Chút suy tưVăn - Nghệ

Chỉ Cần Bịt Tai Lại | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Chỉ Cần Bịt Tai Lại

Thời xưa, có một người thích lấy đồ của người khác. Hôm đó, anh ta ra khỏi nhà, nhìn thấy trên cổng nhà hàng xóm có treo một quả chuông lớn. Quả chuông này quả thực rất đẹp, màu đồng bóng tỏa ánh sáng chói lọi. Lúc đó, nhà hàng xóm vừa đi ra ngoài, rung chuông nhè nhẹ, tiếng chuông vang lên lanh lảnh, ở nơi xa cũng có thể nghe thấy. Sau khi người đó nhìn thấy, trong lòng bắt đầu tính toán làm thế nào để quả chuông kia thuộc về mình. Nhìn thấy quả chuông đó khá nặng, mấy con bò cũng không kéo nổi, huống chi là một mình anh ta.

Một hôm, anh ta và vài người bạn xấu tụ tập lại. Anh ta làm ra vẻ mãn ý lắm, người khác hỏi anh ta nghĩ gì, anh ta giả vờ như không và nói rằng :”Nếu có một quả chuông to, một người không thể nhấc nổi nó, nhưng lại muốn dời nó đi chỗ khác, các người có cách nào không ?”. Có người cảm thấy câu hỏi này thật ngốc nghếch, liền nói luôn :”Một người không nhấc nổi, như vậy thì hai người, hai người không nhấc nổi, thì ba người, nếu không được, có bao nhiêu người có thể nhấc nổi thì gọi bấy nhiêu người đi !”.

Người muốn ăn trộm quả chuông nghe thấy vậy liền vui mừng nói :”Anh không hiểu ý tôi hay sao ? Tôi nhất định chỉ có một người mà thôi. Nếu giống như anh nói, thì bao nhiêu người có thể nhấc nổi thì gọi bấy nhiêu người, thì điều đấy ngay cả trẻ con cũng biết “. Có người khác lại đưa ra ý kiến :”Như thế thì đập nát chuông ra làm mấy mảnh, làm vậy là được chứ gì !”. Anh ta cúi đầu suy nghĩ, đập chuông ra để khiêng đi hay đấy, nhưng chuông phải phát ra tiếng, không thể đập chuông mà không phát ra tiếng được. Thế là, anh ta lại hỏi những người bạn của mình. “Đập chuông ra thì có thể được, nhưng vừa đập chuông thì phát ra tiếng, như vậy thì người khác sẽ phát hiện ra ngay ? Có cách nào để khiến chủ nhân của quả chuông không nghe thấy tiếng chuông hay không ?”. Một người lập tức đưa ra ý kiến :”Như vậy rất đơn giản, tôi có một diệu kế, chỉ cần bịt tai lại, thì tiếng chuông to đến mấy cũng không nghe thấy được !”

” Đúng là một diệu kế “, mọi người đều nhất trí hòa theo.

Người muốn lấy trộm quả chuông lúc đó cảm thấy rất hài lòng, anh ta thầm nghĩ, bọn họ thật là ngốc, mình không phải mất công suy nghĩ mà cũng có được kế hay như vậy, đúng là diệu kế !

Đêm tối, gió bên ngoài thổi lớn, mọi người đều đang say giấc. Trong bóng tối, có một bóng đen xuất hiện, nhẹ nhàng di chuyển quả chuông. Tiếp đó, bóng đen giơ chiếc rìu cầm ở trong tay lên, sau đó chiếc rìu hạ xuống, âm thanh lanh lảnh của chuông vang khắp thôn xóm.

Tiếng chuông làm thức tỉnh tất cả mọi người, chủ nhân của quả chuông lập tức mặc quần áo, hàng xóm cũng chạy ra xem có chuyện gì xảy ra. Trước mắt họ là người ăn trộm chuông, tai bịt bông đang đập quả chuông. Chủ nhân của quả chuông đi tới trước mặt, cướp lấy rìu của tên trộm và nói rằng :”Ngươi đang đêm không ngủ, đến phá chuông làm gì vậy ?”

