Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

ĐÔI MẮT ĐỨC TIN | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH B
(Ga 20,19-31)
****
ĐÔI MẮT ĐỨC TIN

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”  (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.  (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
(26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” (27) Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
_________________
SUY NIỆM
ĐÔI MẮT ĐỨC TIN
Trong một cuộc chiếc tranh ác liệt, người chồng từ chiến trường về. Anh suýt chết cháy trong lửa đạn, gương mặt anh bị cháy nám đen hơn một nửa, và đã biến dạng hoàn toàn khác gương mặt trước đây của anh.
Trở về quê hương, muốn thử lòng người vợ trẻ xinh đẹp trước đây, anh giả dạng người hành khất, trong bộ đồ tồi tàn, và cái nón rách rưới.
Lúc ấy, trời đã đúng ngọ, anh đến trước cửa nhà, gọi bà chủ. Vợ anh bước ra, vẫn như ngày nào, xinh đẹp và hiền hòa. Anh cố dằn cơn cảm xúc :
– Thưa bà, tôi đang rất đói, xin bà cho chút cơm nguội đỡ lòng, rất cám ơn bà.

Bà nhìn anh, không tỏ có một phản ứng gì khác thường, bình thản nói:
– Xin lỗi, nhà không còn cơm, ông ngồi nghỉ, chờ một chút nhé.

– Vâng, cám ơn bà !
Làm bữa cơm xong, dọn lên, bà đến mời ông:
Đã trưa lắm rồi chắc ông đói lắm, mời ông dùng bữa cơm đạm bạc.
– Vâng, rất cám ơn bà, xin phép bà.
Người phụ nữ ngồi xa xa tiếp chuyện người hành khất.
Trước khi ăn, ông quay nhìn lên bàn thờ ông bà đặt giữa nhà, ngừng trong chốc lát rồi dùng cơm. Người phụ nữ bắt gặp cử chỉ của ông, bà nhìn ông chăm chú. Họ nói chuyện với nhau lư thưa vài lời…
Bất ngờ người hành khất nhìn bà, lúc ấy người phụ nữ vẫn đang chăm chú nhìn ông. Đôi mắt họ chạm nhau trong cái nhìn đầu tiên mà như quen thuộc từ thuở nào…
Giây phút im lặng đến, và không gian thu nhỏ chỉ còn trong đôi mắt.
– Anh… anh…anh đây mà !
Khi còn ở quê nhà trước khi tòng quân. Anh có thói quen bao giờ trước khi ăn cơm anh cũng nhìn lên bàn thờ, nâng chén cơm lên và cúng vái ông bà. Trở về mái nhà thân yêu, đóng vai một người khách lạ, nhưng khung cảnh gia đình đầm ấm ngày nào đã làm anh không thể là người ngoại cuộc để đón trọn vai của người hành khách xa lạ…
Vợ anh đã nhận ra anh qua cử chỉ rất quen thuộc ấy, và ánh nhìn của “đôi mắt yêu thương” đã đưa chị bước vào tâm hồn của anh, không thể lầm lẫn là ai khác, chính là anh, người chồng mà chị đang mỏi mòn chờ đợi trong nỗi lo âu thời chinh chiến !
Thấy mới tin
Sau năm 1975, nhiều người tự xưng “vô thần” luôn tìm cách đả phá tôn giáo, xem như đó là cái “mode” thời đại, thường bảo rằng có thấy Chúa đâu mà tin Chúa. Thí dụ mẫu đối thoại sau đây:
– Mấy người tin Chúa, Chúa không thấy thì làm gì có mà tin ?
– Xin lỗi, ông có ông cố, ông sơ không vậy ?

– Có chứ !
– Ông có tổ tiên không ?

– Có chứ !
– Ông thấy họ không ?
– (Im lặng…)

Ngay cả nhiều lãnh tụ mà nhiều kẻ suy tôn như thần thánh – trong đó có quý ông đấy – họ chỉ nghe ca ngợi tôn vinh qua sách vở hay chuyền miệng, chẳng hề thấy bao giờ, nhưng họ có đã lần nào “tai nghe mắt thấy” chưa?
– (Im lặng…)

– Sao họ – và các ông –  lại có thể tin những người đó có thật ?

