Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích | Số 153/20
Sắc lệnh
trong thời điểm đại dịch COVID-19
Trong thời khắc khó khăn mà chúng ta đang sống với đại dịch Covid-19, và khi xem xét các trường hợp không thể cử hành phụng vụ trong thánh đường [với sự tham dự của cộng đoàn] theo sự hướng dẫn của các Giám mục trong lãnh thổ thuộc quyền các ngài, nhiều vị đã gửi đến Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích một số thắc mắc liên quan đến việc cử hành đại lễ Phục Sinh sắp tới. Nay chúng tôi xin gửi đến các Giám mục những chỉ dẫn tổng quát và một số đề xuất về vấn đề này.
1. Ngày lễ Phục sinh. Vì là tâm điểm của cả Năm phụng vụ, lễ Phục sinh không đơn thuần là một lễ trọng số các dịp lễ khác. Tam nhật Vượt Qua được cử hành vào ba ngày liền nhau, được chuẩn bị với mùa Chay và đạt tới cao điểm vào ngày lễ Ngũ Tuần, vì thế không được dời lễ Phục Sinh sang một ngày khác.
2. Lễ Truyền Dầu. Sau khi lượng xét tình hình thực tế tại các địa phương, Giám mục có quyền dời lễ này vào một ngày khác muộn hơn.
3. Hướng dẫn cử hành Tam nhật Vượt Qua. Tại những nơi mà chính quyền và giáo quyền đã công bố là khu vực hạn chế sinh hoạt, phải cử hành Tam nhật thánh theo phương thức sau đây :
Các Giám mục sẽ đưa ra những hướng dẫn, sau khi đã được Hội Đồng Giám Mục đồng thuận, sao cho tại Nhà thờ Chính Tòa và nhà thờ các giáo xứ, kể cả khi không có cộng đoàn tín hữu hiện diện tham dự, Giám mục và các cha xứ vẫn cử hành các mầu nhiệm phụng vụ của Tam nhật Vượt Qua. Phải thông báo về thời gian cử hành nghi thức để các tín hữu có thể hợp ý cầu nguyện ngay tại nhà riêng của họ. Trong trường hợp này, các phương tiện truyền hình trực tuyến (không phải những chương trình ghi hình phát lại) sẽ giúp ích nhiều cho các tín hữu.
Hội đồng Giám mục và từng giáo phận nên đề xuất những cách thức cầu nguyện cho các gia đình và cá nhân.
Thứ Năm Tuần Thánh. Tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ, các cha xứ có thể cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly vào buổi tối. Trong ngày này, tất cả các linh mục đều được ban năng quyền đặc biệt để cử hành Thánh Lễ tại một nơi thích hợp, dù không có giáo dân tham dự. Không cử hành việc rửa chân, vì đây chỉ là một thực hành mang tính tùy chọn. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly không rước kiệu Thánh Thể, Mình Thánh Chúa sẽ được cất giữ tại Nhà Tạm. Các linh mục không thể cử hành Thánh Lễ, sẽ đọc Kinh Chiều Thứ Năm Tuần Thánh để thay thế.
Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ, Giám mục/Linh mục chính xứ sẽ cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa. Trong Lời Nguyện Chung, Giám mục nên nêu thêm ý cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân, những người đã qua đời và những ai đang tuyệt vọng hoặc hoang mang vì dịch bệnh (x. Sách Lễ Rôma, nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, số 13).
Chúa nhật Phục Sinh
Canh thức Phục Sinh. Chỉ cử hành tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ. Trong phần “Khai mạc trọng thể giờ Canh thức hoặc Nghi thức thắp sáng” không làm phép lửa, sau khi thắp Nến Phục sinh, không rước Nến, hát “Exsultet” ngay để công bố Tin Mừng Phục sinh. Sau đó, cử hành “Phụng vụ Lời Chúa”. Trong phần “Phụng vụ Thánh Tẩy”, chỉ cần “lặp lại lời hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy”, sau đó là “Phụng vụ Thánh Thể”.
Những ai hoàn toàn không thể tham dự giờ Canh thức tại nhà thờ, phải đọc Giờ Kinh Sách Chúa nhật Phục Sinh.
Giám mục giáo phận sẽ có những quyết định riêng cho các đan viện, chủng viện và các cộng đoàn tu sĩ.
Những cách thể hiện lòng đạo đức bình dân và tổ chức kiệu rước trong Tuần Thánh hay Tam nhật Vượt Qua, có thể dời lại vào những ngày thích hợp khác, chẳng hạn ngày 14 và 15 tháng 9, tùy theo quyết định của Giám mục giáo phận.
Theo chỉ thị của Đức Thánh Cha, sắc lệnh chỉ có hiệu lực trong năm 2020.
Chuyển ngữ: Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Nguồn: Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam