Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Dừng chân trong 3 Ngày Thánh | NVT

DỪNG CHÂN TRONG 3 NGÀY THÁNH

Bạn có thể tìm những bài suy niệm sâu xa về Tam Nhật Vượt Qua trong Tuần Thánh ở nhiều tài liệu phong phú và trong nhiều trang Web. Ở đây, chỉ muốn đưa ra một vài hình ảnh đời thường, đơn sơ và thực tế,  để gợi cho chúng ta thêm chút suy tư trong những giờ phút tĩnh lặng của Tam Nhật Vượt Qua – 3 ngày cực thánh.

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

TÌNH YÊU.

   

Ở thị xã biên giới HN, có một câu chuyện thương tâm xảy ra.

Một đôi nam nữ yêu thương nhau. Người mẹ không đồng ý vì chê anh chàng này không biết làm ăn. Mẹ cô gái là một người đàn bà có tài kinh doanh, bà mất chồng, nhưng bà vẫn tiếp tục gầy dựng nên sự nghiệp giàu có. Lúc đó, bà chỉ có với người chồng đã mất một đứa con gái duy nhất. Bà vô cùng thương con. Bà muốn tìm cho con một người chồng xứng đáng theo ý của bà.

Và, bà đã thực hiện được điều bà muốn. Bà chọn được cho con gái bà một chàng trai có đầu óc kinh doanh như bà và bà cùng với con rể tiến xa trong công việc làm ăn và không ngừng thành đạt.

Trong nhà, bà có tài xế riêng, và tài xế riêng ấy lại chính là người tình cũ của con gái bà. Không hiểu sao bà lại có hành động như vậy.

Con rể bà cũng hiểu được chuyện tình cũ của vợ mình, nhưng anh ta vẫn im lặng. Bà mẹ vợ quá thương anh, đã xây cho vợ chồng anh một căn phố cả tỷ bạc.

Bà mẹ vợ một mặt dùng  cậu  tài xế, một mặt ra sức cấm đoán chuyện dan díu của cậu ta với đứa con gái của mình, nhưng một hôm, chuyện đổ bể ra, để giải quyết êm không cho rùm beng ở nhà, bà bảo cậu tài xế đi Sài Gòn có công chuyện, lên đó, bà cho bọn xã hội đen dạy cho cậu tài xế ấy một bài học nên thân, rồi đuổi việc luôn.

Anh chàng tài xế về nhà, rồi chờ cơ hội bà và con rể đang có chuyến làm ăn vắng nhà, rủ con gái bà đi ăn, rồi sau đó vào nhà trọ. Hai đứa đều chết trong nhà trọ.

Nghe nói chàng tài xế đã tẩm thuốc độc vào thức ăn, giết chết con gái bà chủ để trả thù cách đối xử cùa bà đối với anh ta, và anh ta cũng tự tử, vì cùng ăn bữa ăn ấy với người yêu cũ của mình. Đó là bửa ăn cuối cùng của hai kẻ yêu nhau.

SUY NGẪM

Tình yêu của người đời đục trong thật khó lường.

Cách yêu của người đời trắng đen cũng khó tỏ.

Trong câu chuyện có rất nhiều điều ta phải đặt ra câu hỏi “Tại sao…”. Sao bà mẹ cô gái ấy lại có những hành động khó hiểu thế? Cách yêu con của bà mẹ như thế có ổn không? Người tình cũ của cô gái có thật sự yêu bạn mình không? Anh chàng tài xế không thể thăng hoa tình yêu của mình để vui với hạnh phúc của bạn mình sao ? Bữa ăn cuối cùng của anh tài xế mang đầy thù hận và một tình yêu ích kỷ…

Còn tình yêu của Chúa Giêsu thật cao cả, trong veo, tinh tuyền, không chút gợn đục. Ngài mất đi tất cả, cả mạng sống của mình, chỉ để đổi lấy việc con người được sống và sống hạnh phúc viên mãn.