Tên trộm chuông nhìn thấy mọi người, liền ngơ ngác hỏi :”Ta đã bịt kín lỗ tai của ta lại rồi, tại sao các người còn nghe thấy được cơ chứ ?”.

_____________

Chút Suy Tư

Bịt tai trộm chuông (Yểm nhĩ đạo linh)

Câu chuyện nghe cho vui chứ có lẽ nào trên cuộc đời này lại có kẻ khù khờ  đến như vậy. Nhưng những chuyện dụ ngôn thì bao giờ cũng tồn tại vì tính cách “ngụ ngôn” của nó. Nên nó vẫn được dân gian truyền miệng hoặc được những nhà sưu tầm gom lại in thành sách, vì những bài học sâu xa tiềm ẩn trong đó.

1. Bịt tai.

“Anh chàng trộm chuông” bỏ ngoài tai tiếng chuông để đủ vững tin mình đang hoạt động bí mật và an toàn không có ai hay biết.

2. Tiếng chuông

Tiếng chuông có đó, nhưng có cũng như không. Nó kêu vang ở đâu đâu, nhưng không thể đến tai người không muốn nghe.  

3. Khờ dại và tham lam

Khổng Tử nói :”Không ai điếc bằng người không muốn nghe”. Tên trộm chuông này làm theo đúng  nghĩa đen từng chữ của lời dạy Khổng Tử thật !

Nhưng có điều sai lầm của anh ta, là anh ta tưởng lỗ tai của mọi người cũng đang giống lỗ tai của mình ! Hễ mình không nghe là không có ai nghe ! Anh ta chỉ cần mọi người không nghe thấy tiếng chuông thì sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là lấy trộm cái chuông, mà để kiểm chứng việc này, là dựa vào chính lỗ tai của anh – lỗ tai bằng xương bằng thịt – để biết chắc chắn rằng … không ai nghe được tiếng chuông !

Kết quả hoàn toàn trái ngược, mà anh ta vẫn chưa chịu hiểu, hay không thể hiểu hổng biết!

“Ta đã bịt kín lỗ tai của ta lại rồi, tại sao các người còn nghe thấy được cơ chứ ?”. (trích truyện).

4. Gian manh và độc ác

Những tên bạo chúa, những bọn vua quan ăn chơi thác loạn, vinh thân phì gia, sưu cao thuế nặng hút máu người dân, những chế độ độc tài đè bẹp người dân bằng vũ lực, bằng súng đạn, vơ vét cuộc sống người dân vật chất và tinh thần đến tận óc não xương tủy… Họ có “nghe” tiếng chuông thức tỉnh của chân lý và tình thương không ?

Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa

Khi nói về lỗ tai ở  đây, ý nghĩa sâu xa của nó không phải về “lỗ tai bằng xương bằng thịt” theo nghĩa đen  kiểu anh chàng trộm chuông nhắm tới, nhưng là lỗ tai tâm hồn, lỗ tai nhân tâm, lỗ tai lý trí.

Bịt tai lại rồi lấy gì nghe ?

Bịt kín nhân tâm, bịt kín lương tri … làm sao nghe.

Đâu cần nghe … miễn là ăn trộm được.

Đâu cần nghe… Miễn là đạt được mục đích. Miễn là đạt được quyền uy, sưu cao thuế nặng, thụ hưởng khoái lạc, vinh thân phì gia, tham nhũng vơ vét

Đâu cần nghe… tiếng nói chân lý, tiếng kêu người dân, tiếng khóc than rên siết của đồng bào…

Bịt tai lại cũng có nghĩa là Bỏ Ngoài Tai tất cả !

Chỉ cần bịt tai lại… Là sống với ảo giác an toàn trong bóng đêm tội lỗi, trong bóng đêm tham vọng, trong bóng đêm mộng mị của riêng mình …

Người muốn lấy trộm quả chuông lúc đó cảm thấy rất hài lòng, anh ta thầm nghĩ, bọn họ thật là ngốc, mình không phải mất công suy nghĩ mà cũng có được kế hay như vậy, đúng là diệu kế ! (trích truyện)

Chỉ cần bịt tai lại …

Đã đủ an toàn chưa ?

Ở trong cuộc đời này, trong thời này… Câu chuyện cổ tích này cũng đang diễn ra đấy thôi !

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button