Có mắt mà không thấy
Đối với vật chất, những thứ nằm ngay trước mắt, mà nhiều người đang sáng mắt vẫn còn chưa “thấy”, chứ đừng nói gì đến người những thứ giá trị tâm linh thiêng liêng cao cả.
La-da-rô nghèo đói mình đầy ghẻ lở lói ngồi ngay ở thềm nhà mà phú ông “không hề thấy”. (Lc 16, 19-31)
Mấy ông thầy tu ôm Kinh Thánh qua lại, mà một người lâm nạn giữa đường đang nằm bán sống bán chết ngay trước mắt, nhưng họ “không hề thấy”… (Lc 10:29-37)
Những cái “thấy” đó, nó đòi hỏi phải thấy từ… “con tim”, từ “đôi mắt tâm hồn”.
Không có một tâm hồn giàu lòng nhân ái, biết yêu mến Chúa, biết yêu mến tha nhân, thì làm sao “thấy được” những gì đang đi ngược lại những điều Chân Thiện, và hiểu được những nỗi đau thương, nghe được những tiếng thở dài từ tha nhân đang quằn quại trong thương tích ?
Có được “đôi mắt tâm hồn”, con người mới có được “Đôi mắt Đức Tin”.
Đôi mắt Đức Tin
Việc đời, đòi hỏi của Tô-ma là hợp lý. Đó là cách sống thực tiển. Bởi cuộc đời gian xảo muôn hình dạng trạng, “thấy mới tin”, hay phải “tai nghe mắt thấy”, mới tin, là điều cần thiết.
Nhưng, đó là chuyện “việc đời”,chuyện “thường tình của con người”, chuyện tâm linh, chuyện Đức tin thì lại khác, khác rất xa !
Ngay cả “việc đời”, chuyện “tai nghe mắt thấy”, chuyện “cân đong đo đếm” được, chuyện “sờ sẫm rờ rẫm” được, đã chính xác chưa ? Ai cũng biết câu chuyện “người mù sờ voi”, con voi được biến dạng từ bàn tay và óc tưởng tượng của họ !
Nhân buổi vắng khách, năm ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình dáng con voi thế nào ? Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm ông thầy chung nhau tiền biếu người quản tượng, xin được xem voi. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy sờ chân và thầy thì sờ đuôi. Đoạn, năm thầy ngồi lại tán với nhau.
Thầy sờ vòi bảo :
Tưởng con voi thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa ấy, các bác ạ.
Thầy sờ ngà bảo:
Không phải, nó chần chẫn như cái đòn cân.
Thầy sờ tai bảo:
Đâu có, nó bè bè như cái quạt thóc ấy.
Thầy sờ chân bảo:
Ai bảo, nó sừng sững như cái cột nhà.
Thầy sờ đuôi vội nói:
Các thầy nói đều không đúng cả. Chính là nó tua tủa như cái chổi sể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai chịu ai, cuối cùng thành ra xô xát, đánh nhau toạt đầu, chảy máu.

Chuyện hiểu biết cuộc đời lắm khi là vậy. Nào đâu chắc ta thấy hết mọi phương diện cuộc đời.
“Các điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước. Các điều chúng ta không biết là cả một đại dương” (Newton)
Chuyện vật chất hữu hình còn như thế huống chi chuyện tâm hồn.

Sông sâu còn có kẻ dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người !
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. (Vẽ cọp, vẽ được màu da, làm sao vẽ được tinh chất. Biết người, biết được mặt, làm sao biết được tấm lòng).
Chuyện tâm hồn còn hạn chế như vậy, nói chi đến chuyện tâm linh, chuyện Đức Tin.
Lấy hiểu biết con người làm thước đo chính con người còn chưa được, nói chi đến chuyện thần thánh.
Phúc thay những người không thấy mà tin!
Chúa Giê-su không nói đến chuyện cách ở đời. Ngài không dạy “không thấy mà tin” những thứ dư luận, lời hứa hẹn của chính khách, của tình đời, những trò quảng cáo, những thứ gian xảo thuộc về thế gian…
Lưu Cơ một lần ghé qua chợ ở Hàng Châu, thấy một anh bán hoa quả khéo để dành cam được lâu mà không bị ủng. Vỏ cam lúc nào cũng vàng óng. Giá đắt, nhưng thiên hạ vẫn cứ tranh nhau mà mua. Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về, bóc ra, hơi xông nồng nặc, múi cam như bông nát. Bực mình, ông liền đem ra chợ, hỏi người bán cam:
– “ Anh bán cam cho người ta để làm lễ cúng tế, để đãi khách hay anh chỉ làm cho bóng bảy bên ngoài để đánh lừa người ta? Anh tệ thật! Anh giả dối lắm!”
Anh bán cam cười, nói:
-“ Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi. Ông thật không chịu nghĩ đến nơi! Này ông thử xem: người đeo mảnh ấn khắc con hổ, ngồi trên nệm da hổ, hùng dũng trông ra dáng Quan Võ coi việc binh lính lắm, nhưng không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường đường trông ra dáng Quan Văn coi việc cai trị lắm, kỳ thực có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ cực không biết cứu, quan lại gian tham không biết trừng trị, luật pháp hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, lại đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cuả qúi, oai vệ, hách dịch vô cùng! Ông thấy đó: bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc mà bên trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi!”
Lưu Cơ nghe nói thế, im lặng ra về. 
Ngay cả trong Tôn Giáo, cũng đừng vội tin vào thứ đạo đức giả hình của nhiều kẻ mang vẻ ngoài của bậc chân tu mà hoàn toàn dối trá.
Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (Mt.23,1-12).
Chúa Giê-su muốn mọi người tin vào Ngài nhờ vào “Đôi mắt Đức tin”. “Đôi mắt” ấy nhận được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi. “Không thấy” bằng đôi mắt thể xác phàm nhân, nhưng “thấy” bằng đôi mắt Đức Tin của ánh sáng Lời Chúa.
Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga.20,18-19).
Giác quan của con người phàm phu tục tử đối với chuyện đời còn chưa hiểu hết, làm sao thấu hiểu những Mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa ?
Con người không thể vươn cao, không thể đến với Đức Tin, gìn giữ Đức Tin, nuôi sống Đức Tin, nếu không thoát ra khỏi tầm mắt hạn hẹp tăm tối của mình.
Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó !(Ga.9,40).
Lạy Chúa,
Cho con được ân phúc “không thấy mà tin”,
giữa biết bao mây mù trong cuộc đời tăm tối.
Xin chiều chuộng và tha thứ cho con,
những lúc con muốn được sờ vào những vết thương của Ngài,
vì Ngài hiểu rằng con luôn yếu đuối…
Xin thương con, như Ngài vẫn thương Tô-ma…
khi còn đây những khoảng lặng tăm tối của đời con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
_______________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/630-chua-nhat-02-psb-neu
 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button