Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

NÊN MỘT | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA BA NGÔI B
(Mt.28,16-20)
***
NÊN MỘT

16 Khi ấy mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

_______________

SUY NIỆM

NÊN MỘT

 

Chỉ một Chúa

Người Công giáo hầu hết ai cũng biết câu chuyện về thánh Augustinô đi dạo bên bờ biển suy niệm về Chúa Ba Ngôi. Thánh nhân không ngừng tự hỏi trong lòng: “Vì sao lại chỉ có một Chúa mà có Ba Ngôi. Vì sao có Ba Ngôi mà chỉ một Chúa?”

Một hôm, Thánh Augustinô đi dạo trên bãi biển giữa cảnh trời đất bao la, biển rộng mênh mông suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng Ngài thấy một em bé trai đang loay hoay chạy đi chạy lại, tay cầm một cái vỏ sò chạy đi múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ trên cát.

Dừng lại quan sát em bé hồi lâu, Thánh nhân liền đến hỏi:

– Bé ơi ! bé đang làm gì đó ?

– Cháu muốn múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này cho đầy.

Thánh nhân nhìn em bé mỉm cười dịu dàng nói :

–  Cháu không thể làm như vậy được đâu !

– Chú bé đáp lại : Vậy mà cháu làm việc này còn dễ hơn việc ông đang nghĩ.

Nói xong, chú bé biến mất.

Lúc này thánh nhân mới bừng tỉnh và nhận  ra rằng : Thiên Chúa nhắc cho biết trí khôn loài người không thể nào hiểu thấu đáo hết được Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta tin vào Tin Mừng của Ngài, vào mạc khải Ngài trao ban cho nhân loại.

Chúng ta đón nhận  những điều Ngài đã giảng dạy. Phần còn lại là sự suy ngẫm của ta qua ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Sự tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là đi tìm những hình ảnh cụ thể để so sánh minh họa về Chúa Ba Ngôi, những hình ảnh minh họa nếu có, chỉ là để ta hiểu được phần nào như một khung trời nhỏ đang trong tầm mắt giúp ta hình dung một vũ trụ bao la mà ta không thể nào “thấy” và “hiểu” được trọn vẹn.

Chúa Giêsu đã từng “mở mắt” để chúng ta được “thấy” Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu mạc khải về Chúa Cha.

“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).

“Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15).

“Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10).

“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).

Chúa Giêsu cũng đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần:

“Cha sẽ ban cho các anh một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).

“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26).

“Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26).

Điều này giải thích đầy đủ ý nghĩa của những lời của Thầy: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13).

Qua mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta nhận biết rõ ràng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong giới hạn hiểu biết của phàm nhân, ta không nên lấy bất cứ một hình ảnh gì để diễn tả hoặc so sánh với Thiên Chúa Ba Ngôi, vì sự so sánh nào cũng có thể dẫn đến một sự ngộ nhận nguy hiểm.

Điều mà chúng ta nắm chắc ở đây, đó là tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Và chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua niềm tin vững vàng vào Đức Ki tô, Đấng đã mạc khải trọn vẹn cho chúng ta Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa.

“Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. (Ga.12,44-45).

Chỉ một tình yêu

 

Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu cao cả tuyệt đối đến mức Ba Ngôi Vị trở nên một. Và, tình yêu ấy không đóng khung trong “Gia Đình Ba Ngôi”, mà, vì là một tình yêu dồi dào sung mãn, nên tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi như nguồn suối trào tràn đến muôn loài thụ tạo, con người và vạn vật, nguồn tình yêu bất tận, đem lại cho nhân loại hạnh phúcvạn vật tươi đẹp muôn màu.

Với nhân loại, điều mà Thiên Chúa nhắm tới trong Chương Trình Cứu Rỗi của Ngài là trao ban cho nhân loại niềm hạnh phúc đích thực, bằng việc đem nhân loại quay về hòa mình vào nguồn Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, như những cành cây phải liền với cội nguồn của nó. “Nhành nào lìa cây sẽ khô héo”. (Gn 15,5).

Không có bất cứ một cội nguồn nào có thể đem lại cho nhân loại nguồn vui sống bền vững, cũng như không có mẫu mực tình yêu nào có thể đem lại cho nhân loại niềm vui sống đích thực, cho hôm nay và mãi mãi, ngoài mẫu mực tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một.  Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 20-23).

Vì, để yêu thương đến mức “nên một”, đòi hỏi một tình yêu cao cả, bao dung, hy sinh, vị tha, và bền vững trước mọi thử thách.

Thiên Chúa yêu thương con người, tạo dựng con người, cứu chuộc con người, chăm sóc và thánh hóa con người. Không có lịch sử của một vị thần thánh nào có những trang sử yêu thương huyền diệu và gần gũi đến như thế,goài lịch sử của Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho con người.

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8).

Ở đoạn kết Tin Mừng hôm nay, ta nghe lời Chúa hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt.28,20).

Radermakers chú giải câu nói kể trên của Chúa Giêsu như sau: “Đoạn kết Tin Mừng trả lời cho đoạn mở đầu; đó là một bao hàm vĩ đại, con người Đức Giêsu mở một chiều kích phổ quát trên toàn thể lịch sử nhân loại, mà vẫn không quên nguồn gốc xác thân của Người đâm rễ trong thời gian và không gian (Au fil de l’évangile selon saint Matthieu, lnstitut d’etudes Théologiques, Bruxelles, 1974, trang 362).

Cho dù thế nào đi nữa, Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mãi mãi tồn tại trong thế gian, cho con người tình yêu và niềm hy vọng. Tất cả đều được kiện toàn nơi Giới Luật Yêu Thương của Đấng Cứu Thế.

Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (Mt. 5, 17-18)

Có một câu nói giúp chúng ta suy ngẫm: “Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa. Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn, bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”

Vâng, sẽ gặp chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu, trong chính tâm hồn của những con người được Thiên Chúa yêu thương. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc.2,14).

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Xin cho chúng con, dù bất xứng…
“được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô,
đầy tình thương của Chúa Cha
và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (1Cv 13,13).

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Xin cho Thế giới hôm nay,
Hiệp nhất trong một tình yêu Thiên Chúa,
và cùng dâng lên lời ca tụng Thiên Chúa đến ngàn đời,

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
______________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/655-le-chua-ba-ngoi-nguon-tinh-yeu

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button