“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 5 mùa chay năm A 02/4/2017
“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,”
Chuyện buồn chuyện vui, cho tôi mãi mong chờ.
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ được gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ
được gặp Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha – Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – Mong Chờ Giêsu)
(Amos 4: 12 / Mt 8: 34)
Trên đây, là lời ca vãn có những yêu cầu kéo dài mãi đến vô cùng vô tận. Yêu cầu, là nỗi niềm mong mỏi “được gặp Giêsu”, đồng thời được gần cận mãi với tạo cho bạn bè/người thân, trong cuộc đời. Đó là trải-nghiệm có được khi nghe người anh em đồng môn đọc lời bạt do chính anh viết ở dĩa nhựa Chuyện Phiếm Đạo Đời số 8, trên “Sound Cloud”..
Và dưới đây, lại thêm một cảm-nhận chân-tình của người anh em khác cùng Dòng gửi đến bạn bè đồng song sau chuyến ra đi của thân mẫu, vừa xảy đến:
“Quí anh chị rất mến thương,
Không có ngôn-từ nào có thể diễn tả đươc tấm lòng của gia đình trước nghĩa-cử thật yêu thương mà quí anh chị đã dành cho gia đình trong dịp tang lễ của mẹ vừa qua. Xin anh chị em nhận nơi đây lòng biết ơn thật sâu xa của bần đệ và gia quyến.
Lời cầu nguyện của anh chị em trong các Thánh lễ, nhất là những tâm tình chia sẻ trong giờ cầu nguyện tại nhà quàn đã nhắc cho bần đệ, các em và các cháu trong tang quyến được phép ngẩng đầu lên mà hãnh diện về mẹ. Và đây cũng là nguồn động-lực giúp gia đình từ từ vượt qua nỗi đau thương để đón nhận.
Xin anh chị em đã thương thì thương cho trót bằng cách là tiếp tục cầu nguyện với, cùng và cho linh hồn Anna.
Thân ái trong Chúa Cứu Thế.
(trích điện thư của Lm Mai Văn Thịnh, CSsR gửi anh em trong gia đình An-Phong qua anh Mai Tá lá thư đề ngày 04/3/2017)
“Vượt qua nỗi đau thương để đón-nhận..”, chính đó là ý-nghĩa và mục tiêu mà mọi người trong Đạo đều nhắm đến. Lời ca cảm-nhận hay câu vãn có yêu cầu, vẫn là những lời tụng ca đầy ý-nghĩa như còn thấy ở nhiều chỗ khác, có bài hát rất như sau:
“Giòng đời trôi theo nắng sớm mưa chiều.
Tìm gần tìm xa, nghe như vẫn tiêu điều.
Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Cuộc trần ai đưa nát tan cho đời.
Người người biệt ly, bao sông núi chia lìa.
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha – Lời: MONG CHỜ GIÊSU bđd)
“Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu”, đó còn là mục-tiêu mà mọi người “cần vượt qua để đón nhận”. Đón và nhận, sự-kiện “gặp Giêsu” nơi những người đang sống quanh mình vào mọi lúc. Không chỉ vào lúc cùng ta quây quần bên người thân thuộc vừa quá vãng mà thôi, nhưng còn là và phải là mọi lúc, trong đời người.
Và, “ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì được gặp Giêsu.” Ôi! Đây chính là ý-nghĩa của cuộc sống vào dạo trước và cả vào thời mai hậu, như lời khẳng định của thần-học-gia tên tuổi là Edward Schillebeeckx từng nói đến như sau:
“Bản thân con người phàm-trần bao giờ cũng mang tính-chất sử-học, đưa vào lịch-sử để làm nên lịch-sử. Vì thế nên, hành trình mà con người còn rong ruổi lại chính là hành-trình được thiết-lập với Thiên-Chúa. Bởi lẽ, con người là tạo-vật do Thiên-Chúa thiết-dựng. Nhưng, có thể đó cũng là hành-trình không có Chúa đi cùng hoặc vào thời-điểm con người cứ mải kình-chống Thiên-Chúa nữa.
Con người là hữu-thể phàm-tục có chất sử luôn sống trong tương-quan với Thiên-Chúa vĩnh-cửu. Tương-quan đây, là hành-trình rong ruổi được thể-hiện giữa bản-thể con người với Thiên-Chúa vĩnh-cửu đã dấy lên vấn-đề cánh-chung-luận. Bởi lẽ, cuộc sống con người là sự sống phụ thuộc vào thứ gì có khởi-đầu và kết-đoạn hẳn-hoi.
