Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tìm Về | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C
(Lc.15,1-32)
***** 

TÌM VỀ

            1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

            4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

            5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

            8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói:  “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

            11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

            21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

            25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha:  “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay tìm về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

            31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

________________

SUY NIỆM

            Ba ngày qua, một cơn bảo mùa đông với những cơn lốc xoáy và mưa như thác từ Alaska đi xuyên qua Bắc Thái Bình Dương. Ở Sierra Nevada tới phía đông, tuyết xuống rất dày và khi cơn bão đi qua nó có thể trượt tuyết.

            Trong thành phố “thung lũng cỏ” nơi chân ngọn đồi Sierras, California, những con đường đều bị ngập lụt và một số nơi trong thành phố, gió đã làm bật gốc một số cây. Ở căn nhà nhỏ, cơn mưa nặng hạt và gió vẫn liên tục đập mạnh vào những cửa sổ  mà cha O’Malley đang soạn bài giảng cho ngày Chúa Nhật dưới ánh nến leo lét. Từ trong bóng tối, tiếng điện thoại vang lên nơi phòng làm việc, ánh nến hắt ra trong căn phòng một ánh sáng mờ mờ, Cha nhắc ống nghe và nghe một giọng nói rất nhanh:

            – Có phải cha O’Malley đó không?
            – Phải, tôi đây.
            – Con gọi cha từ nhà thương ở Aubum.  Chúng con có một bệnh nhân nặng, ông ta yêu cầu chúng con nhờ một cha nào để ban những bí tích sau cùng cho ông. Cha có thể đến đây gắp được không ạ?

            Cha O’Malley trả lời:
            – Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm chuyện đó vì dòng sông đã tràn bờ rồi, cây cối thì đổ ngổn ngang trong thành phố. Đây là cơn bảo tệ hại nhất mà tôi thấy từ ngày tôi về đây đến nay. Hãy chờ tôi khoảng hai tiếng đồng hồ nữa.

            Cuộc hành trình có ba mươi dặm (1mile=1,6km), nhưng đi thật khó khăn. Ánh đèn chiếc xe cô lổ sĩ của cha O’Malley xuyên qua màn mưa, những ngọn gió quất mạnh trên dòng sông và những cây cầu nhỏ, những cây bật gốc nằm ngổn ngang trên bờ sông. Vì lý do đó, nên nhiều lúc cha O’Malley phải đi một đường vòng để vượt qua chúng. Cha tiến thật chậm và thận trọng, nhưng vẫn tiến bước hướng về bệnh viện.

            Không có một phương tiện giao thông nào đi lại trong thời tiết này. Bây giờ là quá nửa đêm rồi, không ai ra ngoài vào giờ này với thời tiết như vậy, nếu không phải vì một sứ vụ khẩn cấp.

            Cuối cùng, ánh sáng của bệnh viện thấp thoáng ẩn hiện trong màn mưa đã là một hải đăng giúp cha O’Malley vượt qua năm trăm yards (1yard=1,9144m) cuối cùng và cha hy vọng là mình đến không quá muộn. Cha đậu xe đằng sau ba chiếc xe khác trong bãi đậu xe để tránh gió bao nhiêu có thể, cha tranh thủ mặc áo khoác đi mưa trước khi bước ra ngoài mưa gió.

            Với cuốn Thánh Kinh rách tả tơi đút sâu vào túi áo khoác, cha O’Malley mở cửa rất mạnh, bước ra ngoài và nương theo chiều gió. Những cơn gió rất mạnh gần như thổi bay cha đi, cha gần như bị thổi ra ngoài lối vào của nhà thương.

