Chút suy tưVăn - Nghệ

Xin cùng tượng đá | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi

Xin cùng tượng đá

Jean-L?on G?r?me (French, 1824-1904). ‘Diogenes,’ 1860. oil on canvas. Walters Art Museum (37.131): Acquired by William T. Walters, 1872.

Ông già ngửa tay xin tiền nhưng người dân thành Athène dửng dưng đi qua. Không ai để ý đến Diogène đang ngồi khất thực.

Từ cả mấy tiếng đồng hồ rồi, không ai ném cho ông một đồng xu cũng không ai thèm  nhìn ông. Không dễ gì cứ vừa xin vừa chửi người ta. Suốt ngày ông vừa xin bố thí, vừa xổ một tràn thóa mạ. Chửi luật lệ, chửi phong tục, chửi tham vọng mù quáng, chửi mấy cuộc đời vứt đi, chửi cả lũ hèn nhát. Chửi những người không trả tiền nghe ông chửi. Nếu họ là người bố thí cho ông thì họ phải nghe ông làu bàu !

“Này ông ơi, nhà xi-nic* nói. Cho đi nào, ông thấy đó, tôi đang ăn mày đây. Nào cho đi, thay vì nhìn tôi thì cho tôi cái gì bỏ bụng đi !”

Một ông già chết lặng nhìn Diogène. Tính khí kỳ cục và cái tự do tối thượng của Diogène làm ông ngạc nhiên. Làm sao có thể như thế được ? Khi trấn tĩnh lại được, ông bỏ đi. Ông không dám đến gần Diogène, như thể Diogène quá nguy hiểm, quá đe dọa.

Thời gian trôi đi hàng giờ, Diogène vẫn bất động. Bất biến không lay chuyển. Có mặt giữa chợ, nơi mà mọi người ồn ào náo động một cách vô ích. Ngồi đó, nhưng chổ của nhà hiền triết ở nơi khác, chỗ của ông không ở nơi mấy người không ra người ngợm không ra ngợm này, mấy con ma mà ông nghĩ ông có nhiệm vụ đem sự sống về lại cho họ. (…)

Diogène nửa ngồi nửa nằm suốt cả buổi sáng. Ông thóa mạ đám đông có mắt không ngươi. Thỉnh thoảng ông nói thẳng vào mặt một người qua đường.

Có người ném đá vào ông, ông còn mắng :

“Này con ơi, coi chừng con ném trúng cha con !”.

Với một người sói tóc chửi ông, ông nói :

“Mấy sợi tóc của ông cũng thông minh ra phết, chúng không chịu mọc trên một cái đầu dơ dáy”

Với người nắm tay có ý dọa ông, ông nói :

“Đừng, đừng, sai rồi. Bạn bè với nhau, đưa bàn tay ra cho nhau thì mấy ngón tay phải mở ra”

Có người hỏi nơi con người cái gì mau già nhất, ông trả lời :

“Lòng nhân hậu”.

Cuối cùng thì ông cũng đứng dậy. Tay chân bị tê, ông đi chầm chậm đến một bức tượng ở căn nhà góc đường và chìa tay ra. tâm lý thường tình khi thấy ai đang chấp tay cầu khẩn để xin miếng ăn thì người ta tránh đi chỗ khác. Mặt hướng về bức tượng, ông thành tâm nhìn bức tượng. Một giờ trôi qua. Diogène đứng như trời trồng, lòng bàn tay mở ra. Một đám đông tụ lại. Rốt cuộc có một người đến hỏi ông :

“Vì sao vậy ?”

Không quay đầu lại, tiếp tục mở lòng bàn tay ra xin, xin liên tục, ông khô khan trả lời :

“Để tập cho quen bị từ chối”

Jean-Philippe de Tonnac

(Trích trong Điên Như Hiền Giả)

* Xi-nic – Phái Cynique – do Antisthène là người đã lập một trường học tại phòng tập thể dục Cynosarge tại Athene. Chủ trương sống khó khăn, loại bỏ tiện nghi, loại bỏ những gì phù phiếm, lên án chuyện giả vờ, giả tạo…
_____________

Chút Suy Tư

Đọc về cuộc đời và những tác phẩm hay những ghi chép ý tưởng của những triết gia thời Cổ Đại, đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ và thận trọng và cần có kiến thức chuyên môn để gạn lọc những thực hư thêm bớt trong những dị bản theo dòng thời gian. Đó là việc của những nhà nghiên cứu.

Ở đây chúng ta chỉ đơn giản mượn một vài ý niệm thực tế của nhà hiền triết để ngẫm nghĩ về cuộc sống đời thường trong thời đại hôm nay của chúng ta.

+ 1. Vật chất, kim tiền

Những người đi tìm kiếm sự khôn ngoan như những nhà hiền triết trước tiên bao giờ cũng thấy sự nguy hiểm đến từ của cải vật chất, nói chung là vật chất kim tiền.

Từ chối sống đời tiện nghi – như tiếng nói chống lại sự lệ thuộc, sự nô lệ. Sự vướng víu vật chất kim tiền cũng là nguyên nhân của những dục vọng hưởng thụ. Từ đó phát sinh lòng tham, tranh giành, ích kỷ và đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài mà coi thường những giá trị nhân vị cao quý của con người.