Vậy nên hỏi rằng: con người có thể tồn-tại mãi không? Ta thấy những gì được thêm vào đây? Có chăng sự sống sau khi chết? Có chăng thiên-đàng dành cho những người làm điều tốt lành? Có chăng luyện-ngục là nơi chốn dành cho những người luôn làm việc gian-ác?
Vấn-đề này được lịch-sử đặt ra cho con người phàm-trần. Cánh-chung-luận là câu đáp trả của Đạo Chúa với những câu hỏi đại-loại như thế. Sự sống vĩnh-cửu không là thứ gì dính-liền với bản-chất của hữu-thể hạn hẹp và bất ngờ. Cả ở trường hợp bản-thể người có linh-hồn thiêng-liêng, ta cũng không thể nào bảo là: tính-chất thần-thiêng nơi linh-hồn con người lại là nền-tảng của sự sống sau khi chết…” (X. Lm Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 63)
Rõ ràng là, thần-học-gia Schillebeeckx những muốn chứng-tỏ trong cuốn “Tôi là nhà thần-học phúc-hạnh” vốn dĩ bảo rằng: sự sống và nỗi chết của con người vẫn cứ là trạng-huống của hữu-thể hạn-hẹp, chứ không là khúc/đoạn của không gian và thời, bao giờ hết.
Bản thể “người” luôn ưu-tư/quan-ngại về những hạn-chế của không-gian và thời-gian, nên mới sáng-tạo ra các phạm-trù đầy ấm-ức bằng các cụm-từ như: thiên đàng, luyện-ngục, trần-gian hoặc chốn vĩnh-hằng.
Thế nhưng, thực sự thì các phạm-trù đó có ý-nghĩa gì đáng để ta lưu-tâm, bàn-thảo hay không? Đáp trả bằng những quan-niệm vững chãi, lại xin mời bạn và mời tôi, ta tiếp-tục đi vào giòng chảy đầy phân-tích của thần-học-gia tên tuổi ở trên, đã xác định bằng những ý-tưởng sau đây:
“Thiên-đàng và hoả-ngục là những sự, những việc có thể xảy đến với con người. Tôi thường biện-bạch rằng: ta luôn có tính-chất rất đối-xứng giữa ý-niệm về thiên-đàng và quan-niệm về hoả-ngục: cả hai đều không thể đặt chung vào cùng lãnh-vực được. Giả như nền-tảng của sự sống sót là tương-quan sống động như thế với Thiên-Chúa, tôi vẫn tự hỏi xem những gì xảy đến khi tương-quan với Thiên-Chúa không sống-động cách nào hết, nghĩa là: khi người nào đó làm chuyện gian ác cố ý đến cùng tột.
Ta không thể biết được là có hay không những người làm điều gian-ác theo cung-cách nhất-định, bác-bỏ mọi ân-huệ Chúa tha thứ cho họ, nữa. Và, đây chỉ là giả-thuyết bảo rằng: nếu trên đời này lại có những người không có tương-quan thần-thánh với Thiên-Chúa, thì những người như thế sẽ không có nền-tảng về sự sống vĩnh-cửu.
Và, hoả-ngục là kết-đoạn cho những ai làm điều gian ác theo cung-cách nhất-định, thì cái chết thể xác và kết đoạn cuộc đời nơi họ sẽ là điều tuyệt-đối. Thành thử, từ một quan-điểm cánh-chung-luận, ta nói được là chỉ có thiên-đàng mà thôi.” (X. Lm Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 64)
Nếu thế thì, các phạm-trù ở trên được sáng-chế là để đề-nghị ta và mọi người hãy cùng nhau nghe lại khẳng-định làm nền nơi ca-từ đã trích có những lời vang vọng mãi:
“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,”
Chuyện buồn chuyện vui, cho tôi mãi mong chờ.
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ được gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ
được gặp Giêsu.”
(Maranatha – Vũ Khởi Phụng DCCT – bđd)
Nếu thế thì, trọng-tâm cuộc sống hay nỗi chết vẫn cứ là “đợi chờ để được gặp Giêsu”, một khẳng-định được tác-giả Marcus J. Borg lại cũng quả-quyết như sau:
“Tất cả mọi người chúng ta, trước đây đều đã gặp gỡ Đức Giêsu. Phần đông chúng ta gặp Ngài hồi còn thơ ấu. Điều này, hà tất là chuyện có thật, đối với những ai được nuôi dưỡng trong lòng Giáo-hội và nhất là những người lớn lên ở vùng trời có nền văn-hoá Tây phương. Ở đó, mọi người đều có cùng một ấn-tượng về Đức Giêsu, theo cách nào đó như ảnh-hình về Ngài tuy lu-mờ nhưng rất đặc-biệt.