            Bước vào cửa, cha để lại bên ngoài cánh cửa những ngọn gió đang gầm thét, cha dậm chân mạnh để rũ nước xuống khỏi áo khoác, cha nghe có tiếng bước chân đi trên lầu. Đó là người y tá trực, cô ta nói:

            Con rất sung sướng khi cha có thể đến đây, người đàn ông mà con gọi cho cha sa sút rất nhanh, nhưng ông ta vẫn còn tỉnh. Ông là một con sâu rượu trong nhiều năm, gan của ông ta ở vào thời kỳ cuối rồi. Ông ta chỉ mới đến đây hai tuần, và trong suốt thời gian này, ông nằm một mình không có khách nào đến thăm ông cả. Ông ta sống trong rừng và không ai ở đây biết gì về ông ta Ông ta luôn thanh toán các giấy nợ bằng chi phiếu và có vẻ không muốn nói nhiều. Chúng con cũng đã khuyên giải ông ta vào đôi năm trước, nhưng lần này ông đã đạt được một quyết định cá nhân và phải chiến đấu gay go.

            Cha O’Malley hỏi:
            – Bệnh nhân tên gì?
            Cô y tá trả lời:
            – Bệnh viện thường gọi ông ta là Tom.

            Trong ánh đèn ngủ sáng dìu dịu của căn phòng, gương mặt gầy gò, hốc hác cách ma quái, giấu đằng sau bộ râu rối bù. Ông bước đến ngưỡng cửa đời đời và ông sắp ra đi.

            – Chào ông Tom, tôi là  cha O’Malley. Tôi đã đến bởi nghĩ rằng chúng ta có thể nói chuyện một lát trước khi ông đi ngủ vào đêm nay.

            Tom trả lời:
            – Đừng cho tôi thêm cái thứ rác rưởi nữa! Cha đừng chần chờ gì nữa vì lúc 3g30 sáng, tôi đã xin người y tá trực đêm, để cô ấy gọi cha nào đến ban bí tích cuối cùng cho tôi trước khi tôi từ giã cuộc đời, bây giờ, cha hãy bắt đầu đi.

            Cha O’Malley nói:
            – Hãy kiên nhẫn.

            Rồi cha bắt đầu đọc những lời nguyện của nghi thức cuối cùng.
            Sau lời thưa Amen. Tom có hồi tỉnh lại một tí và ông có vẻ muốn nói chuyện. Cha O’Malley hỏi:
            – Ông có muốn xưng tội không?
            – Tuyệt đối không, nhưng tôi sẽ nói với cha một tí trước khi tôi ra đi.

            Và thế là cha O’Malley và Tom nói về cuộc chiến Triều Tiên, về những thiệt hại của những cơn bão mùa đông, về những đồng cỏ xanh tốt ngập đầu gối đến những hoa mùa hè sắp nở.

            Tự nhiên vào lúc cuối câu chuyện và trời đã gần sáng, cha O’Malley lại hỏi Tom một lần nữa:
            – Ông có chắc là mình không muốn xưng tội một tí nào không?

            Sau vài giờ nói chuyện và sau bốn hay năm lần, cha O’Malley hỏi cùng một câu hỏi như thế. Tom trả lời:
            – Thưa Cha, khi con còn trẻ, con đã làm một số điều xấu mà con không bao giờ dám nói với ai về chuyện đó. Cha ơi! Chuyện đó quá tồi tệ đến nỗi không ngày nào mà con không nghĩ đến nó và sống lại sự kinh khủng đó.

            Cha O’Malley hỏi:
            – Thế ông không nghĩ rằng khi nói với tôi về chuyện đó ông sẽ đỡ bị dằn vặt hơn không?
            Tom nói:
            – Bây giờ con chưa thể nói ra những gì con đã làm, ngay cả với cha nữa.

            Nhưng khi tia sáng lúc bình minh len vào trong phòng và bắt đầu xua tan bóng tối. Tom nói cách buồn rầu:

            – Được rồi, bây giờ chẳng còn có ai có thể làm gì được con nữa, con có thể nói với cha được rồi.
            Con là một công nhân đường sắt gần hết cả đời, con chỉ mới bỏ nghề vài năm trước, để chuyển đến đây làm nghề gác rừng. Trước đây ba mươi hai năm, hai tháng mười một ngày, con đang làm việc ở Bakersfield vào một đêm giống như đêm nay.

