Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Phải làm gì đây | NVT

SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C
(Lc.3,10-18)

PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?

10 Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” 11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” 14 Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
_____________

SUY NIỆM

PHẢI LÀM GÌ ĐÂY ?

Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc.3,10).

+ 1. Đổi mới con tim…  

Chúng ta thường nghe nói: “Nhật tân, nhật tân, nhật nhật tân”. Để cuộc sống tốt đẹp hơn, người ta luôn luôn đổi mới.

Trong lãnh vực tinh thần, và nhất là lãnh vực tâm linh, nếu bạn có niềm tin, vấn đề“đổi mới” càng cần thiết hơn nữa.

Sai lầm là thường tình của con người, nên việc “đổi mới” trước tiên là “sửa sai”. Sửa sai bước đầu là “sám hối”.

Trong Chuyện xưa tích cũ có câu chuyện đại ý như sau:

Có một vị chân tu đi về Đất Phật mong một lần được diện kiến Ngài. Trên đường đi, vị chân tu gặp rất nhiều người gửi gắm những chuyện riêng tư mong được Đức Phật cho lời chỉ dẫn, trong số những người đó có một tên cướp. Tên cướp không nhờ cầu khẩn Đức Phật điều gì, mà tự moi tim ra khỏi lồng ngực. rồi trao cho vị chân tu, nhờ dâng lên Đức Phật “con tim sám hối”. Nhưng, đường về Đất Phật xa xăm quá, dù vị chân tu bảo quản rất kỹ, nhưng trái tim của tên cướp sình thối quá, nên ông đã quăng bỏ ở vệ đường.

Cuối cùng, vị chân tu cũng đến Đất Phật. Sau khi đã cầu xin ơn phúc, và dâng lên Đức Phật những ước nguyện của bá tánh mà ông gặp trên đường đi, ông xin phép quay về. Bấy giờ Đức Phật bảo ông:

– Ngươi còn sót một điều.              

Ông suy nghĩ một lúc lâu, nhưng không nhớ ra. Đức Phật phán:

– Ngươi chưa dâng lên ta trái tim sám hối của tên ăn cướp.

Lúc này, vị chân tu mới nhớ lại, ông trình bày nguyên nhân ông vứt bỏ trái tim của tên cướp. Đức Phật phán:

– Dù thế nào, người cũng phải làm tròn lời hứa. Ta cho ngươi hóa kiếp thành con quạ bay tìm trái tim của tên cướp ấy về dâng Ta. Ngươi mãi mãi là loài quạ cho tới khi nào người tìm được trái tim của tên cướp.

Từ đó, loài quạ cứ bay đến những nơi có xác chết mong tìm được “con tim sám hối” của tên cướp mà vị chân tu đã vứt bỏ ngày nào. 

+ 2. Phải làm gì đây ?

Trong xã hội ngày nay, “sám hối” nhiều khi rất “đơn giản”. Quá “đơn giản” đến mức những người thích đùa thường bảo “đơn giản như đang giỡn”!

Thí dụ như nhiều việc người ta sai phạm nghiêm trọng, để “sám hối” đương sự cần “bản thân kiểm điểm tự phê bình và phê bình, thế là xong. Khá hơn một chút là hình thức kỷ luật, rồi đổi mới “chức vụ”, đổi mới nơi làm việc… Nghĩa là có đổi mới nhiều thứ để… “làm việc mới” nhưng cái cần đổi mới thì không hề đổi mới, đó là cái não trạng, nó vẫn “y như cũ”, và như thế… rồi đâu cũng vào đấy.

“Con tim sám hối” không phải chỉ là “đấm ngực ăn năn”, hay “hủy diệt” nó.

Con tim lầm lỗi sẽ được rửa sạch mọi lỗi lầm, vì sự sám hối chân thành luôn được Chúa đón nhận vì yêu thương.

 Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (Lc.3,16).

Sám hối không nhất thiết dừng lại ở việc “moi tim” như tên cướp để chứng minh lòng thành tâm ăn năn, càng không tuyệt vọng đến mức treo cổ như Juda Itcariot.

Sám hối, với Ki-tô hữu, là tìm về nguồn sốngsống với niềm hy vọng. Niềm hy vọng không chỉ riêng mình mà đem lại niềm hy vọng cho người khác nữa. Như vậy, sám hối là tiến đến niềm vui: Hãy vui lên, vì được Thiên Chúa yêu thương và yêu thương anh em theo mẫu mực tình yêu Thiên Chúa. “Yêu thương như Thầy” (Ga 15, 9-17)

Như vậy, sám hối đi đến hành động tích cực. Chúng ta vẫn thường nghe nói “Đoái công chuộc tội”.

Nhưng, “đoái công chuộc tội” chỉ là thứ kỷ luật của cuộc đời, hành động như một sự “trao đổi” nhằm tìm lại những lợi lộc đã mất.

Hành động tích cực của sám hối để đón nhận Tin Mừng là việc làm vì nhân vị cao quý của con ngườiđược làm con Thiên Chúa và vì mọi người là anh em.

– Chúng tôi phải làm gì đây?

Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy

Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.

Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình. (Lc.3,10-14).

Đó là bước đầu của việc Sám hối vì Tin Mừng, để khi Đấng làm phép rửa thế nhân trong Thánh Thần và lửa, người ta sẽ mở rộng con tim hơn thế nữa, để biết yêu thương nhau vì nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh em đồng loại. Một tình yêu như vậy, nhân loại mới có thể tiến đến một Thế giới Công Lý và Hòa Bình.

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Mt.25,34-36)

Lạy Chúa,

Xin chúng con trông đợi Ngài
Tình yêu và hạnh phúc đích thực của nhân loại.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button