếng hát lênh đênh:
Cuộc tình xưa tiếc mấy cho vừa,
Ngàn lời gió đưa mộng vào mưa …
Đêm đông lạnh em ngồi đó
rũ tóc buồn bên trời gió
Ngàn cây lá rớt bên thềm
Trời mưa xuống trên vai mềm
Đêm đông lạnh ôi lạnh giá!
Tiếng guốc buồn xa vội vã
Giòng sông cũ nước cuốn trôi.
Trời mưa xuống … Thấm … bờ … môi …”
(Phạm Anh Dũng – bđd)
Thế đó, là giòng chảy đầy những chữ ở ngoài đời, nơi hành lang nghệ thuật những viết và lách. Lách rồi viết, ở nhà Đạo còn thấy rõ đôi giòng chảy đầy tư tưởng về vai trò người phụ nữ ở nhà Đạo, như sau:
“Trên thực tế, ta đều thấy: phụ-nữ dấn thân vào cuộc sống Giáo-hội nhiều hơn nam-giới. Thế nhưng, các bà các cô lại không có được quyền-uy, pháp-chế nào hết. Đó quả là chuyện kỳ-thị khiến đảo lộn. Đức Kitô khi xưa từng chọn các nữ-phụ, tức các tông-đồ thực-thụ dám dấn bước trên đường con đường mà các vị ấy chọn lựa. Ngay đến chứng-nhân đầu tiên nhận-biết được việc Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết lại là một người nữ.
“Loại-trừ phụ-nữ ra khỏi công-cuộc thừa-tác-vụ, việc đó đơn-giản chỉ là vấn-đề văn-hoá đơn-thuần, mà thôi. Nay, thì chuyện ấy không còn mang ý-nghĩa gì nữa. Vậy thì, tại sao nữ phụ lại không thể chủ-trì Tiệc Thánh Thể được thế? Phải chăng, vì họ không được tấn-phong ư? Không có luận-cứ hay ho nào lại chống-đối việc phong-chức linh-mục cho phụ-nữ, cả.
“Ở xã-hội bên ngoài hôm nay, phụ-nữ có thể đảm-trách bất cứ vai-trò nào cũng có thể được, các bà/các cô đều có thể ở bất cứ vị-trí công-tác nào cũng được hết. Thế thì, tại sao ta lại không cho phép các sự việc ấy được xảy ra trong Giáo-hội Công-giáo của ta? Dĩ nhiên là, ta cần chuẩn-bị dư-luận mọi người. Một khi họ đã không được chuẩn-bị kỹ-lưỡng rất có thể lại sẽ xảy ra chia rẽ trầm-trọng, tức: những sự việc ta không thể lẩn tránh được.
“Bản thân tôi, trong các bài viết khi trước, tôi vẫn quyết tâm cho mọi người biết trọn vẹn về các vấn-đề này. Thế thì, tại sao ta lại không đề-cập chuyện ấy trong các bài chia-sẻ/giảng phòng với tất cả lòng tôn-trọng, tử-tế và thanh-thản, sẵn có chứ?
“Dạo trước, tôi vẫn có thói quen mở đài nghe các đấng tranh-luận tại Thượng Hội Đồng Giám mục Anh hôm 11 tháng Mười Một năm 1992. Tranh-luận này, thuộc cấp cao lại sâu sắc, dám đề-cập đến vấn-đề mục-vụ cho những ai thuộc phe đối-lập, làm như thế là để duy-trì sự hiệp-nhất trong Giáo-hội.
“Theo nghĩa này, tôi rất vui lòng khi thấy có quyết định đề-cập cả chuyện phong-chức linh-mục cho phụ nữ nữa. Và với tôi, đây là bước tiến rất lớn chứ không là trở-ngại cho việc đại kết các Giáo-hội, bởi vì nhiều người Công giáo khác lại cũng đang đi về hướng này.”(X. Lm Edward Schillebeeckx – Thần Học Gia Toại Nguyện, Người Ấy Chính Là Tôi, nxb Tôn Giáo 2017, tr. 138-139).