Tiện nghi vật chất đúng là phục vụ cho con người sinh hoạt được thuận lợi và nhanh chóng, nhưng lắm khi nó trói buộc ta, làm ta mất đi tự do và nhiều lúc làm ta ngại khó và mất dần nghị lực nếu ta sa cơ không còn điều kiện sở hữu tiền của như ta mong muốn.

Một người không quá coi trọng của cải vật chất thì lòng tham đâu có nổi dậy để chiếm đoạt của người khác, có khi bằng mọi cách và cả tội ác.

Có thể suy nghĩ thêm vấn đề này trong giai thoại sau đây:

Một hôm, Diogène đã không thể nào kiếm được một chỗ ngả lưng qua đêm. Bỗng ông bắt gặp một chiếc thùng tôn nô trống rỗng, ông liền chui vào đó ngủ rồi từ đó chọn luôn chiếc thùng ấy làm nơi cư trú. Bạn bè và học trò cuả ông ai cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy ông sống như thế. Ông đã giải thích với họ rằng đó là một nơi cư trú lý tưởng, vì ông có thể đem nó theo đến bất cứ đâu ông thích, thay vì ông phải định cư một chỗ như mọi người khác.

+ 2. Hiếm có người sống với chân tâm

Có giai thoại kể một hôm, vào lúc giữa trưa, dưới ánh mặt trời sáng choang, Diogène tay cầm cái lồng đèn, hớt hải chạy quanh quảng trường ở Corinthe. Quần chúng qua lại thấy vậy, ngạc nhiên hỏi: “Ông đang làm cái gì vậy?”. Diogène trả lời gọn: ”Ta tìm một người!”

Người thì thiếu gì, ta hiểu ý của Diogène rất sâu xa : “Tìm một con người cho ra con người.”

Trong dân gian cũng thường hay nói :“Một người tốt như vậy đốt đuốc đi tìm cũng không thấy”.

Một bức tranh diễn tả Diogène trần trụi ngồi bên cái lồng đèn, giúp ta cảm nhận như chính Diogène đang đi tìm chính con người thật của mình, khát vọng về hình ảnh của một con người thuở ban đầu : “Nhân chi sơ tánh bản thiện”.

+ 3. Lòng Nhân Hậu là cái mau già nhất

Có người hỏi Diogène nơi con người cái gì mau già nhất, ông trả lời : “Lòng nhân hậu“.

Lòng Nhân Hậu không già theo tuổi tác con người mà lại già sớm hơn. Nó yếu ớt, già nua và chết yểu ngay khi con người còn trẻ, còn đầy sức sống.

Một thế giới đang chết dần lòng thương xót. Một thế giới đang cạn dần lòng nhân hậu. Lòng nhân hậu chết yểu trong thế giới nô lệ vật chất kim tiền.

Cho đến thời điểm này, nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay, ta vẫn thấy cái nhìn của Diogène không xa với thực tế lắm.

“Con người tuổi thọ cao hơn, nhưng lòng nhận hậu chết non hơn”

+ 4. Con người như tượng đá

“Con người tuổi thọ cao hơn, nhưng lòng nhận hậu chết non hơn”

Con người sống nhờ con tim. Con tim chai đá thì con người thành tượng đá.

Cách nói tượng đá là cách nói vô tri. Tượng đá thì biết gì. Nó không thể có sự sống.

Câu chuyện bức tượng Mô-sê của Michelangelo :

Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: “Hãy nói đi”.

Nhưng, tất nhiên, dù sống động thế nào, đó vẫn chỉ là bức tượng.

+ 5. Xin cùng tượng đá.

Không xin được nơi những con người, nên Diogène quay sang xin cùng tượng đá.

Rốt cuộc có một người đến hỏi ông :
“Vì sao vậy ?”
Không quay đầu lại, tiếp tục mở lòng bàn tay ra xin, xin liên tục, ông khô khan trả lời :
“Để tập cho quen bị từ chối”. (trích truyện)

Quen bị từ chối, là quen sống với những con tim chai đá, quen sống với “lòng nhân hậu già nua” của con người.

Sống trong một thế giới vô tâm hay sống với những con người vô cảm đã mất đi con tim trẻ trung sống động vì tình yêu đồng loại.

Ảnh minh họa

Hình ảnh của Diogène trong quá khứ xa xưa cũng vẫn thường thấy trong thời đại hôm nay.

Có thể có nhiều điều khác biệt trong triết lý sống xưa và nay, nhưng tiếng nói của con tim về tình người thì không bao giờ thay đổi. 

“Nhân linh ư vạn vật”. Con người “linh thiêng” hơn vạn vật vì con người có trí óc biết suy xét và con tim biết yêu thương để sống theo nhân bản thiện hảo. Hay nói theo niềm tin của người Công Giáo : “Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa” (Kinh Thánh).”Nhân chi sơ tánh bản thiện”,  mà cái thiện đó sớm già nua chết yểu trong lòng người thì con người còn chờ đợi nhau điều gì nếu không phải chỉ là sự lạnh lùng ?

Đâu rồi “Tứ hải giai huynh đệ” ? – Đâu rồi “tình người” ?

Rồi, một thế giới tôn thờ vật chất kim tiền, con người sẽ phải tập theo cách đối phó như  Diogène thôi :

– “Để tập cho quen bị từ chối”.

MAI NHẬT THI

 

Bài liên quan

Back to top button