            Gương mặt của Tom tìm nên căng thẳng theo câu chuyện đang diễn tiến:
            – Điều đó xảy ra vào một ngày giông bão mùa đông, mưa như trút nước, sức gió năm mươi dặm một giờ và hầu như không trông thấy gì. Hôm đó là ngày mà con hai ngày nữa là Giáng Sinh, bầu trời ảm đạm, cả nhóm đưa tàu vào ga đều đã say khướt, dù công việc vẫn phải tiến hành. Con là người say hơn cả họ, nhưng con tình nguyện ra mưa gió để đẩy ghi cho tàu chở hàng chạy về hướng bắc 8 độ 30.

            Giọng của Tom nhỏ dần chỉ còn là tiếng thì thầm:

            – Con nghĩ rằng con đã say hơn con tưởng, vì thế, con đã đẩy thanh ghi vào hướng khác. Với tốc độ 45 dặm một giờ, chiếc tàu hàng đã tông vào một chiếc xe hơi chạy ngang ngã tư kế đó, giết chết đôi vợ chồng trẻ và hai đứa con gái của họ.
            Và con đã phải sống với sự dằn vặt, mình là nguyên nhân cái chết của gia đình đó trong suốt mọi ngày sống từ khi đó.

            Một thời gian khá lâu im lặng sau lời xưng thú của Tom như kết cục bi thảm của câu chuyện làm cho thời gian ngưng đọng. Và một điều gì đó giống như sự bất diệt, cha O’Malley nhẹ nhàng đặt tay lên vai Tom, và nói rất dịu dàng:

            – Nếu tôi có thể tha thứ cho ông thì Thiên Chúa đã tha thứ cho ông rồi, vì trong xe hơi đó là ba má tôi và hia chị của tôi.

Warren Miller (Chicken Soup for the Christian Soul).

TÌM VỀ

TÌM VỀ CHÍNH MÌNH

            Khi con người sai lầm, con người phạm tội, con người “chạy trốn” chính mình! Khi ấy, con người không muốn nghe tiếng nói lương tâm, tiếng nói từ sâu thẳm lòng mình.

            Nhiều kẻ lún sâu vào sai lầm, vào tội ác, nhưng vẫn sống an nhiên như người thánh thiện. Họ đã rời xa con người thật của họ. họ sống trong lớp vỏ bình an giả tạo. Với loại người này, họ không còn con đường về nẻo thiện lương. Họ đánh mất chính mình. Họ đánh mất nhân tính. Có những vụ án giết người, mà kẻ tội phạm kể lại tội ác mình làm khi đứng trước vành móng ngựa thật bình thản đến lạ lùng! 

            “Sai lầm là thường tình của con người”. Để “nhận ra mình sai lầm”, cần phải khiêm nhường.

            Không khiêm nhường không thể thấy mình sai. Không thấy mình sai thì cứ cho mình đúng. Cứ cho mình đúng là kiêu ngạo. Mà kiêu ngạo thì đối nghịch lại khiêm nhường… cái vòng lẫn quẫn ấy cản trở con người bước vào con đường nội tâm. Không đi vào nội tâm, không thể tìm về chính mình được.

            Đi vào nội tâm là lúc con người hồi tâm lại, và nhìn đoạn đường mình đã đi qua. Để xem mình đang đi về đâu. Có hồi tâm mới có hối hận. Không giọt nước mắt ăn năn sám hối nào rơi xuống mà con người không nhìn sâu vào tận đáy lòng mình. Đó chính là lúc tìm về chính mình thật sự.

TÌM VỀ GIA ĐÌNH

            “Không ai là một hòn đảo”. Ngay cả những người đã “phủi bụi trần” để khép mình vào “bốn bức tường” tu viện, vẫn cần có tình người. Tìm về gia đình – hay đại gia đình – là mở rộng tấm lòng để sống có trách nhiệm với cha mẹ, anh em, người thân, tha nhân, đoàn thể, cộng đồng…

            Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, đứa con hoang đàng đã tìm về  không phải vì nhớ thương cha mẹ hay anh em trong nhà, mà vì cái bụng đói, vì cuộc sống quá gian nan, nhục nhã. Lý do tìm về chỉ nhắm tới lợi ích riêng mình, còn rất ích kỷ. Khi ra đi với lý do ích kỷ, tìm về cũng với lý do ích kỷ. Động lực sám hối chưa sâu xa. Chính vì lý do đó mà người anh trong câu chuyện đã không thể chấp nhận được. “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay tìm về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc.15,30)