Ở Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 10 trở đi, ta thấy thánh sử cũng bàn nhiều về sinh hoạt của các nữ phụ trong xã hội Do-thái-giáo thới xưa cũ. Xã-hội đây, lại vẫn duy-trì một cách khá cứng ngắc các tập tục của người xưa cả ngoài đời lẫn trong Đạo.
Nói cho rõ, xã-hội này vẫn chỉ tôn-trọng và đề cao vai-trò của nam-nhân mặc dù nhiều đấng phu quân hành-xử “chẳng ra gì”. Chính vì thế, mới có nhận định thật xác đáng, như sau:
“Trình thuật thánh Luca kể về động-thái khác biệt giữa hai chị em Maria và Martha trong sự việc sống Lời Chúa. Sống năng-động Lời Chúa, không có nghĩa là: kéo dài những ngày cuối tuần để chứng tỏ Chúa yêu ta biết chừng nào. Sống năng động Lời Chúa, là chuyện cần thiết, cũng giúp ích như việc nguyện cầu sớm tối như thánh Tôma Akinô từng nói: yêu Chúa, không cần đạt mức thương yêu “dữ dội”. Nhưng nguyện cầu, cũng nên hạn định giờ giấc mới có lợi. Bởi, việc nguyện cầu còn tùy người/tùy hoàn cảnh thế nên việc tu thân/tích đức cũng đã trở thành “vấn đề” với người thời nay. Thời nay hay khi trước, ai ai cũng đều công nhận là cả Martha lẫn Maria đều trở thành đấng thánh cũng rất lành.
“Thời này, nhiều người lại tưởng rằng: ai sống kiểu Martha đều thấy mình không mấy lành thánh là bởi vì mình không siêng-năng cầu nguyện cho đúng cách. Cũng hệt như thế, có người sống giống như Maria lại cứ nghĩ rằng: mình có cảm giác lâu nay không được đề cao cho đủ, như nhận xét ở trên.” (X. Lm Kevin O’Shea, DCCT Lời Chúa Sẻ San nxb Hồng Đức 2014, tr. 158).
Thật ra thì, Sống Lời Chúa còn là và vẫn là sống đúng cách rất đơn giản như các nữ-phụ thời đầu từng thực-thi trong đời thường ở huyện nhà. Sống Lời Chúa cách năng-động, vẫn là và còn là sống tự nhiên/thoải-mái đúng với vai-trò mình lựa chọn, như lời Đức Phanxicô từng tỏ bày trong ngày ngài bổ nhiệm các vị phụ nữ vào Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến của Giáo hội hôm ấy, mà rằng:
“Đức Phanxicô vừa bổ nhiệm 23 tân thành-viên trong Thánh Bộ Học Viện Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ trong số đó có 6 Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ và một Giám-đốc Học-viện nữ. Danh sách bổ nhiệm ngày 8 tháng 7 có cả Hồng y, Giám mục và Bề trên Tổng quyền của Dòng Nam. Đây là sự bổ nhiệm khác với lần trước cũng chứng tỏ sự quan tâm ngày càng gia tăng của Đức Giáo Hoàng trong việc bổ-nhiệm phụ-nữ vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội.
Năm 2014, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Nữ Tu Irma Luzia Premoli Bề trên Tổng quyền Tu Hội Comboni Missionaries làm thành viên Thánh Bộ Rao Giảng cho Muôn Dân. Đây là lần đầu ngài bổ nhiệm một Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ vào ban lãnh đạo Thánh Bộ.
6 Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ được bổ nhiệm hôm 8/7/2019 gồm: Nữ Tu Kathleen Appler Dòng Nữ Tử Bác Ái St. Vincent de Paul; Nữ Tu Yvonne Reungoat nữ tử Dòng Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu hay còn gọi là Dòng Chị Em Salesian của Thánh Dom Bosco; Nữ Tu Françoise Massy Dòng Thừa Sai Phanxicô của Đức Mẹ; Nữ Tu Luigia Coccia Dòng Comboni Missionaries; Nữ Tu Simona Brambilla Dòng Consolata Missionaries; Nữ Tu M. Rita Calvo Sanz thuộc Tu Hội Đức Bà Là Mẹ chúng ta và chị Olga Krizova, Giám đốc Học Viện Đời Dom Bosco Secular Institute.
