Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Đi Ngược Dòng | NVT

 SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN C
(Lc.13,22-30)
***

 ĐI NGƯỢC DÒNG

22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” 26 Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” 28 Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
___________________

SUY NIỆM

ĐI NGƯỢC DÒNG

1. Cuốn theo dòng đời…

Bài học “Trái táo của Socrate

Các học trò hỏi SOCRATES :

– Làm sao có thể kiên trì theo đuổi chân lý ?

Socrates bảo mọi người ngồi xuống. Ông dùng ngón tay mân mê một quả táo, đi từ từ qua hàng ghế từng học trò, vừa đi vừa nói:

– Các bạn vui lòng tập trung, chú ý ngửi mùi vị trong không khí.

Sau đó ông quay về bục giảng, giơ trái táo lên, quơ qua bên trái, quơ qua bên phải, rồi hỏi:

– Có bạn nào ngửi thấy mùi của quả táo này không?

Có một học sinh giơ tay trả lời:

– Em ngửi thấy rồi, là mùi thơm.

Socrates lại xuống bục giảng giơ cao quả táo, đi chậm rãi qua hàng ghế từng học trò, vừa đi vừa dặn:

– Các bạn vui lòng tập trung, tỉ mỉ ngửi mùi vị trong không khí.

Ngừng trong chốc lát, Socrates đi đến các bạn học sinh lần thứ ba để cho mọi người đều ngửi thấy quà táo.

Lần này trừ một học sinh ra, những người khác đều giơ tay.

Người học sinh không giơ tay nhìn khắp lượt…rồi cũng vội vàng giơ tay.

Nụ cười trên khuôn mặt Socrates không còn nữa.

Ông giơ quả táo lên và từ tốn nói:

– Thật đáng tiếc, đây là một quả táo giả, không có mùi vị gì hết!

Dòng đời cuồn cuộn chảy, ta dễ dàng bị cuốn trôi theo, có khi chợt hồi tâm lại, ta thấy tự lúc nào, mình đã “trôi” đi quá xa…đến nơi ta không hề muốn, mà chưa một lần tự hỏi : vì sao?

Vì sao tôi lại ở đây? Vì sao tôi sống như thế này? Giá trị bản thân của tôi hiện ra sao?

Và, cứ thế, ta cứ đi, đi đâu không cần biết, miễn là đi trong sự an toàn cho cá nhân mình. “Thiên hạ có khi đang ngủ cả. Tội gì mà thức một mình ta” (TX).

Không một lần chiến đấu, hay chiến đấu theo phản xạ yếu ớt, nông cạn, thiếu suy xét…và ta buông xuôi theo dòng đời, đơn giản, bởi vì đời là thế, đời là phải thế !

Sống một đời không hương vị gì, không ý nghĩa gì, nhưng ta vẫn ngụp lặn trong đó, bởi vì ai cũng làm như vậy! Ta cũng phải giống như thiên hạ thôi! Khác thì sẽ gặp phiền toái, khác thì sẽ khó sống…

– Làm sao có thể kiên trì theo đuổi chân lý ? – Ta tự hỏi như học trò Socrates đã hỏi thầy mình.

Ai cũng biết câu: “Muốn uống nước trong, phải lội ngược dòng, nhưng lội ngược dòng đòi hỏi phải “tận nhân lực”, phải dồn hết nghị lực, tâm trí, phải ‘kiên trì theo đuổi chân lý”.

Đó là một cuộc chiến đấu. Cuộc chiến gay go. “cuộc chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối này” (Mt. 7:13-14).

“Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” – Ta đâu muốn diệt vong, phải không ? – Tất nhiên rồi – Nên hãy coi chừng trong số nhiều người đó, có ta trong đó !

“Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối này” – Ta khát khao được sự sống đời đời, phải không ? – Tất nhiên rồi – Nhưng ta có biết luôn tự hỏi trong số ít người đó, có ta trong đó không?

“Chấp nhận bước vào cửa hẹp và đường chật” là chấp nhận “đi ngược dòng” để “kiên trì theo đuổi chân lý”.

Lội ngược dòng…

2. Đi ngược dòng

Thầy là đường, là sự thật và là sự sống(Ga 14,6).

Con đường Giê-su là “con đường hẹp” dẫn đến chân lý và sự sống, nhưng nhiều người đã từ chối.

Phi-la-tô hỏi Chúa Giê-su “Sự thật là gì ?” (Ga.18,38), nhưng ông không khát khao tìm kiếm sự thật. Ông không thể “lội ngược dòng” để bảo vệ một Giê-su mà ông cảm phục trong lòng.

Ôi, túi dục vọng thì không đáy, đường dục vọng thì khôn cùng, tâm dục vọng thì bao la, khao khát dục dọng thì bất tận….