Bữa Tiệc Ly là mở đầu cho ngày đoàn tụ. Trong bữa tiệc ly tràn ngập tình yêu, là suối nguồn của sự sống. Tình yêu cho nhau và vì nhau. Chúa Giêsu quỳ rửa chân cho các môn đệ. Tấm gương  tất cả mọi người đều là nhỏ bé để trở nên cao cả trong Chúa Kitô. Bí tích Thánh Thể – bí tích Tình Yêu – đem lại cho con người một thế giới huynh đệ trước khi con người bước vào Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Thiên Chúa.

Thế mới là yêu. Tình yêu nào đem tới sự hủy diệt làm sao có thể gọi là tình yêu.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

CÁI CHẾT

Đây là câu chuyện có tựa là Người Cha, của BJORNSTJERNE BJORNSON, nhà viết kịch Na Uy. Giải Nobel văn học 1903.

Người cha

Bjornstjerne Bjornson

Nhân vật chính của câu chuyện này là Thord Orerass, người đàn ông giàu có và có thế lực nhất trong xứ đạo. Một hôm, ông ta xuất hiện trong phòng cha xứ, dáng người cao, điệu bộ trang nghiêm. 
– Vợ con vừa đẻ con trai – ông ta nói. – Con muốn làm lễ rửa tội cho nó. 
– Ông đặt tên cháu là gì? 
– Rinn. Theo tên của cha con. 
– Thế còn người đỡ đầu? 
Tên cha mẹ đỡ đầu của đứa bé được đọc lên và đó đích thực là những con người đáng quý nhất trong số bạn bè thân thích của Thord quanh xứ đạo. 
– Còn gì nữa không? – Cha xứ ngước lên hỏi. 
Người nông dân do dự một chút, cuối cùng, ông ta nói: 
– Con muốn tổ chức lễ rửa tội riêng cho một mình thằng bé. 
– Nhưng vào ngày thường đấy chứ? 
– Thứ bảy tới, vào lúc 12 giờ trưa. 
– Còn gì nữa không? – Cha xứ hỏi. 
– Chỉ có vậy thôi, thưa cha. – Người nông dân sửa lại mũ, định đi ra. 
Bây giờ cha xứ mới nhổm dậy: 
– Dù vậy, vẫn còn một điều nữa – Cha xứ tiến về phía Thord, cầm tay và nhìn vào mắt ông ta, nói một cách trang trọng: – Ơn chúa, thằng bé có thể sẽ là phúc lành đối với ông! 

Mười sáu năm sau…

Mười sáu năm sau Thord lại đến gặp cha xứ. 
– Thật kỳ lạ, năm tháng chẳng có tác động gì tới ông!-Cha xứ nói, bởi ông nhận thấy Thord chẳng thay đổi chút nào. 
– Đó là vì con không có điều gì phiền muộn – Thord đáp. Nghe vậy, cha xứ không nói gì, nhưng một lát sau ông nói: 
– Tối nay ông có điều gì vui thế? 
– Tối nay con đến phiền cha về lễ biên tín ngày mai cho thằng bé. 
– Cậu bé sáng dạ lắm. 
– Con sẽ chưa trả tiền nếu chưa được biết số thứ tự của thằng bé tại nhà thờ ngày mai. 
– Cậu ta sẽ là số một. 
– Vậy là con đã nghe. Đây là mười đô-la, thưa cha. 
– Ông có cần tôi giúp gì nữa không? – Cha xứ hỏi, mắt vẫn nhìn Thord không rời. 
– Chỉ có vậy thôi, thưa cha. 
Thord đi ra. 

Thêm tám năm nữa trôi qua.

