Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức
Đức Thánh Cha tuyên bố: ‘Không một con người nào không thích hợp với sự sống’
Đức Thánh Cha tuyên bố: ‘Không một con người nào không thích hợp với sự sống’
Đại hội Quốc tế ‘Nói Có với Sự sống! Chăm sóc món quà quý báu của sự sống trong tình trạng mong manh’
27 tháng Năm, 2019 00:21
Ngày 25 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico chỉ trích văn hóa loại bỏ đang kết án một số trẻ em sau khi gán cho các bé cái nhãn “không thích hợp với sự sống.”
Những lời của Đức Thánh Cha trong Khán phòng Clementine của Điện Tông tòa Vatican, nơi ngài tiếp các tham dự viên Đại hội Quốc tế do Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống tổ chức cùng hợp tác với Tổ chức “The Heart in A Drop – Onlus”, cùng với sự hỗ trợ của Dòng Hiệp sĩ Columbus, về chủ đề “Nói Có với sự sống! — Chăm sóc món quà quý báu của sự sống trong tình trạng mong manh.” Đại hội, với sự tham dự của khoảng 400 người đến từ 70 quốc gia, đại diện cho các Hội đồng Giám mục, các Giáo phận, các gia đình, và giới bác sĩ chuyên khoa, được tổ chức từ 23 đến 25 tháng Năm, 2019, tại Viện Giáo phụ Augustinianum ở Roma.
Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định, “Tuy nhiên, không một con người nào không thích hợp với sự sống, không vì tuổi tác, vì tình trạng sức khỏe, hoặc chất lượng của sự sống của người đó. Mọi đứa trẻ đi vào cung lòng của một người phụ nữ là một ân ban, nó làm thay đổi câu chuyện của một gia đình: của một người cha và một người mẹ, của ông bà và anh chị em ruột. Và đứa trẻ này cần được chào đón, được yêu thương và được chăm sóc.”
Đức Thánh Cha kể ra những tiến bộ trong công nghệ cho phép chẩn đoán về những vấn đề có thể có của một đứa trẻ khi vẫn còn đang ở trong bụng mẹ. Ngài nói rằng đây là trường hợp có thể gây ra sự tuyệt vọng về phía cha mẹ – nhưng nó không có nghĩa là cần phải cắt đứt sự sống.
“Tuy nhiên, có những điều mà y khoa biết rõ: những đứa trẻ, ngay trong cung lòng người mẹ đã cho thấy những tình trạng bệnh lý, là những bệnh nhân tí hon, là những người không hiếm khi có thể được chữa lành bằng những can thiệp về dược lý, phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, điều mà trong suốt nhiều năm đã góp thành một trong những nguyên nhân của việc phá thai tự nguyện và từ bỏ sự chăm sóc khi sinh cho quá nhiều trẻ em với những bệnh lý nghiêm trọng,” Đức Phanxico nói. “Về một mặt là những liệu pháp chữa trị trong bào thai và mặt khác là phương pháp chăm sóc tích cực cho bào thai đạt được những kết quả thật ngạc nhiên nói theo thuật ngữ của sự hỗ trợ lâm sàng và cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho gia đình chấp nhận sự chào đời của một đứa trẻ bị bệnh.”
Đức Thánh Cha nói vô cùng rõ ràng rằng việc phá thai là không thể chấp nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào: “Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo hội về điểm này rất rõ ràng: sự sống con người là thiêng liêng và không thể xâm phạm và cách sử dụng phương pháp chẩn đoán trong bào thai để đưa ra kết quả lựa chọn thật là một sự thất vọng, thể hiện trạng thái tâm lý ưu sinh vô nhân, nó lấy mất khỏi gia đình cơ hội đón nhận, ôm lấy và yêu thương những đứa con yếu đuối nhất của mình.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt tại buổi tiếp kiến.
* * *
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa các Đức Hồng y,
Thưa các Huynh đệ trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn.
Anh chị em thân mến,
Xin chào anh chị em và xin chào mừng. Tôi xin gửi lời chào Đức Hồng y Farrell và tôi xin cảm ơn về những lời giới thiệu của ngài. Tôi xin chào các tham dự viên của Đại hội Quốc tế “Nói Có với sự sống! — Chăm sóc món quà quý báu của sự sống trong tình trạng mong manh,” được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và Tổ chức “The Heart in a Drop”, một trong những thực thể nỗ lực hết sức từng ngày để giúp các trẻ em được chào đời trong các tình trạng vô cùng mong manh. Những trẻ em mà trong một số trường hợp bị văn hóa loại bỏ mô tả là “không thích hợp với sự sống,” và vì thế mà bị kết án tử.
