Pháp: Những ngôi nhà lạ mắt bên bờ sông Seine
Lần đầu tiên được nhìn thấy Ngôi nhà Ấn Độ, khách tham quan cứ ngỡ là người ta đang dựng cảnh quay cho một bộ phim của Bollywood. Thật ra, Ngôi nhà Ấn Độ này đã được xây cất cách đây đúng 140 năm, nhân kỳ Triển lãm Toàn cầu tổ chức ở Paris vào năm 1878.
Tọa lạc bên bờ sông Seine, ngay ở lối vào công viên Bécon, gần Toà thị chính Courbevoie, ngoại ô Paris, Ngôi nhà Ấn Độ có thể được thấy từ xa nhờ các mái vòm cung nhọn mạ vàng. Khi trời đẹp có nhiều nắng, mái nhà lại càng lấp lánh lung linh ánh sáng. Ngoài nhà Ấn Độ, còn có thêm một ngôi nhà thứ nhì với lối kiến trúc khác thường, không giống như các dãy phố xung quanh.
Lối kiến trúc bên ngoài cũng như cách thiết kế bên trong Ngôi nhà Ấn Độ hầu như đều được làm bằng gỗ, với nhiều họa tiết và đường viền chạm trổ khá tỉ mỉ, nhất là các tấm bảng ở khung cửa sổ hay trên trần nhà. Mặt tiền của toà nhà với nhiều cửa kính cho thấy lối thiết kế thật ra không thuần chất Ấn Độ mà lại được kết hợp với nhiều ảnh hưởng từ vương quốc Anh.
Ngôi nhà Ấn Độ (tên nguyên gốc là Pavillon des Indes Britanniques) do kiến trúc sư Caspar Purdon Clarke thực hiện theo yêu cầu của quốc vương Edward VII (thời bấy giờ ngài còn là Thái tử). Ngôi nhà này đại diện cho Ấn Độ và các thuộc địa Anh đã thu hút 16 triệu khách tham quan khi được trưng bày trên quảng trường Champs de Mars, nhân kỳ Triển lãm Toàn cầu tổ chức ở Paris vào năm 1878.
Ghé thăm Ngôi nhà Ấn Độ cũng là dịp để viếng thăm công viên Bécon, do nằm trên ngọn đồi, nên công viên này như thể có hai tầng : tầng phía dưới có nhiều bãi cỏ để tắm nắng hay tổ chức pic-nic, bên cạnh những con lộ nhỏ dành cho người chạy bộ hay đi xe đạp, với nhiều lối đi ra tận các chiếc cầu bên bờ sông Seine.
Còn tầng trên có vườn chơi với bãi cát, xích đu, chòi gỗ dành cho trẻ em, ở nhiều góc vườn có nhiều không gian thoáng mát yên tĩnh, với những quán nước bán thức giải khát, những hàng ghế dưới bóng cây dành cho người thích đọc sách. Từ các lan can rộng thênh thang, khách tham quan có thể nhìn ra phía bờ sông Seine, ẩn hiện sau những vòm cây xanh.
Nếu như Ngôi nhà Ấn Độ nằm ở góc phía đông công viên, thì ở phía tây, khách tham quan sẽ tìm thấy Viện bảo tàng Roybet Fould, tuy nhỏ nhưng lại có khá nhiều tác phẩm của Jean Baptiste Carpeaux. Sinh trưởng tại Valenciennes (1827-1875), nghệ sĩ Carpeaux nổi tiếng nhờ các bức tranh và nhất là các tác phẩm điêu khắc dưới thời hoàng đế Napoléon Đệ Tam. Dinh thự của ông ngày xưa tọa lạc giữa công viên Bécon, điều đó giải thích vì sao Bảo tàng Roybet Fould dành nhiều gian triển lãm cho tác phẩm của nhà điêu khắc này.
Đáng ngạc nhiên hơn nữa, là Ngôi nhà làm bằng toàn gỗ thông ở phía sau viện bảo tàng. Hỏi ra mới biết đó là Ngôi nhà Bắc Âu đại diện cho hai quốc gia Thụy Điển và Na Uy, cũng nhân kỳ Hội chợ Triển lãm Toàn cầu tổ chức ở Paris năm 1878. Do kiến trúc sư Henrik Trapp-Meyer (1833-1910) thiết kế, toàn bộ ngôi nhà đã được thực hiện theo đúng truyền thống các ngôi nhà miền núi của Na Uy.
Được xây tại vùng Bắc Âu với các chất liệu hoàn toàn tự nhiên, Ngôi nhà này đã được chở bằng thuyền sang Pháp, toàn bộ các bảng gỗ được lắp ráp lại ở thủ đô Paris. Tuy không bắt mắt bằng Ngôi nhà Ấn Độ, nhưng lối kiến trúc của Ngôi nhà Bắc Âu, dù có bị che khuất sau những rặng cây xanh, lại tạo được sự quyến rũ hấp dẫn, nhờ nét duyên thầm kín tiềm ẩn.
Theo RFI
http://www.phap.fr/nghe-thuat-song-du-lich/2018/09/07/