            Nhưng, cũng chính vì lý do non nớt, trẻ con đó, mà tình cha càng nổi bật, càng lớn lao. Bất kể là vì lý do gì, miễn là đứa con biết ăn năn sám hối, biết tìm về gia đình. Người cha không nói rằng đứa con trai lớn đã nghĩ sai, nhưng chỉ nói lên lý do đứa con lầm lỗi cần được thương xót. Nó đang cần tình thương. Và dù cho thế nào, nó vẫn là đứa con mà ông hết mực thương yêu. Và tình yêu đó không có sức mạnh nào lay chuyển. Và người cha muốn đứa con trai lớn mình phải hiểu và chấp nhận em mình với tấm lòng bao dung cao cả như vậy. “Yêu thương em mình như tình cha”. Điều này, chúng ta gặp thấy nơi giới luật yêu thương của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con”.

            Và đó, chính là ý nghĩa của việc tìm về gia đình. Không có nơi nào con người nương tựa vững chắc như mái ấm gia đình. Trong sự bảo vệ, đùm bọc của tình cha nghĩa mẹ. Đó còn là hình ảnh của “gia đình Chúa Giê-su”, của “đại gia đình nhân loại”. Tình thương anh em phải được nâng cao lên, hơn tầm nhìn của người anh trong câu chuyện Tin Mừng này. Vì đó là Đại Gia Đình Thiên Chúa. “Một Đức Tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha”.

TÌM VỀ BÊN CHÚA 

            Trong cuộc đời, có những cuộc tìm về bị chối từ, nhưng với Thiên Chúa thì không, vòng tay của Ngài luôn rộng mở.

            Điều Ngài muốn duy nhất, là con người biết ăn năn, sám hối. Sự sám hối có khi còn rất nông cạn, còn rất đời thường, còn rất vật chất, còn vì cái lợi trước mắt. Nhưng căn bản là nhận ra rằng Chúa chính là nơi con người nương tựa thật sự. Không tìm về nơi đâu khác, mà tìm về chính Thiên Chúa. Và tin tưởng rằng Chúa vẫn hằng yêu thương tha thứ.

            Sự tìm về của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là sự tìm về dang dở.
            Giu-đa biết “tìm về chính mình”. Anh ta đã “nhìn lại mình” và đau khổ. Anh có sám hối. Đó là một khởi đầu rất tốt. Giu-đa thật can đảm. Sự tìm về với chính mình của Giu-đa thật tuyệt vời. Nhưng thật đáng tiếc, những bước tiếp theo lại thất bại. Thật tội nghiệp cho Giu-đa, anh đã không đến được với Chúa vì anh không hình dung được tình yêu Chúa bao la đến mức có thể tha thứ tội tày trời của anh!

            Có người bảo rằng thật tiếc là kết thúc cuộc đời của Giu-đa “không có hậu”. Nếu Giu-đa tin vững vào Tình Yêu của Chúa, không ngã lòng trông cậy, phần kết luận sẽ khác! Thí dụ như Giu-đa không tự tử, Giu-đa khóc lóc hối hận một đời như thánh Phêrô. Rồi Giu-đa sau này rao giảng về Chúa phục sinh, lời lẽ của Giu-đa sẽ mạnh mẽ: “Tôi đã từng bán Chúa! Tôi đã chen vào đám đông và đứng chứng kiến người ta đóng đinh Chúa trên Thập Giá. Trong khoảnh khắc tình cờ từ trên Thập Giá Chúa đã nhìn thấy tôi. Đôi mắt Ngài nhân từ, đượm buồn nhưng rất âu yếm…”. Và cuối cùng, Giu-đa đã bị treo cổ vì đã rao giảng về Giêsu đã chết và đã Phục Sinh, chứ không phải tự treo cổ vì tuyệt vọng! Kết thúc được như vậy cuộc đời Giu-đa thật đẹp biết bao! 

