Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tam Nhật Vượt Qua | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG

****

TAM NHẬT VƯỢT QUA

tamnhat

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Ðức Giêsu rửa chân cho các môn đệ

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
(2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (7) Ðức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. (8) Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Ðức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. (10) Ðức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.
(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga.13,1-15).
______________

SUY NIỆM

CÚI XUỐNG

ruachan

Cúi xuống để phục vụ

Yêu thương là phục vụ. Không ai nói rằng mình yêu một ai đó mà lại không vui khi được phục vụ người đó.

Được phục vụ người mình yêu là hạnh phúc.

Khi một người phục vụ mang trong mình một con tim yêu thương chân thật, người ấy bao giờ cũng tự xem mình nhỏ bé. Thấy mình quá lớn. hay cứ cho mình quá lớn, đứng ở vị trí quá cao, khó mà phục vụ chân thành.

“Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng mình là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì hãy nên như người phục vụ” (Lc 22, 25-26).

Lời dạy dỗ khuyên răn nào cũng thường kèm theo những gương mẫu để người nghe noi theo.

Gương mẫu ở đây chính là “Gương Chúa Giê-su”, vì tất cả mọi lời giảng dạy của Ngài không phải chỉ là “lời hay ý đẹp” ở bờ môi của nhà giảng thuyết, hay là những trang sách thánh hiền được cất kỹ trong kho. “Lời Ngài là chính cuộc đời của Ngài – cuộc đời của Ngài chính là Lời Ngài”.

Đêm nay, Chúa Giê-su“cúi xuống” rửa chân cho các môn đệ, cũng như  Ngài rửa chân cho mọi người trần thế. Việc làm này thật là khó hiểu, vì nó đảo lộn một thứ tự mà con người chưa thể chấp nhận được: “người cao trọng lại có thể “cúi xuống” phục vụ người thấp hèn”. 

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga.13,14).

Việc “cúi xuống” để rửa chân cho các môn đệ hôm nay là rất khó hiểu. Phản ứng của Phê-rô cho thấy điều đó. Việc “cúi xuống” để rửa chân cho các môn đệ còn khó hiểu như thế, huống chi việc Chúa Giê-su cúi xuống để chấp nhận cái chết trên thập giá ô nhục như một kẻ tội đồ còn khó hiểu đến thế nào ! Và, chỉ khi các môn đệ hiểu được Thập Giá Tình Yêu, chỉ khi con người hiểu được thế nào là “Thập Giá Cứu Chuộc”, con người mới hiểu được việc làm “cúi xuống rửa chân” cho các môn đệ đêm nay.

“Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.(Ga.13,7).

Chính vì thế, trong bữa tiệc Vượt Qua đêm nay, Chúa Giê-su đã khai mào cuộc Thương Khó, hiến tế giao ước mà Ngài sẽ thực hiện để trở thành Mình Máu Thánh của Ngài vào ngày hôm sau. (Thứ Sáu Tuần Thánh).

Thập Giá làm sáng tỏ tình yêu mà Chúa Giê-su kêu gọi con người “cúi xuống” để yêu thương phục vụ nhau.

vacthapgia

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Ðức Giêsu bị bắt giữ

19. (1) Sau khi nói những lời đó, Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. (2) Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. (3) Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. (4) Ðức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai?” (5) Họ đáp: “Tìm ông Giêsu Nadarét”. Người nói: “Chính tôi đây”. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. (6) Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. (7) Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm ông Giêsu Nadarét”. (8) Ðức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi”. (9) Thế là ứng nghiệm lời Ðức Giêsu đã nói:
“Những người Cha đã ban cho con,
con không để mất một ai”.
(10) Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. (11) Ðức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”

Ðức Giêsu bị điệu ra trước các ông Khanna và Caipha
Ông Phêrô chối Thầy
(12) Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại. (13) Trước tiên, họ điệu Ðức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó. (14) Chính ông này đã đề nghị với người Dothái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
(15) Ông Simon Phêrô và một môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Ðức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. (16) Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. (17) Người tớ gái giữ cổng nói với Phêrô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Ðâu phải”. (18) Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ. (19) Vị thượng tế tra hỏi Ðức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. (20) Ðức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Ðền Thờ, nơi mọi người Dothái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. (21) Sao ông lại hỏi tôi? Ðiều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì”. (22) Ðức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” (23) Ðức Giêsu đáp:
“Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (24) Ông Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói.
(25) Còn ông Simon Phêrô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Ðâu phải”. (26) Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” (27) Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