Với nhiều người, ảnh-hình về Đức Giêsu mà họ có từ thời ấu-thơ, vẫn hoàn-hình cả vào lúc trưởng-thành. Với người khác, ảnh-hình này được giữ gìn bằng những xác-tín đậm-sâu, đôi khi còn nối-kết cả với lòng sủng-mộ tư-riêng đầm ấm và nhiều lúc còn kết chặt vào với lập-trường đầy học-thuyết cứng ngắc, nữa.
Một số người khác, cả ở bên trong lẫn bên ngoài Giáo-hội, thì ảnh-hình về Đức Giêsu thời ấu-thơ còn trở-thành vấn-đề, tạo nên nhiều bối rối/ phức-tạp và ngờ-vực, có khi lại dẫn đến tình-huống dửng-dưng đối với Giáo-hội hoặc chống-đối cái Giáo-hội của thời con trẻ mà họ từng sống.
Quả là, đối với nhiều tín-hữu Đạo Chúa, đặc-biệt là các thành-viên Giáo-hội chính-cống, có lúc xảy ra thời-kỳ trong đó ảnh-hình Đức Giêsu thời son trẻ không còn mang ý-nghĩa gì to tát cả. Và, rất nhiều người trong số đó, không cảm thấy cần thay thế nó. Với họ, gặp gỡ Đức Giêsu thêm một lần nữa lại sẽ như chỉ mới gặp Ngài lần đầu tiên, tức là lúc họ cảm thấy tràn-ngập ảnh-hình mới mẻ về Ngài.
Thật sự mà nói, ý-niệm nền-tảng sẵn có trong đầu nhiều người là sự nối kết mạnh mẽ giữa ảnh-hình Đức Giêsu và nét phác hoạ về đời sống tín-hữu Đạo Chúa thật rõ nét. Nối kết đây, là sự tương-giao giữa những điều mọi người người nghĩ về Đức Giêsu và những gì mọi người trong chúng ta suy-tư về cuộc sống phải có của người đi Đạo. Ảnh-hình ta có về Đức Giêsu vẫn luôn tạo ảnh-hưởng lên nhận-thức ta có về cuộc sống của người tín-hữu theo hai cách: một, là cung-cách tạo nên hình-dạng cuộc sống người tín-hữu Đạo Chúa; và cách kia, là quyết-tâm biến Đức Chúa trở-thành đạo-giáo đáng tin hoặc không đáng tin.
Xem như thế, thì người đi Đạo lâu nay nhiều ít vẫn cứ tin Đức Giêsu mà mình được gặp tựa như ảnh-hình mình duy-trì từ thời niên-thiếu. Dù ảnh-hình ấy có do Giáo-hội nhồi nhét vào đầu óc son trẻ của mình hay không.” (X. Marcus J. Borg, Meeting Jesus Again for the First Time, HarperCollins1994, tr. 1-2)
“Lòng chờ mong không biết bao giờ được gặp Giêsu”, lại là sự mong chờ được gặp Đức Giêsu của thời trưởng-thành. Ảnh-hình của một Đức Giêsu-thực vừa là người thực như ta, vừa là Đấng được toàn-thể Hội-thánh nâng-nhấc lên thành Ngôi Hai Thiên-Chúa.
Chờ mong một gặp gỡ như thế để làm gì? Phải chăng là để như lời hiền-nhân ngôn-sứ khi xưa trong Cựu Ước từng khuyên-bảo như sau:
“Hỡi Israel,
ngươi hãy chuẩn bị
đi gặp Thiên Chúa của ngươi.”
(Amos 4: 12)
Đó là người đời thời Cựu ước. Còn thời Tân Ước, sau khi chứng kiến Đức Giêsu làm việc lạ lùng, khi trừ tà, người trong làng lại cũng tụ-tập để gặp Ngài sau đó thì mời Ngài ra đi như Tin Mừng Mát-thêu còn nói rõ:
“Bấy giờ,
cả thành ra đón Đức Giêsu,
và khi gặp Ngài,
họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ.”
(Mt 8: 34)
Thành ra, cũng là chờ mong/mong chờ “được gặp Giêsu”, nhưng mỗi thời và mỗi người lại có ý khác nhau. Chờ và mong “được gặp Giêsu” như bài hát trên lại mang một ý-nghĩa khác hẳn:
“Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Cuộc trần ai đưa nát tan cho đời.
Người người biệt ly, bao sông núi chia lìa.