            Có thể sự hối hận của Giu-đa quá muộn màng. Cách sống của Giu-đa quá biệt lập trong “gia đình các môn đệ”. Khi Giu-đa biết “tìm về chính mình” và sám hối ăn năn, Giu-đa lại cảm thấy lẻ loi, mang nặng mặc cảm tội lỗi với Chúa và với anh em. “Một trong các môn đệ của Chúa Giêsu là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: ‘Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?’ Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga.12.4-6) . Bước tiếp theo “tìm về gia đình”, hòa nhập vào “cộng đoàn môn đệ” là không thể được. Giu-đa không thể nào chịu nổi sự lạc lỏng, cô đơn, có khi là “búa rìu” của “dư luận” ngay trong “gia đình môn đệ”, không còn con đường tìm về bên Chúa được nữa, Giu-đa đã chọn con đường tự tử. Giu-đa không đủ niềm tin để chổi dậy.

            Hãy thử tưởng tượng đứa con trai hoang đàng trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã “không dám” về gặp thẳng cha mình, mà về gặp anh mình để “thăm dò” xem cha mình có thể “nhận” mình không, thì người anh sẽ phản ứng ra sao? Dựa vào phần kết câu chuyện, chắc chúng ta cũng có thể suy ra những câu nói của người anh đối với em mình thế nào! Những câu nói có thể đại loại như: – “mầy còn vác mặt mày về đây hả?” – “Mày định về đây chia cái gì nữa đây?”“ Mày làm tán gia bại sản chưa hài lòng chắc?” – “Ông già thất vọng về mày”… Và đứa con trai hoang đàng sẽ rút lui. Sự tìm về của nó thất bại. Nó sẽ lại bước vào dòng đời gió bụi. Nó sẽ chết ở xó kẹt nào đó, mang theo nỗi lòng đau khổ sám hối ăn năn mà không còn cơ hội nhận ra được người cha đang yêu thương chờ đợi nó.

            Có rất nhiều vật cản trên “bước đường tìm về”. Có rất nhiều sương mù làm nhạt nhòa hình ảnh Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu. Không phải chỉ ngày xưa, thời Pha-ri-sêu, Biệt Phái, mà trong cả thời nay, có khi ngay cả trong lòng Giáo Hội.

            Chuyến tìm về của đứa con trai hoang đàng trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay thành công, vì anh đã can đảm đến với cha mình. Anh trực tiếp thấy được dung nhan hiền từ của cha mình ngoài sức tưởng tượng của anh. Không có cánh tay trừng phạt giáng xuống anh, chỉ có vòng tay êm ái ôm chằm lấy anh. Không có những lời hạch tội quát mắng, chỉ có những lời ra lệnh mở tiệc ăn mừng. Không có những lời lên án, chỉ có những lời bênh vực. Không có bờ môi đay nghiến, chỉ có những nụ hôn. Không có chỗ ở để nhận thêm một đầy tớ, chỉ có chỗ ở dành cho đứa con bao năm chờ đợi trở về. Anh trực tiếp cảm nghiệm được lòng yêu thương của cha anh trổi vượt hơn vạn lần anh suy đoán. Anh nhận được ân huệ của cha anh lớn lao vạn lần hơn những gì anh van xin.

            Sự vui mừng của cha anh cho anh lòng tự trọng. Cho anh vững bước tiến lên để xứng đáng với tình cha. Cha anh tin tưởng anh làm lại cuộc đời mới. “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc.15,32).

            Chỉ có Chúa Giêsu mới trả lời được vì sao “các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Người”, và vì sao Người lại “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ”. Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc.15,1-32).

            Chỉ có Chúa Giêsu mới diễn tả đúng mức thế nào là Thiên Chúa là Cha Nhân Từ. và thế nào là Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại khi vòng tay của Người dang rộng trên Thập Giá. “Ông Phi-líp-phê nói: ‘Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện’. Đức Giêsu trả lời: ‘Thấy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-lí-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” (Ga.14,8-9).

            Lạy Chúa,

            Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng, lạy Chúa, xin đừng!
            nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ,
            bởi vì Ngài thành tín yêu thương. (Tv.115,1).
            Amen.

                                                          Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

__________________

BÀI ĐỌC THÊM

Thiên Chúa là Cha nhân hậu

Bài liên quan

Back to top button