Kiến trúc thánh đường – Đôi điều tản mạn…
- Làng tôi xanh bóng tre. Từng tiếng chuông ban chiều. Tiếng chuông nhà thờ rung (nhạc Văn Cao)…
- Năm năm rồi trở lại. Cỏ hoang sân giáo đường… Chiều hắt hiu xóm đạo. Hồi chuông giáo đường vang (thơ Phạm Văn Bình – nhạc Phạm Duy)
- Lâu quá không về thăm xóm đạo. Từ ngày binh lửa cháy quê hương. Khói bom che lấp chân trời cũ. Che cả người thương nóc giáo đường (thơ Kiên Giang – nhạc Huỳnh Anh)
Và còn nhiều nữa bao câu thơ, dòng nhạc thấp thoáng bóng giáo đường, hồi chuông xóm đạo. Có mặt trên mảnh đất Việt chưa lâu lắm, hình ảnh ngôi thánh đường Công giáo đã gợi bao cảm xúc vấn vương lòng người.
Với người tín hữu, ngôi giáo đường là phần không thể thiếu, như người bạn đồng hành trên đường sống và hành đạo. Người giáo dân xa quê nhớ về bản quán với hình ảnh ngôi nhà nơi mình ra đi và bên cạnh ký ức thân thương ấy, ngôi thánh đường vẫn luôn là dấu ấn sâu đậm nhất. Không chỉ là nơi biểu lộ đức tin, qua từng thế hệ ngôi thánh đường còn ấp ủ bao ước mơ cùng những kỷ niệm suốt những chặng đường của đời người. Thế nên, người giáo hữu dễ cảm thấy những ký-ức-nhà-Chúa kia bị va chạm khi chúng bị biến đổi, dù đôi lúc là những biến đổi cần thiết.
Cũ và mới
Trong hầm mộ các Giáo hoàng dưới bàn thờ chính đền thờ thánh Phêrô (Vatican), thỉnh thoảng du khách bắt gặp những phiến đá cũ kỹ có từ thời các Thánh tông đồ gần hai nghìn năm trước được chừa ra, giữ nguyên trạng với rào chắn cẩn thận. Ở nhiều quốc gia, các phế tích dù chỉ là một cây cột đá gãy ngang, một mảng phù điêu sứt mẻ đều được trân trọng bảo tồn như những vốn quý người xưa để lại. Đất nước ta chỉ mới hòa bình mấy chục năm nay, còn lại là chiến tranh, tàn phá liên miên, thế nên những gì tồn tại được hơn trăm năm, dù nhỏ bé, cũng đã là quý hiếm. Ấy vậy mà có những công trình nhà Chúa cùng với ảnh tượng, bàn thờ, giếng rửa tội… xưa hàng trăm năm vẫn thản nhiên bị phá bỏ trước sự tiếc nuối của nhiều người. Sau Công đồng Vatican II, linh mục dâng lễ quay xuống, một số bàn thờ cũ, đúng nghĩa là những tác phẩm điêu khắc cổ điển hơn trăm năm, độc đáo, tinh xảo, hài hòa với nội thất vẫn bị phá bỏ và thay vào những bàn thờ bằng gỗ, đá mài thô cứng. Ở một số nhà thờ, ảnh tượng được thay đổi tùy theo lòng sùng kính cá nhân. Các khung cửa sổ kính màu xưa hàng trăm năm vẫn lạnh lùng bị đập bỏ để thay vào hình thánh bổn mạng, các thánh mà vị chủ chăn yêu mến với đường nét, phong cách nghệ thuật thua xa cái cũ. Có nơi, theo ý thích của người dâng cúng, của số đông, ảnh tượng được sơn phết lại với màu sắc sặc sỡ, mặc dù vị tiền nhiệm đã tốn nhiều công sức, tiền bạc để mời các nghệ nhân chính thống sơn mỗi tượng 13 lớp dù chỉ với hai màu chính kem nhạt và da người, đó là chưa kể đến giá trị nghệ thuật, niên đại cổ xưa của các bức tượng. Nhiều tượng thờ trên trăm năm tuổi, được chế tác rất nghệ thuật ở nước ngoài bằng cẩm thạch quý nguyên khối vẫn bị phủ lên nhiều lớp màu lòe loẹt đúng phong cách dân dã!