Hiến Chương Tông Đồ nhằm điều hoà các hoạt động trong Giáo Triều La Mã được soạn thảo vào năm 1988 cũng sẽ được thay thế trong nay mai, có ghi rõ các thành viên trong Thánh Bộ thường là Giám mục, Hồng y, mặc dầu “bản chất đặc thù của Thánh Bộ Giáo sĩ và Giáo dân có thể được bổ túc”.
Một số thành viên khác trong Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến gồm có Hồng Y Angelo De Donatis, Tổng Đại diện Rôma; Kevin Farrell, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống; Luis Ladaria Ferrer, bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và Ricardo Blazquez Perez of Valladolid. 5 Giám mục và 7 Bề trên Tổng quyền Dòng Nam cũng được bổ nhiệm.” (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ Nguồn catholicnewsagency)
Cuối cùng thì, sống Lời Chúa lại là và sẽ mãi là sống xứng-hợp vai-trò và vị-trí mình nắm giữ. Nói cách khác, Sống Lời Chúa hệt như ý-nghĩa được kể ở Tin Mừng, còn là và sẽ là cuộc sống hơi “khang-khác” với những gì được kể ở câu truyện minh-họa ở bên dưới, nghe cho vui mà thôi:
“Truyện rằng,
Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:
“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy.” Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười.” (Truyện kể trải dài trên mạng vi tính, rất linh tinh)
Lời cuối hôm nay trong Luận Phiếm lai rai, đường dài lại là lời nhắn nhủ của Đức Phanxicô khá nhẹ nhàng và ý-nhị mà rằng:
“Trước sự hiện diện của bề trên tổng quyền các dòng nữ đến từ khắp nơi trên thế giới, Đức Phanxicô nhắc nhở khi gửi các chị em đi làm công tác mục vụ thì phải đặt trọng tâm vào việc phục vụ Giáo Hội và những người thiếu may mắn, thay bằng để đáp ứng nhu cầu “người tớ gái”.
Ngài nhấn mạnh “Các con không đi tu để trở thành “người tớ gái” của các linh mục” đâu. Lời tuyên bố mạnh mẽ này đã được Đức Phanxicô đưa ra trước khoảng 850 Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ có mặt tại Rôma đang họp khoáng đại.
Tại Giảng Đường Paul VI ở Vatican, Đức Giáo Hoàng nói: nhiều hình thức phục vụ cần thiết trong lãnh vực quản trị, chăm sóc và công tác việc nhà cho những người thiếu may mắn, thế nhưng làm việc của một “người đầy tớ, thì tuyệt đối không”.
Cuộc họp khoáng đại của các Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ (viết tắt là UISG) kéo dài từ ngày 6 đến 10 tháng 5/2019, đại diện cho hơn 450.000 nữ tu tại 100 quốc gia, nữ tu Carmen Sammut Bề trên Tổng quyền Dòng The Missionary Sisters of Our Lady of Africa là người sắp mãn nhiệm chủ tịch Hiệp hội đã đặc biệt cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc giúp Giáo Hội chống nạn lạm dụng con trẻ và những người cô thế. Về vấn nạn lạm dụng các tu sĩ, Đức Phanxicô cũng cho biết ngài ý thức vấn nạn này và coi đó là “một vấn đề nghiêm trọng”.
Nữ tu Sammut cũng cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Hiệp Hội UISG thành-lập Uỷ ban nghiên cứu việc phong chức Phó tế cho phụ nữ. Ngày 7/5/2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho báo chí biết: Uỷ ban nói trên đã không đạt đước sự đồng thuận về vấn-đề này. Ngài nói: ‘Về chức phó tế, chúng ta cần phải xem lại điều gì đã xảy ra từ ngày đầu. Nếu có điều gì đó, thì chúng ta cứ để nó tăng trưởng, bằng không, nếu Chúa không muốn dành việc cử hành bí tích cho phụ nữ, thì không OK. Chính vì thế mà chúng ta nên nhìn lại lịch sử”.