Tuy nhiên, không một con người nào không thích hợp với sự sống, không vì tuổi tác, vì tình trạng sức khỏe, hoặc chất lượng của sự sống của người đó. Mọi đứa trẻ đi vào cung lòng của một người phụ nữ là một ân ban, nó làm thay đổi câu chuyện của một gia đình: của một người cha và một người mẹ, của ông bà và anh chị em ruột. Và đứa trẻ này cần được chào đón, được yêu thương và được chăm sóc. “Nhưng nó sẽ ồn ào phiền phức lắm … chúng ta hãy phá bỏ nó.” Không, đây là một loại âm nhạc mà tất cả chúng ta phải nghe. Và tôi nói rằng đứa trẻ nghe thấy tiếng vỗ tay chào đón và nó nhận ra rằng điều đó là dành cho bé. Lắng nghe là luôn luôn cần thiết, và khi đứa trẻ gây ra cho chúng ta một số rắc rối, ngay cả trong nhà thờ, cứ để cho các bé khóc trong nhà thờ! Chúng đang ca khen Thiên Chúa đó. Đừng bao giờ đưa đứa trẻ ra ngoài vì nó khóc. Xin cảm ơn vì chứng tá.
Khi một phụ nữ khám phá thấy mình đang mang thai, một ý thức về sự huyền nhiệm thẳm sâu ngay lập tức làm rung động bà. Những phụ nữ đã là mẹ đều biết điều này. Ý thức về một sự hiện hữu, nó lớn lên trong lòng bà, lan tỏa khắp người bà, khiến cho bà không chỉ là một người phụ nữ nhưng là một người mẹ. Ngay lập tức một sự đối thoại qua lại mạnh mẽ được thiết lập giữa bà và đứa con, điều mà khoa học gọi là cross-talk (chuyện riêng). Đó là một sự nhận thức rõ ràng và mạnh mẽ giữa hai con người, họ giao tiếp với nhau, ngay từ giây phút thụ thai đầu tiên, thúc đẩy một sự thích nghi lẫn nhau, khi đứa bé lớn dần và phát triển. Khả năng giao tiếp này không chỉ riêng của người phụ nữ nhưng đặc biệt là của đứa trẻ, trong tính cách riêng của đứa trẻ nó có thể gửi đi những thông điệp để tỏ lộ sự hiện hữu của mình và những nhu cầu của mình cho người mẹ. Chính từ đó một sinh linh mới ngay lập tức trở thành một đứa con, làm rộn rã toàn bộ con người của bà để giao tiếp với đứa con.
Ngày nay, những kỹ thuật hiện đại của khoa chẩn đoán bào thai có khả năng phát hiện những dị tật và các bệnh lý ngay từ những tuần đầu của bào thai, và khả năng đó có thể đặt sự sống của đứa trẻ và sự bình an của người phụ nữ vào vòng nguy hiểm. Sự nghi ngờ về một bệnh lý, và thậm chí là sự chắc chắn của một căn bệnh, làm thay đổi trải nghiệm của sự mang thai, làm cho người phụ nữ và các cặp vợ chồng rơi vào tâm trạng buồn nản sâu sắc. Cảm giác cô đơn, bất lực, và sợ hãi của nỗi đau của đứa trẻ và của toàn gia đình nổi lên khi một tiếng khóc thầm lặng, một tiếng kêu xin giúp đỡ trong bóng tối của bệnh tật luôn tồn tại và thậm chí các bác sĩ cũng thường không biết nó sẽ thể hiện như thế nào nơi cá nhân đơn lẻ.
Tuy nhiên, có những điều mà y khoa biết rõ: những đứa trẻ, ngay trong cung lòng người mẹ đã cho thấy những tình trạng bệnh lý, là những bệnh nhân tí hon, là những người không hiếm khi có thể được chữa lành bằng những can thiệp về dược lý, phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, điều mà trong suốt nhiều năm đã góp thành một trong những nguyên nhân của việc phá thai tự nguyện và từ bỏ sự chăm sóc khi sinh cho quá nhiều trẻ em với những bệnh lý nghiêm trọng. Về một mặt là những liệu pháp chữa trị trong bào thai và mặt khác là phương pháp chăm sóc tích cực cho bào thai đạt được những kết quả thật ngạc nhiên nói theo thuật ngữ của sự hỗ trợ lâm sàng và cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho gia đình chấp nhận sự chào đời của một đứa trẻ bị bệnh.