Một hôm, cha xứ nghe thấy ngoài cửa những tiếng ồn ào của một toán người đang tiến lại gần. Thord dẫn đầu, bước vào trước tiên. 
Cha xứ ngẩng lên và nhận ngay ra ông ta. 
– Tối nay ông mang theo tùy tùng đầy đủ quá, ông Thord ạ – Cha xứ nói. 
– Con đến để yêu cầu đăng bố cáo về đám cưới thằng bé nhà con. Nó sắp lấy cô Karen Storliden, con gái ông Gudmund, người đang đứng cạnh con đây. 
– Thế ư? Đó là một cô gái giàu nhất trong xứ đạo. 
– Mọi người đều nói vậy – Người nông dân nói và đưa một tay hất mái tóc ra phía sau. 
Cha xứ ngồi yên một lúc, dường như suy nghĩ rất lung, sau đó ghi tên vào sổ, không bình luận gì thêm. Mấy người đàn ông đó ký tên bên dưới. Thord đặt ba đô-la lên bàn. 
– Tôi chỉ lấy một đô-la thôi – Cha xứ nói. 
– Con rất biết, nhưng con chỉ có một mình thằng bé. Vì thế, con muốn hào phóng với công chuyện của nó. 
Cha xứ nhận tiền. 
– Đây là lần thứ ba ông đến vì chuyện con trai, ông Thord ạ. 
– Nhưng bây giờ con sắp lo xong cho nó rồi – Thord nói và vừa gấp quyển sách bỏ túi vừa chào tạm biệt, đi ra. 

Toán người chậm rãi ra theo. 

Hai tuần lễ sau…

Một ngày ấm áp và lặng gió, hai cha con Thord chèo thuyền ngang qua hồ, đến nhà cô Storliden để sửa soạn cho đám cưới. 
– Tấm ván này không được chắc chắn – Anh con trai nói và đứng lên để chỉnh cho ngay ngắn chiếc ghế đang ngồi. 
Đúng lúc đó, tấm ván dưới chân anh ta bị trượt. Anh ta thét lên một tiếng, hai tay chới với rồi ngã nhào xuống nước… 
– Bám vào mái chèo – Thord kêu lên và vội vã chèo thuyền về phía con. 
Trong khi đó, người con trai đã lật ngửa, cố nhìn cha thật lâu rồi chìm nghỉm. 
Thord không thể tin ngay vào điều vừa xảy ra. Ông ghìm con thuyền bất động hồi lâu, mắt nhìn trừng trừng vào chỗ đứa con vừa biến mất, như thể anh ta chắc chắn sẽ lại nổi lên mặt nước. Tăm nước lác đác xuất hiện, nối tiếp nhau, cuối cùng một chiếc bong bóng lớn nổi lên, vỡ tung. Sau đó mặt hồ trở lại phẳng lặng và trong sáng như gương. 
Ba ngày đêm liền người ta thấy Thord chèo thuyền quần đảo trên hồ để tìm xác con, không ăn không ngủ. Mãi rạng sáng ngày thứ ba ông ta mới tìm thấy. Thord bế con trên tay, đi qua đồi, về đến tận vườn nhà. 

Có lẽ phải đến một năm trôi qua kể từ ngày hôm đó…

Một buổi tối mùa thu, cha xứ lại nghe ngoài hành lang có ai đó đang thận trọng rờ tìm chốt cửa. Cha xứ mở cửa, một người đàn ông cao, gầy, lưng còng, tóc bạc bước vào. Nhìn kỹ hồi lâu cha xứ mới nhận ra ông ta. Đó chính là Thord. 
– Ông dạo này chơi muộn thế! – Cha xứ nói rồi đứng lặng trước mặt ông ta. 
– Ồ, à vâng, đã muộn – Thord nói và ngồi xuống. 
Cha xứ cũng ngồi xuống ghế, chờ đợi. Tiếp theo là một bầu khí im lặng kéo dài. Cuối cùng Thord nói: 
– Con có một chút quà cho những người nghèo. Con muốn nó được coi như là di sản của thằng nhỏ nhà con. 
Ông ta đứng dậy, đặt gói tiền lên bàn rồi lại ngồi xuống ghế. Cha xứ đếm gói tiền. 
– Nhiều quá! – Cha xứ nói. 
– Đó là một nửa giá trị khu vườn. Con vừa bán hôm nay. 
Cha xứ ngồi yên lặng hồi lâu. Mãi sau ông mới hỏi bằng một giọng trìu mến. 
– Ông dự định làm gì bây giờ, ông Thord? 
– Một điều gì đó tốt đẹp hơn. 
Họ ngồi đó thêm một lúc nữa. Thord cúi mặt, còn cha xứ nhìn ông ta không rời mắt. Sau cùng, cha xứ cất tiếng dịu dàng và chậm rãi: 
– Tôi nghĩ, cuối cùng cậu con trai đã mang phúc lành thực thụ đến cho ông. 
– Vâng, chính con cũng nghĩ như vậy – Thord đáp và ngước nhìn lên. Hai giọt nước mắt to tướng từ từ lăn trên hai gò má.