Ngài nói tiếp: “Chúng ta cần phân định. Không có gì trắng hay đen, ngay màu xám cũng không có. Mọi sự đều biến đổi và con người cần phải thích nghi với sự biến đổi đó. Thế nhưng phải đi trên đường ngay nẻo chính của mạc khải. Chúng ta không thể đi trên bất cứ con đường nào khác. Chúng ta là người Công Giáo. Nếu có ai đó muốn thành lập một Giáo Hội khác. Thì họ cứ việc”. (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ Nguồn Cathnews)
Để minh-họa những điều nêu ở trên, tưởng cũng nên mời bạn/mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể hầu có tư-thế thư-giãn/bông lỏng; nhưng trước tiên, ta cũng nên trở về với lời vàng Đấng thánh hiền khi xưa từng khuyên nhủ:
“Người giàu ở trần gian,
anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại,
cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân,
nhưng vào Thiên Chúa,
Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng.
Họ phải làm việc thiện
và trở nên giàu có về các việc tốt lành,
phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.
Như vậy họ tích trữ cho mình
một vốn liếng vững chắc cho tương lai,
để được sự sống thật.
(1Timôthê 6: 17-19)
Vi vu truyện kể ở vi-tính, lại cũng không bằng truyện ngắn được kể lể khá dông dài ở đời người, như sau:
“Một người Pháp, một người Mỹ và một người Việt tranh luận xem Ađam và Evà là nguời nước nào?
Nguời Pháp thường nghĩ:
– Trụy lạc truớc Thượng đế như thế, đó chỉ có thể là dân Pháp”
Nguời Mỹ thì khác, vẫn cho rằng:
– Tự do đến mức có thể sống hạnh phúc, chỉ cần đừng đụng đến trái táo, vậy mà họ vẫn không chịu nổi sự cấm đoán; đó chỉ có thể là dân Mỹ.
Duy có người Việt lại cứ bảo:
– Quần áo chẳng có, nhà cửa cũng không, thậm chí ăn một trái táo cũng bị cấm, thế mà vẫn bảo là sống trên thiên-đuờng thì chỉ là dân Việt Nam khá khốn khổ!!!”
Dân Việt Nam có khốn khổ thật hay không, cũng chẳng biết. Chỉ biết mỗi chuyện, rằng thì là: Ông Adong hay Bà Evà, vẫn là người đồng loại thời ban sơ vui tính, nhưng không chảnh. Có chảnh chăng, thì chỉ những vị ăn trên ngồi chốc rồi phán những điều mà ngày nay chẳng ma nào chịu nghe, làm hoặc thuyết phục.
Thế đó, là tâm trang của người ở đời thường rất văn minh, hiện đại thành “hại điện”, thế thôi. Nghĩ thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta về với ca-từ “Mùa Đông Lạnh” ở trên rồi hát tiếp những lời rằng:
“Đêm đông lạnh mây lạc bến.
Ghế đá buồn không người đến.
Người phiêu lãng đã xa vời.
Trời mưa xuống lá rụng rơi …
Đêm đông lạnh ai đàn trong gió.
Âm điệu buồn xóa nhòa vần thơ.
Và về đâu bao cánh sao mờ?
Và tìm đâu bao nghìn ước mơ?
Đêm đông lạnh, con thuyền không bến
Trong sương mờ tiếng hát lênh đênh:
Cuộc tình xưa tiếc mấy cho vừa,
Ngàn lời gió đưa mộng vào mưa …
Đêm đông lạnh em ngồi đó
rũ tóc buồn bên trời gió
Ngàn cây lá rớt bên thềm
Trời mưa xuống trên vai mềm
Đêm đông lạnh ôi lạnh giá!
Tiếng guốc buồn xa vội vã
Giòng sông cũ nước cuốn trôi.
Trời mưa xuống … Thấm … bờ … môi”
(Phạm Anh Dũng – bđd)
“Trời mưa xuống … Thấm … bờ … môi” ôi đúng là cái lạnh của “Cơn mưa trong đêm đông”. Nay về lại với lời khuyên của bạn đạo qua giòng chảy được dùng làm đoạn kết cho bài phiếm lai rai suốt đường dài, mà rằng:
“Người chết có thể đem theo thứ gì?”