Ðức Giêsu bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô
(28) Vậy, người Dothái điệu Ðức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. (29) Vì thế, tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các người tố cáo người này về tội gì?” (30) Họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan”. (31) Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người”. Người Dothái đáp: “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả”. (32) Thế là ứng nghiệm lời Ðức Giêsu đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
(33) Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Ðức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Dothái không?” (34) Ðức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” (35) Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Dothái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” (36) Ðức Giêsu trả lời:
“Nước tôi không thuộc về thế gian này.
Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này,
thuộc hạ của tôi đã chiến đấu
không để tôi bị nộp cho người Dothái.
Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”.
(37) Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Ðức Giêsu đáp:
“Chính ngài nói rằng tôi là vua.
Tôi đã sinh ra
và đã đến thế gian vì điều này:
đó là để làm chứng cho sự thật.
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
(38) Ông Philatô nói với Người: “Sự thật là gì?”
Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Dothái và bảo họ: “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. (39) Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha cho một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Dothái cho các người không?” (40) Họ lại la lên rằng: “Ðừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” Mà Baraba là một tên cướp.
(1) Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. (2) Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. (3) Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Dothái!”, rồi vả vào mặt Người.
(4) Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Dothái: “Ðây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”. (5) Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Ðây là người!” (6) Khi vừa thấy Ðức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Ðóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy”. (7) Người Dothái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa”.
(8) Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa. (9) Ông lại trở vào dinh và nói với Ðức Giêsu: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng Ðức Giêsu không trả lời. (10) Ông Philatô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (11) Ðức Giêsu đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn”.

Ðức Giêsu bị kết án tử hình
(12) Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Dothái kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda”. (13) Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Ðức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Ðá, tiếng Hípri là Gápbatha. (14) Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Dothái: “Ðây là vua các người!” (15) Họ liền la lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. (16) Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.

Ðức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá
Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. (17) Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; (18) tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. (19) Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái”. (20) trong dân Dothái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ỏ gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hípri, Latinh và Hylạp. (21) Các thượng tế của người Dothái nói với Philatô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Dothái” nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Dothái”. (22) “Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!”

Lính tráng chia nhau áo xống của Ðức Giêsu
(23) Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. (24) Vậy họ nói với nhau: “Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
Áo xống tôi, chúng đem chia chác,
còn áo dài, cũng bắt thăm luôn.
Ðó là những điều lính tráng đã làm.

Ðức Giêsu và thân mẫu của Người
(25) Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. (26) Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. (27) Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Ðức Giêsu chết trên thập giá
(28) Sau đó, Ðức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói:
“Tôi khát!”
(29) Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. (30) Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Ðức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu
(31) Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. (32) Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. (33) Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. (34) Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (35) Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. (36) Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.
(37) Lại có lời Kinh Thánh khác:
Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu.

Ðức Giêsu được mai táng
(38) Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Dothái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxép đến hạ thi hài Người xuống. (39) Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. (40) Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái. (41) Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. (42) Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó.
____________

SUY NIỆM

NÂNG LÊN

Phục vụ là nâng lên

“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (Ga. 12, 32).

Phục vụ là nâng anh em lên, là làm cho tha nhân (người được phục vụ) được hạnh phúc hơn.

Phục vụ, vì thế, bước đầu tiên luôn là sự “đỡ dậy”, sự “nâng lên”.

Từ “phục vụ” trong đời thường nhiều khi bị hiểu phiến diện, lệch lạc, như là trong “chính trường”, “thương trường”… Trong lãnh vực “thương trường”, kinh doanh mua bán, ta thấy rất rõ. Ở lãnh vực này, “phục vụ” nhiều khi là sự khiêm tốn giả tạo, lòn cúi, nịnh hót…mà kẻ có thu lợi đa phần không phải là người “được phục vụ” nhưng là người phục vụ. Nói một cách khác, cái lợi về phần người phục vụ.

Phục vụ, tự nó, luôn đòi hỏi tình thương, và vì thế, bác ái, hy sinh, là điểu cốt lõi không thể thiếu.

Hình ảnh người Samari tốt bụng tận tình cứu giúp người bị nạn trên đường về Giê-ri-cô là một hình ảnh thật đẹp. Ở đây, ta thấy từng bước của phục vụ. “Đỡ dậy – Nâng lên – Chăm sóc – lành mạnh”.

Chúa Giê-su chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho con người. Ngài đỡ dậy những ai gục ngã vì tội lỗi. Chữa lành mọi vết thương tâm. Chăm sóc “đàn chiên” và “kéo mọi người” lên với Ngài. Chúa Ki-tô nâng con người lên để con người được trở lại địa vị “làm con Thiên Chúa”.