Ngô Bích Thu dịch

SUY NGẪM

Ta vẫn thường nghe trong dân gian có câu: “người tính không bằng trời tính” – mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên – Man proposes but God disposes. 

Đời có luôn luôn cho ta thỏa mãn mọi ước mơ đâu, nên, trên bước đường đời này, niềm vui không phải là chuyện hoàn toàn được như ý muốn riêng ta, mà niềm vui chính là ta đã làm hết sức mình để vươn lên Chân-Thiện-Mỹ.

Vươn lên Chân-Thiện-Mỹ là nằm trong con đường Thiên Chúa, trong ánh sáng, trong sự sống của Ngài. Con đường ấy là con đường Giêsu, con đường Thập Giá.

Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. (Ga 14, 6).

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài. (Thánh Âu Tinh).

Nếu ta cứ mãi tìm Chúa ở ngoài –  thì tất nhiên ta ở ngoài “con đường Giê su – con đường của Chúa”.  Ở ngoài “con đường của Chúa” thì ta ở ngoài sự thật và cũng ở ngoài sự sống. Ở ngoài sự thật sao ta thoát khỏi được sai lầm ? Ở ngoài sự sống làm sao ta dám mơ ước trường sinh?

Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. (Thánh Âu Tinh).

Cuối cùng là giọt nước mắt sám hối, để ta nhận ra rằng mình đã cứ chạy theo những cao vọng trần gian, những thứ vây bọc ta hoàn toàn  làm ta “xa lìa Thiên Chúa”.

 

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

SỰ SỐNG

Sau đây câu chuyện “Chiếc lá vàng”.

Chị Maria Rosa đang rất buồn chuyện gia đình. Chồng chị làm ăn liên tiếp thất bại, cuộc sống gia đình thiếu thốn, tình vợ chồng lạnh nhạt, tâm hồn chị khô khan, đời sống tâm linh nguội lạnh, chị ít khi đến nhà thờ, và hình ảnh vợ chồng cùng đi lễ với đứa con gái từ lâu đã không còn nữa. Cuộc sống tẻ nhạt đến mức chị nghĩ đến ly hôn. Chị không còn tha thiết gì đến cuộc sống chung gia đình. Chồng chị cũng nhận ra điều đó. Anh buồn bã tìm giải sầu với rượu chè bè bạn. Giáo đường cũng trở nên xa lạ…  

Một hôm, chị đang ngồi chơi với đứa con gái duy nhất của chị – cô bé 3 tuổi – ở khu vườn sau nhà, chợt một chiếc là vàng rơi  ngay trước mặt cô bé, nó nhặt lên và nhìn chăm chú. Cô bé nói với mẹ.

Sao lá lại vàng vậy mẹ?

Vì nó đã chết, con ạ. Chị trả lời.

Sao mẹ biết nó chết?

Vì nó không còn màu xanh. Chị nhanh chóng đáp.

Mẹ nhuộm lá màu xanh cho nó sống lại đi mẹ.

Không được đâu con. Chị ngập ngừng nói.

Sao vậy mẹ, con thấy mẹ làm bánh có nhiều màu được mà?

Màu xanh chỉ là dấu hiệu nó còn sống chứ không phải là sự sống. Sự sống của nó ở bên trong. Chị kiên nhẫn giải thích.