Hàng trăm năm trước, người Pháp đã là bậc thầy trong kiến trúc nhà thờ, lâu đài. Họ đã để lại trên đất nước ta khá nhiều nhà thờ theo phong cách Pháp, Tây Ban Nha. Đó là những công trình kiến trúc đẹp nhiều hoặc ít chứ không có cái nào đáng gọi là xấu, chắp vá. Khi cần thiết phải sửa chữa, tu bổ… nếu không làm tôn thêm vẻ đẹp sẵn có, chúng ta nên giữ lại càng nhiều càng tốt đường nét, hình dáng nguyên bản. Đặc biệt những nơi đã là dấu tích, nhà chung của nhiều thế hệ như chủng viện, tu viện, tránh đưa vào những kiểu dáng đối chọi, đẳng cấp nghệ thuật chưa ngang bằng với cái cũ để không gây phản cảm trong ký ức thân quen hàng trăm năm của bao con người đã từng gắn bó.
Trong xây dựng, đặc biệt với các dinh thự lớn như thánh đường, có những tỉ lệ, bố cục bắt buộc cho một tổng thể hài hòa phải tuân thủ, không khác được. Nhưng trên thực tế do thiếu kiến thức chuyên môn, các “ý tưởng” của linh mục phụ trách hoặc các nhà tài trợ thêm vào thường là chắp vá, không đồng bộ, thôi thì Đông Tây kim cổ, truyền thống-hiện đại cứ vui vẻ – dù rất gượng ép – đứng chung cạnh nhau đến độ nhà thiết kế không còn nhận ra tác phẩm của mình. Cha sở thêm cái này, mấy ông Hội đồng giáo xứ bớt cái kia, cứ tùy tiện thêm bớt cho bằng được. Lại có trường hợp chiều ý nhà hảo tâm dâng cúng, tượng đài đặt không đúng chỗ và thế là cảnh quan khuôn viên cùng kiến trúc cũ bị phá vỡ dù bức tượng có giá trị nghệ thuật, kinh tế cao.
Bên cạnh đó, việc trang trí nhà thờ đôi khi còn phải nương theo mặt bằng thẩm mỹ của giáo dân, tùy theo vùng miền. Nhiều nơi, linh mục phụ trách rất muốn bài trí nội thất, cung thánh và nhất là các ảnh tượng theo phong cách hiện đại, tiết giảm tối đa đường nét, màu sắc nhưng sợ giáo dân…không cầu nguyện được! Hang đá Bêlem mùa Giáng sinh phải có đủ bộ: cây thông tuyết phủ, dây kim tuyến, đèn sao nhấp nháy…Nếu làm theo kiểu hội nhập văn hóa: Đức Mẹ mặc áo bà ba bồng Chúa con ngồi trên chõng tre, Thánh Giuse cầm đèn bão leo lét, siêu sắc thuốc ở góc chòi… giáo dân mình cũng không cầu nguyện được! Biết làm thế nào, vì cho đến nay phần đông bà con giáo dân ta vẫn giữ đạo theo cảm tính như các đồng đạo tận bên Nam Mỹ. Bề ngoài thích những cảnh hội hè, màu sắc, bên trong lại chuộng các truyện tích nhiều kịch tính, có phần bi lụy. Anh em Chính thống giáo thật chí lý khi đặt các ảnh thờ (Icôn) vào khung có hai cánh cửa hai bên và chỉ mở ra vào những lúc cử hành các lễ nghi phụng vụ – như cánh cửa sổ – qua đó nhắc nhở người tín hữu khi cầu nguyện hướng đến và tiếp cận những điều thánh thiêng, siêu nhiên hơn, không dừng lại ở việc chiêm ngắm hình họa, đường nét của tranh thánh mặc dù chúng có giá trị nghệ thuật khá cao.
