Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Chạnh Lòng Thương | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.14,13-21)
****

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

13 Khi được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” 16 Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! “18 Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!” 19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

__________________

SUY NIỆM

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

CƠN ĐÓI VẬT CHẤT

Thế giới ngày nay xem ra có vẻ rất giàu có và sung túc. Nhưng, sự giàu có ấy lại không được phân phối đều nhau mà chỉ tập trung vào một số người, chiếm tỷ lệ rất thấp trong thế giới.

Nhiều nước trên thế giới quá nghèo, và một số nước trên thế giới quá giàu.

Ngay trong những nước giàu có, cũng có rất đông những người quá nghèo khổ.

Sự nghèo khổ trước hết là thiếu lương thực. Bao giờ cũng vậy, lo cái ăn trước đã. Nếu ăn còn chưa no thì còn tha thiết gì đến mua sắm tiện nghi. Nên khi thiếu lương thực, thì đồng nghĩa với việc thiếu thốn tiện nghi, ngay cả những tiện nghi tối thiểu để sống xứng với phẩm giá con người.

Thiếu lương thực, sinh ra đủ thứ vấn đề, bệnh hoạn, thiếu thuốc men, những tệ nạn xã hội, chiến tranh, loạn lạc…

Trong một thế giới mà con người tự hào là tiến bộ, chúng ta vẫn nghe chua xót làm sao những tin tức và hình ảnh thương tâm từ sự nghèo đói:

Thứ Năm, 21/07/2011

Thảm họa thiếu lương thực đe dọa châu Phi
(Dân trí) – Tình hình thiếu lương thực ở châu Phi đang rất nghiêm trọng: từ Ethiopia, Somalia, Djibouti đến Kenya. Tồi tệ nhất là tại nam Somalia – nơi đang bị nạn hạn hán nặng nhất kể từ hơn nửa thế kỷ qua, khiến LHQ vừa phải tuyên bố nạn đói tại khu vực này.

(Ảnh: Một em nhỏ bị suy dinh dưỡng đang được điều trị tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia).

Theo LHQ, tình hình ở nam Somalia nghiêm trọng đến mức mỗi ngày có hàng nghìn người bỏ làng để tìm đến các trại tị nạn. Trong số những người chạy nạn, hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Do hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, giá thực phẩm không ngừng leo thang. Tại thủ đô Mogadishu của Somalia, một bao ngô 50 kg hiện tại được rao bán 40 euro, trong khi năm ngoái chỉ có 5 euro. Giá này đã vượt xa tầm tay người dân của một đất nước vốn bị điêu tàn sau 20 năm nội chiến.

Số ca nhập viện do kiệt sức vì đói ngày càng cao.

Trước thực trạng đó, LHQ hôm qua đã phải công bố nam Somalia lâm vào nạn đói. LHQ nói rằng tình hình nhân đạo ở Bakool và Lower Shabelle ở miền nam đã xấu đi nhanh chóng.

Gần một nửa dân số Somalia – 3,7 triệu người – đang trong tình trạng khủng hoảng, mà trong đó ước tính khoảng 2,8 triệu người là ở miền nam. Hơn 166.000 người Somali tuyệt vọng tìm cách bỏ chạy sang các quốc gia láng giềng Kenya và Ethiopia.

Đây là lần đầu tiên nước này lâm vào nạn đói kể từ 19 năm qua. Hạn hán, xung đột kết hợp với nghèo đói đã tạo ra những điều kiện cần thiết để gây nên nạn đói.

LHQ cũng phân tích mức độ nghiêm trọng của tình hình thiếu đói tại Djibouti, Kenya và Ethiopia.

Việc LHQ phải công bố “nạn đói” có nghĩa là cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực này khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng xấp xỉ 40% dân số, và phải có từ 1 đến 5 người trên 100.000 người bị chết đói mỗi ngày, kèm theo đó, là hiện tượng chạy nạn ồ ạt và bán tháo tài sản và súc vật.

Từ “nạn đói” là một từ rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Vì thế, các tổ chức quốc tế ít khi dùng. Lần LHQ công bố nạn đói gần đây nhất là vào năm 1992, cũng tại Somalia. (Việt Hà, theo AFB, BBC)

CƠN ĐÓI TÂM LINH

Cơn đói vật chất không hẳn đến từ việc thế giới thiếu lương thực, nhưng còn  đến từ việc thế giới thiếu Tình liên đới.