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha/Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – bđd)
Có mong/có chờ rồi mới thấy. Có chờ và có đợi rồi sẽ hay. Duy, có điều là: khi gặp Ngài rồi, thì bản thân người chờ đợi cũng như người xục xạo kiếm tìm sẽ ra sao? Có mãn nguyện không? Người mãn-nguyện rồi, lại sẽ có quyết-tâm như thế nào? Phải chăng như lời lẽ người anh em vừa viết trong bức thư tâm-tình đầy tri-ân, vang vọng mãi rằng: “Những tâm tình chia sẻ trong giờ cầu nguyện tại nhà quàn đã nhắc cho bần đệ, các em và các cháu trong tang quyến được phép ngẩng đầu lên mà hãnh diện về mẹ.” (X. tâm-thư trích-dẫn ở trên)
Với mẹ ruột, mà người con còn hãnh-diện đến độ “sẽ ngẩng đầu lên” như thế. Thì, với Đức Giêsu được nâng-nhắc thành Thiên-Chúa Ngôi Hai, chắc người người sẽ còn ngẩng cao đầu ghi dấu ấn đến mãn đời, nữa mới phải.
Dấu ấn ấy. Cảm-nghiệm đây, còn là và sẽ là những cảm và nghiệm của đời người vẫn có niềm vui bất tận của những người đã và đang trên đường kiếm tìm hoặc từng mong chờ nay được gặp. Tâm tình ấy, nay hoà-đồng vào với tình-tiết của câu truyện kể đầy cảm-tính như dưới đây:
“Một chuyến tàu ngoài khơi gặp bão và bị đắm. Có hai người giạt đến một hoang đảo. Cả hai đã nhiều lần làm thuyền nhưng không lần nào thành công. Cuối cùng, họ đồng ý với nhau là cùng ngồi cầu nguyện. Mỗi người sẽ ở một nửa hòn đảo xem lời cầu nguyện của ai sẽ linh nghiệm.
Đầu tiên, người thứ nhất cầu nguyện có được thức ăn. Sáng hôm sau, người thứ nhất tìm thấy một cây có nhiều quả rất ngon nên anh ta không còn phải lo lắng đi tìm thức ăn nữa. Ở phần bên kia hòn đảo, đất vẫn khô cằn và người thứ hai không tìm được gì cả.
Hết một tuần, người thứ nhất cầu nguyện cho có bầu bạn. Chỉ sau một ngày, ở bên đảo của người thứ nhất có một chiếc tàu khác bị đắm và một người phụ nữ giạt vào. Hai người chuyện trò cho bớt cô đơn, còn ở phần bên kia hòn đảo, người thứ hai vẫn không có gì khác.
Liên tục những ngày sau đó, người thứ nhất cầu nguyện được căn nhà, quần áo ấm và nhiều thức ăn hơn. Phép mầu lại xảy ra. Những gì anh ta ước thường xuất hiện ngay vào buổi sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, vẫn không có gì khác xảy ra ở phần đảo của người đàn ông thứ hai.
Cuối cùng, người thứ nhất và người phụ nữ – nay đã là vợ anh ta- cầu nguyện có một chiếc tàu. Sáng hôm sau, một chiếc tàu lớn xuất hiện trên bãi biển. Người thứ nhất dẫn vợ mình lên tàu và quyết định bỏ người thứ hai ở lại trên đảo. Anh ta nghĩ rằng người kia không đáng được nhận bất kỳ thứ gì anh ta có được từ những lời cầu nguyện riêng của anh ta.
Khi chiếc tàu chuẩn bị rời bến, bỗng người thứ nhất nghe thấy có tiếng nói vang lên từ không trung: “Tại sao con lại bỏ bạn mình?” Người thứ nhất thản nhiên cao giọng: “Tất cả mọi thứ đều do tôi cầu nguyện mà có. Anh ta cầu nguyện nhưng chẳng được gì cả nên không xứng đáng để đi cùng với tôi.”
“Con lầm rồi” – giọng nói vang lên – “Từ đầu đến cuối, anh ta chỉ ước có một điều và Ta đã thực hiện cho anh ta điều ước ấy.” Người thứ nhất rất ngạc nhiên: “Anh ta đã ước gì?”
“Anh ta đã ước rằng những lời cầu nguyện của con được biến thành sự thật!” (truyện do St sưu tầm)
Tâm tình của người chờ mong, nay được gặp Đấng mà mình mong ước, lại sẽ hằn in nơi ca-từ nhè nhẹ được nghe thêm một lần nữa làm kết-đoạn cho bài luận-phiếm về một “chờ mong/mong chờ được gặp Giêsu” rất hôm nay. Câu hát nhẹ ấy, cứ từ từ đi vào lòng người nghe với những lời lẽ gọn gàng như sau:
“Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha/Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Với những tình-tự hằn in nơi tâm-khảm
Khi nghe bài
“Giòng đời trôi” với lời ca
Lã chã, êm ả, rất mong chờ
Được gặp Giêsu.