Cung thánh là điểm nhấn trong nội thất thánh đường, nhưng không vì thế mà biến nơi thiêng liêng thành chỗ trưng bày lộn xộn những cái không cần thiết, làm mất đi sự đơn sơ thanh nhã cùng vẻ uy nghi của nơi thánh. Đèn chầu, hoa nến, lư hương… chỉ là những cái phụ, mờ nhạt nhằm tôn thêm nét thánh thiêng của Nhà tạm, bàn thờ. Cái hồn của kiến trúc, nghệ thuật- nhất là nghệ thuật thánh- không nằm ở những vật liệu đắt tiền, hào nhoáng. Một phiến đá, gỗ còn nguyên nét thô mộc nếu được ứng dụng nghệ thuật xếp đặt, hiệu ứng ánh sáng cũng đủ đem lại vẻ thâm trầm, tĩnh lặng cần có của không gian cầu nguyện, suy ngắm.
Ngôi thánh đường ngoài chức năng thờ tự, về mặt nào đó còn là một công trình văn hóa, ghi dấu một thời kỳ không những của họ đạo mà còn cho cả một vùng. Do vậy khi xây cất công trình nhà Chúa cần đầu tư đúng mức, bàn thảo rộng rãi trong cộng đồng giáo xứ cũng như các nhà chuyên môn, để từ kiểu dáng bên ngoài đến thiết kế bên trong không chỉ đáp ứng các chiều hướng của Phụng vụ, nghệ thuật thánh mà còn là một công trình có thể xứng đáng để lại hậu thế dù đó chỉ là một ngôi thánh đường nhỏ bé, một nhà nguyện, đền Thánh. Hơn nữa, trong tâm tình người có đạo, từ bao đời nay bà con giáo dân vẫn xem ngôi thánh đường là của chung và không khỏi chạnh lòng khi việc sửa chữa, xây mới như là của riêng ai, mà ngay những người đại diện cộng đoàn cũng không được hay biết mặc dù linh mục phụ trách chỉ là người quản lý trong một thời gian không dài lắm, giáo dân mới là chủ giáo xứ.
Trên đường hội nhập
Thời gian gần đây, các kiểu kiến trúc nhà thờ theo phong cách chùa chiền Á đông được xây dựng khá nhiều trong hướng hội nhập văn hóa dân tộc. Miền Bắc nước ta, nơi đã hình thành một nền văn hoá hàng nghìn năm, các hình thái sinh hoạt trong cuộc sống, các lễ nghi thờ tự cùng những kiểu dáng kiến trúc từ nơi thị tứ đến thôn quê đều thấm đậm nét văn hoá dân tộc cổ truyền, đặc sắc, rất riêng. Trong khi đó, ngay từ những thế kỷ đầu loan truyền đạo Chúa, các thừa sai châu Âu đã tìm mọi cách để hội nhập văn hóa Việt Nam và có những sinh hoạt dựa vào phong tục, tập quán địa phương còn tồn tại cho tới ngày nay. (Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, chương XX của Lm Trương Bá Cần). Đó là những chất liệu ban đầu để rồi, thật tự nhiên, niềm tin Kitô giáo đã chuyển mình, bản địa hoá và thích ứng, hội nhập. Ở Bắc Ninh đến nay, nhiều bài ca thánh vẫn mang âm hưởng dân ca quan họ và các bài vè vãn trong lễ nghi phụng vụ ít nhiều phảng phất làn điệu dân tộc, tự tình quê hương. Dòng chảy của nền văn hoá lâu đời kia đã hòa quyện cùng cách nghĩ, cách hành đạo của người công giáo và, cũng thật tự nhiên, các công trình nhà Chúa đều toát lên, gợi mở nét tinh tế của cuộc đồng hành, hoà nhập mà đỉnh cao là quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm. Ngoài Phát Diệm, nhiều nhà thờ miền Bắc tuy bề ngoài theo kiến trúc Tây phương, nhưng bên trong đã mang dáng dấp của một phương Đông rất Việt Nam từ các dãy cột bằng gỗ lim đến các vì kèo chạm trổ công phu, các họa tiết dân gian như tàu lá chuối, cây tre, hoa sen… Đặc biệt gian cung thánh được thiết kế đúng phong cách Á đông với hai màu chủ đạo sơn son, thếp vàng.