Vì thiếu tình liên đới, người ta lạnh lùng, không quan tâm đến nhau, mạnh ai nấy sống. Người thì quá sung túc giàu sang, kẻ thì quá cùng khốn cơ hàn. Không có tấm lòng đùm bọc lẫn nhau. Không có sự chia sẻ.

Thế nên, khi nghe ở đâu đó có một câu chuyện về lòng tốt, người ta truyền tay nhau một cách trân trọng, nó trở nên bài học quý giá, hàng quý hiếm”, vì thời buổi này, lòng tốt quả thực rất “hiếm có” !

Thí dụ câu chuyện về cậu bé 9 tuổi ở Nhật trong trận thiên tai vừa qua, câu chuyện trở nên quá quen thuộc mà cư dân trên mạng ai ai cũng biết:

Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.

Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu. (Bài viết gửi từ địa chỉ lemac@yahoo.com)

Việc làm của cậu bé này làm tôi liên tưởng ngay đến em bé đã đóng góp phần ăn của mình trong phép lạ bánh hóa ra nhiều này.

Một trong các môn đệ là ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga.69).

Con người không có tình liên đới vì con người thiếu Tình Thương.

Thiếu tình thương, lòng người trở nên trống vắng, cô đơn.

Sống trong cuộc đời, ai cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Năm ngón tay ngắn dài, mỗi người mỗi số phận. Người ta cần hỗ trợ, đỡ nâng nhau. Không ai là một hòn đảo.

Mảnh đời nào cũng có sự yếu đuối và có sự mạnh mẽ, yêu và được yêu, thứ tha và được tha thứ. Mảnh đời nào cũng có ánh sáng và bóng tối, niềm tự hào và nỗi ân hận. Không ai là hoàn hảo.

Đối với bạn đọc yêu thích văn học, chắc có lần bạn hình dung sự cô đơn, lầm lũi một mình như “Lão bán cũi”, là tên một câu chuyện ngắn của  Ivo Andric, nhà văn Nam Tư, giải Nobel văn học 1961. (xem trọn câu truyện Lão bán cũi).

Thật đau khổ và lạc lõng biết bao khi “Thế giới đông người, nhưng… chỉ thấy riêng ta !”.

Mỗi mảnh đời, đều có những khoảng lặng riêng.
Nên nhìn vào mảnh đời nào, cũng có thể “chạnh lòng thương” !

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Mọi người trên thế giới này đều đói. Thế giới đang đói Tình Thương.

Ta khát (Ga.19,28).
 

Con người chỉ no đủ, khi con người no đủ tình thương. Chỉ có Tình Thương mới lấp đầy mọi khoảng trống vật chất, tinh thần và tâm linh của con người.

Chỉ khi nào con người khi nhìn vào tha nhân biết chạnh lòng thương”, và biết hành động vì yêu thương như Chúa Giê-su, con người mới thật sự “ấm no hạnh phúc”
.
Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ (Mt.14,14).

Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không người chăn đắt (Mc. 6,34).

Khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa”. Rồi người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Ðức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ.(Lc.7.11-15).

Thứ “ấm no hạnh phúc” không phải có được từ tranh giành, cấu xé, cá lớn nuốt cá bé, chiếm đoạt, bạo lực chiến tranh như phần lớn thế giới hôm nay.

Khi máu và nước mắt còn đổ vì hận thù, thì ấm no hạnh phúc chỉ là một thoáng mong manh vô nghĩa.

Chỉ có thứ “ấm no hạnh phúc” vì đồng loạicùng đồng loại mới đem lại cho thế giới thứ ấm no hạnh phúc đích thực và bền vững trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Thiên Chúa.

Khi ta đói các ngươi cho ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta trần truồng các ngươi cho Ta mặc, Ta bệnh các ngươi viếng thăm Ta.” (Mt 25:35-36).

Lạy Chúa,

Xin “cất khỏi lòng con quả tim bằng đá
ban cho nó một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26).

Một quả tim biết chạnh lòng thương
– một tình thương như Thầy Giê-su. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button