Đó mới là “cửa rộng và đường thênh thang đáng sợ nhất”.

Đó chính là ‘cơn khát” bất tận của con người. Chẳng bao nhiêu là đủ !

Người phụ nữ Samari nói với Ðức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi hãy trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Ðức Giêsu bảo: “Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” (Ga.4,5-42).

Và, người phụ nữ Samari đã có một chuyến “đi ngược dòng” ngoạn mục:

Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Ðến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao?” (Ga.4,5-42).

Người phụ nữ Samari đã để vò nước lại bên bờ giếng, thôi không còn khao khát những chuyện trần đời, vì chị ấy đã tìm được “nước hằng sống” là chính Chúa Ki-tô. “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”.

Những chuyến “đi ngược dòng” ngoạn mục, đã và sẽ có được, nhiều khi rất bất ngờ, khi con người nhận ra Ánh Sáng Tin Mừng Đức Ki-tô.

Nói một cách khác, không ai có thể “đi ngược dòng” trong “dòng đời” này, nếu người đó sống ngoài tinh thần Tin Mừng của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế.

Đường đời thênh thang sao lại đi lối hẹp?

Cái “tâm” chứa đựng một tình yêu như “Tình yêu Giê-su”, thì không thể vướng bận và lệ thuộc những lợi lộc trần gian, chỉ tôn thờ Thiên Chúa chứ không bái lạy trước tiền của và những thứ thụ tạo được phóng đại thành thần thánh để phục vụ cho lòng tham, và ý đồ ích kỷ của con người.

 “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. (Mt.6,24-34).

Trong thế giới hôm nay ta thấy gì ? Đói nghèo và ăn chơi phung phí. Lối sống thác loạn và những cái gọi là “luân lý mới” lệch lạc và biến hóa dị dạng. Khủng bố, chiến tranh… Biết bao vẻ đẹp tinh thần bị bóp chết dần với lối sống tìm sự dễ dãi bản năng. Biết bao vẻ đẹp thiên nhiên bị tàn phá vì lợi lộc và nhu cầu trước mắt. Biết bao công trình con người kiến tạo một cách tài hoa nhưng bom đạn và vũ khí còn thông minh hơn vạn lần luôn sẵn sàng san bằng nó vì hận thù và bạo lực…

Ta có thể suy ngẫm thêm về câu chuyện “Viên ngọc quý giá nhất” của thi hào TAGORE :

Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp:

– “Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi”.

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ:

– Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quí mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

– Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quí hơn mọi viên ngọc quí. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Trái tim thanh thản bình an của Nhà hiến triết không phải là cả một kho tàng quí giá thật sự đó sao ?

Chàng thanh niên trong câu chuyện này đã tỉnh thức và có một chuyến lội ngược dòng đúng lúc.

Không giống như chàng thanh niên giàu có trong Kinh Thánh, anh ta không thể thoát khỏi dòng chảy nghiệt ngã của sức mạnh kim tiền.

Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (Mc 10, 17). Chúa Giê-su đáp: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”  Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10, 22)

Thập Giá là một chuyến “đi ngược dòng” mẫu mực cho nhân loại. Là bài học không chỉ trên sách vở. Là một lời hứa không bao giờ dang dở.

“Đức Giê su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa. Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì , địa vị ngang hàng với Thiên Chúa , nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ , trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,  chết trên cây thập giá.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Kitô là Chúa. (Pl.2,6-11).

Và, bước theo Thầy Giê-su, nhiều người đã thực hiện những chuyến đi ngược dòng ngoạn mục để trở về tận nguồn phát xuất, tận căn nguyên của kiếp người.

Nhiều cuộc đời thầm lặng, và hàng vạn cuộc đời mãi mãi đã trở nên gương sáng cho con người.

Những tấm gương tên tuổi như Augustino, Phanxico Assisi, Maria Goretti, Teresa Calcutta… Và lớp lớp người đã nằm xuống vì Danh Thánh Chúa.

Lạy Chúa,

Tiền của là dòng chảy mãnh liệt
Dục vọng là đường rộng thênh thang
Bao người xuôi theo dòng chảy nhẹ nhàng
Lắm kẻ đua chen trên đường dài êm ái…

Con cô độc đi ngược dòng, lòng ngần ngại…
Con lẻ loi vào lối hẹp, trí hoang mang…
Đời nhộn nhịp với biển ân rừng ái…
Đường con đi sao lạnh ngắt chiều tàn !

Kìa, người thấy bóng Thánh Giá cuối đường…
Người bật khóc than đời bên phần mộ…
Con reo vui vì đến ngày hạnh ngộ…
Lối hẹp nào đưa con đến Nhà Cha. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button