Hội nhập văn hóa là chuyện trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Thế nhưng nhiều nơi (đặc biệt là ở miền Nam sau 1975) do nóng vội hoặc có thể do một mặc cảm nào đó, nhiều giáo xứ đã vô tình biến ngôi nhà thờ thành nơi thử nghiệm cho việc hòa hợp Đông Tây. Đâu cứ uốn cong mái ngói, chạm trổ rồng phượng, đặt mấy con nghê hai bên bậc tam cấp thì đã là hội nhập văn hóa dân tộc.
Khi đưa ý tưởng hội nhập văn hóa vào nội thất nhà thờ đã được thiết kế theo kiểu châu Âu nếu không sắp xếp được các mảng, đường nét trung chuyển tạo sự hài hòa chung cho hai phong cách văn hóa khác nhau, nên dành hẳn một không gian riêng để… hội nhập văn hóa. Các kiểu thức nghệ thuật không cùng nguồn gốc vẫn có thể đứng cạnh nhau, cùng bổ sung, làm phong phú thêm cách diễn tả của nghệ thuật thánh. Công đồng Vatican II đã mở rộng cánh cửa hội nhập, đón nhận mọi bản sắc văn hóa địa phương, như một khuyến khích, gợi mở…Nhà Chúa xây dựng theo kiến trúc bản địa, hòa nhập nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc vẫn luôn được trân trọng. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo trong quá trình phát triển đã hình thành một kiểu kiến trúc riêng, như một biểu tượng đặc thù: Chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo, Chính thống, đền thờ Hồi giáo… Ngay như tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ cũng đã khác nhau: Bên trầm mặc, bên thánh thót, gọi mời. Bởi vậy khi thể hiện hướng hội nhập văn hóa trong kiến trúc thánh đường Công giáo – từ hình dạng bên ngoài đến nội thất bên trong- không nhất thiết mô phỏng, sao chép các kiểu dáng kiến trúc đình chùa, làng xã Việt Nam. Đôi khi chỉ là những đường nét khơi gợi, phảng phất chút dáng Việt trên nền kiến trúc châu Âu, đương đại, cũng đủ tạo cảm xúc gần gũi cho những ai nặng lòng với văn hóa dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa đối với các nền văn hóa dung hợp như nước ta.
800 năm trước khi xây dựng nhà thờ Đức Bà Paris, nhiều người hỏi các kiến trúc sư trang trí vô số tượng thánh, phù điêu, hoa văn rất tinh xảo tận trên những ngọn tháp cao 96 mét kia làm gì, có ai thấy đâu và được trả lời rằng có Chúa thấy! Đúng vậy, nhưng với tài trí, sức lực con người làm sao chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa những công trình xứng với tầm vóc của Ngài? Trong thực tế, giữa con người với nhau, cái “ý ngay lành” kia lắm khi đã biến dạng thành những cuộc ganh đua, phô trương phù phiếm. Viên gạch của bà góa, bức phù điêu hàng trăm triệu của nhà doanh nghiệp đóng góp vào nhà Chúa chỉ có ý nghĩa khi chúng không còn là những khối mảng kiến trúc, những hình nét nghệ thuật mà đã trở thành một không gian tâm linh, một bến bờ hy vọng giữa cộng đoàn xứ đạo, nơi mỗi người tín hữu đều có chỗ trong nhà Cha, hết thảy đan kết, lan toả trong niềm tin. Từ đây nhà Chúa là hiện thân của “Đồng cỏ xanh tươi, dòng nước trong lành…”, nơi “Người cho tôi nằm nghỉ và bổ sức cho tôi”.
Dù nguy nga giữa phố phường sầm uất hay nghèo nàn nhỏ bé nơi xóm đạo miền quê, mong sao ngôi thánh đường mãi như một mái nhà chở che, chờ đợi…Giữa bao tất bật, ngược xuôi cho cuộc mưu sinh, giữa bao nặng trĩu lo toan, lòng người tín mộ cũng như lòng nguội lạnh – có khi dễ chừng đã mấy mươi năm – nhiều khi muốn quay về, ngồi im dưới mái nhà… Có thể là chỉ ngồi im, không làm gì cả, nhưng cũng đủ nhẹ vơi đi…
Nguồn: www.exlurosaigon.net