Làm sao mẹ biết sự sống của nó ở bên trong vậy mẹ?

Vì thân cây lấy nhựa sống từ cội rễ truyền cho nó sự sống. Chị nói chậm rải.

Vậy mình nối kết chiếc lá vào thân cây cho nó được truyền sự sống đi mẹ.

Không được, nó đã đứt lìa khỏi nhành cây rồi con ạ. Chị buồn bả trả lời.

Không còn cách nào cho nó sống lại sao mẹ?

Chỉ còn phép lạ.

Làm sao biết có phép lạ hả mẹ?

Bao giờ con thấy chiếc lá tìm lại được màu xanh.

Ai làm được phép lạ này, mẹ?

Chúa đấy, con ạ.

Sau đó, cô bé đem chiếc lá vàng về phòng riêng của mình. Ngày nào cô bé cũng cầu nguyện xin Chúa làm phép lạ cho chiếc lá vàng tìm lại được màu xanh.

Phần người mẹ, sau buổi nói chuyện với con, người mẹ trẻ nhìn lại mình. Chị tỉnh thức vì chính những câu nói mà chị đã trả lời cho đứa con gái bé nhỏ yêu dấu của chị.

Rồi câu chuyện Chiếc lá vàng được kể lại cho người cha khi người cha tình cờ gặp chiếc lá vàng trong phòng đứa con gái bé bỏng của anh.

Một buổi tối người mẹ trẻ bồng con đến nhà thờ theo ý con gái để cùng  cầu nguyện cho chiếc lá vàng tìm lại được màu xanh.

Ở xa xa trong góc giáo đường, một bóng người đàn ông trẻ cũng  đang thầm lặng cầu nguyện. Không ai biết rằng anh ta cũng cầu nguyện cho một chiếc lá vàng tìm lại được màu xanh.

Và, cứ thế nhiều lần. họ cùng tìm đến Chúa.

Không phải chiếc lá vàng tìm lại được màu xanh, mà gia đình của họ tìm lại được màu xanh, niềm hạnh phúc ngay trong những ngày sóng gió.

Cô bé chắc có thể chưa vui vì chiếc lá vàng chưa có lại được màu xanh trong ước mơ ngây thơ của bé. Nhưng, rồi lớn lên cô bé sẽ hiểu, “chiếc lá vàng” của bé đã thật sự tìm lại được màu xanh, vì nó đem lại cho gia đình của bé màu xanh sự sống.

SUY NGẪM

 Đời không luôn luôn tươi xanh, và vẻ tươi xanh của cuộc đời chưa hẳn là hạnh phúc.

Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này vẫn còn đấy… (Bài không tên số 2. VTA).

Bao sắc màu cuộc sống đâu thể đáp lại thỏa đáng khát vọng của con người.

“Màu xanh chỉ là dấu hiệu nó còn sống chứ không phải là sự sống. Sự sống của nó ở bên trong.”

Biết bao kẻ giàu sang phú quý, công danh địa vị ngất ngưởng trên cao, nhìn thoáng qua thấy một màu xanh sức sống mãnh liệt, nhưng tâm hồn họ đã gần như tê liệt.

Đời đâu có gì dài lâu, bền vững, nhưng ta lại thường không nghe biết điều đó, không thấy được điều đó. Và vì thế, ta  reo vui hay sầu muộn với những cái được mất trong cuộc đời, mà không biết chiếm hữu lấy Chúa, tận hưởng, đói khát thứ hạnh phúc bền vững trong lành và ngọt ngào của Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa. (Thánh Âu Tinh)

Không có Chúa, đời ta không thể có được màu xanh sự sống đích thực. “Lòng người như lá úa”, trong đó cũng có lòng ta. “Chiếc lá úa” hay “chiếc lá vàng” đời người làm sao tìm lại được màu xanh nếu sống xa lìa Chúa. Ta tìm về Chúa, “đi tìm an bình nơi Chúa” ta mới tìm lại được màu xanh sự sống, ta mới được Phục Sinh cùng Chúa Giêsu Kitô. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button