Do đó, phục vụ trong Tin Mừng không phải chỉ là việc tiếp sức cho những nhu cầu cuộc sống, mà là nâng đỡ và giúp tha nhân tìm thấy niềm tin vào Thiên Chúa.

Phục vụ, vì thế, có nghĩa là “Nhân danh Thiên Chúa” , làm sáng danh Chúa” (Mẹ Tê-rê-xa).

Như vậy, phục vụ là đem đến cho con người một đời sống mới”.

“Đời sống mới”, đối với người Ki-tô hữu, đó là Phục Sinh cùng Đức Ki-tô.

Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm.6,4).

motrong

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Ngôi mộ trống

(1) Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; (3) diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Ðấy, tôi xin nói cho các bà hay”. (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Ðức Giêsu hay.
Ðức Giêsu hiện ra với các phụ nữ
(9) Và kìa đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm chầm lấy chân, và bái lạy Người. (10) Bấy giờ, Ðức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.
_____________

SUY NIỆM

ĐỜI SỐNG MỚI

Từ việc “cúi xuống” trong đêm Tiệc Ly (Ga.13,14), đến khi “được giương lên cao khỏi mặt đất và kéo mọi người lên với Ngài” (Ga.12,32), Chúa Giê-su Ki-tô đã tái tạo muôn loài và đưa con người bước vào một đời sống mới.

Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm.6.8).

Cuộc đời phục vụ ta bao nhiêu, cho ta được gì, cũng không thể cho ta sống lại và có được sự sống muôn đời.
Chỉ có Thập Giá Đức Ki-tô, là con đường duy nhất cho chúng ta đến bến bờ khát vọng vô biên về cuộc sống vĩnh hằng, một “đời sống mới” hoàn toàn khác hơn những gì người ta mong đợi theo ước vọng hạnh phúc tầm thường và thấp hèn của phàm nhân.

Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội nữa. (Rm.6,6).

Có câu chuyện đáng cho chúng ta suy ngẫm:

haimat

Một hôm, tại một thị trấn nọ xuất hiện người họa sĩ từ phương xa ghé tới. Khi đang nghĩ chân dưới bóng râm rợp mát của tán sồi đầu làng, họa sĩ gặp một người đàn ông nồng nặc mùi rượu đi ngang qua. Thấy ông họa sĩ, gã khinh khỉnh hỏi với vẻ gây hấn:

– Ông ngồi đây có việc gì?
Tôi chỉ là một họa sĩ lỡ đường, ghé chân ngồi nghỉ dưới tán cây mà thôi! Nếu ông muốn, tôi có thể vẽ cho ông một bức chân dung! – Người họa sĩ điềm tĩnh đáp.
Thế thì được, nhưng ông phải vẻ cho giống nhé! – Gã say vẫn thô lỗ.

Thế là người họa sĩ bắt đầu tập trung vào từng nét vẽ. Ông vẽ một cách say sưa trước “người mẫu” là gã đàn ông nồng nặc hơi men, với khuôn mặt lởm chởm râu và bộ quần áo lấm lem, bẩn thỉu. Một lát sau, đặt cây cọ xuống, họa sĩ nhẹ nhàng nhắc bức tranh ra khỏi giá đỡ và mang đến cho người đàn ông kia xem.

Đây không phải là tôi! – Gã say tỏ ra ngạc nhiên pha lẫn xấu hổ khi nhìn thấy khuôn mặt mình trong tranh, với dáng vẻ lịch lãm và nụ cười thân thiện.
Không, đây chính là hình ảnh tôi thấy trong anh. Anh hoàn toàn có thể là một người lịch lãm, thành đạt nếu như anh thật sự muốn điều đó!

Bức tranh ấy đã biến đổi cuộc đời người đàn ông say xỉn. Một năm sau, khi người họa sĩ ghé ngôi làng, gã say trước kia đã trở thành một anh nông dân chăm chỉ, tháo vát và tốt bụng, được nhiều người yêu mến.

(Thế Giới Phụ Nữ 14/2014).

Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Kitô Giê-su. (Rm.6,11).

“Nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su”, vì “hình ảnh đích thực của ta là như vậy”, hình ảnh là con Thiên Chúa, điều mà ta đã làm lấm lem, méo mó vì tội lỗi.

Được Phục Sinh cùng Đức Ki-tô, đó là Đức Tin của chúng ta.

Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm.6.8).

AMEN.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài viết năm 2014).
____________________
Nếu bạn muốn đọc thêm bài viết năm 2011, mời bạn vào Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/446-suy-niem-tam-nhat-vuot-qua

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button