Và câu trả lời khiến nhiều người thực sự giật mình! Bạn có bao giờ tự hỏi: khi chết đi con người sẽ mang theo được gì? Có một câu chuyện rất thâm thúy như thế này:
Người đàn ông nọ chết rồi, mới ý thức được rằng cuộc đời mình thật ngắn ngủi. Lúc đó, anh ta nhìn thấy Bụt tay xách một cái hòm, tiến lại phía mình. Bụt nói:
– Con trai, chúng ta đi thôi.
Người đàn ông đáp:
– Sao nhanh quá vậy, con còn rất nhiều việc vẫn chưa hoàn thành.
Bụt nói:
– Ta rất xin lỗi, nhưng thời gian của con hết mất rồi!
Người đàn ông lại hỏi:
– Vậy thưa Bụt, trong chiếc hòm của ngài có chứa thứ gì vậy?
– Đó là di vật của con, Bụt trả lời.
Người đàn ông tỏ ra nghi ngờ, hỏi tiếp:
– Là di vật của con sao? Ý của người rằng đó là thứ thuộc về con, có phải là quần áo và tiền không ạ?
Bụt đáp:
– Những thứ đó trước giờ chưa bao giờ thuộc về con, chúng thuộc về địa cầu.
– Vậy có phải trong đó là ký ức của con không?
Người đàn ông ngẫm nghĩ một lát rồi phỏng đoán:
– Không phải, ký ức thuộc về thời gian.
Người đàn ông lại đoán:
– Có phải là tài năng thiên phú của con?
– Không, chúng thuộc về cảnh ngộ.
Người đàn ông băn khoăn:
– Lẽ nào trong đó là bạn bè và người nhà con?
– Con trai ạ, không phải vậy đâu. Họ thuộc về hành trình mà con đã đi qua.
– Vậy có phải là vợ và các con của con trong đó không thưa Bụt?
Người đàn ông hỏi tiếp:
– Không, họ thuộc về trái tim con.
Người đàn ông lại phỏng đoán:
– Vậy nhất định đó là thân xác của con rồi.
Không, thân xác của con thuộc về cát bụi.
Cuối cùng, người đàn ông khẳng định chắc chắn:
– Vậy đó nhất định là linh hồn của con!
Lúc này, Bụt mỉm cười, đáp:
– Con trai, con hoàn toàn sai. Linh hồn của con thuộc về ta.
Mắt ngấn nước, người đàn ông nhận chiếc hòm từ tay Bụt bên trong chiếm hòm trống rỗng. Nước mắt chảy dài trên má, trái tim vỡ vụn, người đàn ông hỏi Bụt:
– Lẽ nào từ trước tới nay con chẳng sở hữu bất cứ thứ gì sao?
Bụt đáp:
– Đúng thế con ạ. Thế giới này bây giờ chẳng có bất cứ thứ gì thực sự thuộc về con.
– Vậy thì cái gì mới là của con?
– Mỗi tích tắc khi con đang còn sống, chúng thuộc về con, còn bây giờ, con chẳng còn gì cả.
Đến lúc này, người đàn ông mới như được thông suốt. Thì ra, sinh mệnh, đời người chỉ là những cái tích tắc ngắn ngủi và điều chúng ta nên làm nhất, là tận dụng nó sao cho thật hiệu quả, thật tốt, yêu quý nó, hưởng thụ nó. Còn được sống, đó đã là một sự chiến thắng vẻ vang. Khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an mới là cái đích mỗi người cần hướng đến!” (Truyện kể, lại cũng xuất xứ từ các trang sưu tầm ở vi-tính)
Sưu tầm ở đâu thì ở, hãy cứ sưu tầm cho thỏa chí tang bồng miễn là bạn và tôi, ta cứ vui sống, vẫn hiên ngang, đầu cao mắt sáng mà sống xứng-hợp ngày vui trong hiện tại, chẳng cần ai và cũng chẳng cần gì, để được vui.
Thế đó, là lập-trường của tôi, của bạn hoặc nhiều người ở đời. Mỗi thế thôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những ngày vui trong đời
Dù hiếm hoi, dữ dội hoặc chóng vánh,
rồi cũng xong.