Những khả năng và kiến thức như vậy phải được dành cho tất cả mọi người, để truyền bá một bước tiếp cận về khoa học và mục vụ của việc đồng hành trọn vẹn. Vì thế, điều không thể thiếu được là bác sĩ không những phải có mục tiêu rất rõ ràng cho việc điều trị nhưng còn là giá trị thiêng liêng của sự sống con người, mà sự bảo vệ nó cuối cùng phải dựa vào y tế. Nghề y là một sứ mạng, một ơn gọi đối với sự sống, và điều quan trọng là các bác sĩ phải ý thức được rằng chính họ là một món quà cho các gia đình được trao phó cho họ: bác sĩ có khả năng bước vào mối quan hệ, chăm sóc sự sống cho người khác, là những người chủ động xử lý cơn đau, có khả năng trấn an, cam kết tìm ra những giải pháp, đó là những cách thể hiện sự tôn trọng đối với phẩm giá của sự sống mỗi con người.
Liên quan đến vấn đề này, chăm sóc thai kỳ những tháng cuối là một cách chăm sóc làm cho y học đầy nhân tính, vì nó chuyển thành một mối quan hệ có trách nhiệm với đứa trẻ bị bệnh, được đồng hành chăm sóc bởi các nhà hoạt động và gia đình của bé trong một quá trình phối hợp hỗ trợ, không bao giờ bỏ rơi bé, làm cho bé cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu của con người.
Tất cả điều này cho thấy sự cần thiết, theo khả năng kiến thức khoa học hiện tại, đặc biệt khi đối phó với những em bé được dự đoán sẽ chết ngay sau khi sinh, hoặc sau một thời gian ngắn. Trong những trường hợp này, sự chăm sóc có vẻ như là một sự cam kết nỗ lực vô ích và gây thêm đau khổ cho cha mẹ. Tuy nhiên, một cái nhìn thận trọng có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của nỗ lực này, nhằm mang đến tình yêu trọn vẹn của một gia đình. Thật vậy, việc chăm sóc những đứa trẻ đó giúp cha mẹ hiểu rõ về niềm thương tiếc và không chỉ nghĩ về nó như là một sự mất mát mà còn là một giai đoạn của hành trình cùng sánh bước. Đứa trẻ đó sẽ mãi mãi ở lại trong cuộc đời của họ. Và họ sẽ có thể yêu thương nó. Thường thường, chỉ vài giờ người mẹ có thể ru con trong nôi sẽ để lại một dấu ấn trong trái tim của bà, và bà sẽ không bao giờ quên. Và bà cảm nhận được — cho phép tôi sử dụng từ này — thỏa mãn; bà cảm nhận mình là một người mẹ.
Thật đáng buồn, văn hóa đang thống trị ngày nay không thúc đẩy sự tiếp cận này: ở mức độ xã hội, sự sợ hãi và chán ghét sự gặp gỡ với những người khuyết tật thường xui khiến lựa chọn cách phá thai, xem nó như một cách để “ngăn ngừa.” Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo hội về điểm này rất rõ ràng: sự sống con người là thiêng liêng và không thể xâm phạm và cách sử dụng phương pháp chẩn đoán trong bào thai để đưa ra kết quả lựa chọn thật là một sự thất vọng, thể hiện trạng thái tâm lý ưu sinh vô nhân, nó lấy mất khỏi gia đình cơ hội đón nhận, ôm lấy và yêu thương những đứa con yếu đuối nhất của mình. Đôi lúc chúng ta nghe thấy nói rằng: “Người Công giáo các anh không chấp nhận phá thai, đó là vấn đề của tôn giáo các anh.” Không, nó là vấn đề còn hơn cả tôn giáo. Chúng ta đừng buộc tội tôn giáo về một điều gì đó ngay từ ban đầu đã không thuộc trách nhiệm của nó. Nó là vấn đề của con người. Chỉ cần hai câu nói sẽ giúp anh chị em hiểu được vấn đề này rõ ràng: hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: chấm dứt một sự sống con người để giải quyết một vấn đề là có hợp pháp không? Câu hỏi thứ hai: thuê sát thủ để giải quyết một vấn đề là có hợp pháp không? Câu trả lời tùy vào anh chị em. Đây mới là điểm mấu chốt. Đừng đổ cho tôn giáo một điều gì đó liên quan đến những vấn đề thuộc con người. Nó không hợp lý. Đừng bao giờ, đừng bao giờ cắt đứt một sự sống con người hay thuê sát thủ để giải quyết một vấn đề.
Phá thai không bao giờ là câu trả lời mà người phụ nữ và gia đình tìm kiếm. Đúng hơn là, chính sự sợ hãi và sự cô đơn làm cho cha mẹ ngập ngừng. Những khó khăn của một trật tự thực tế, thuộc con người và tinh thần là không thể phủ nhận, nhưng chính vì điều này mà những hoạt động mục vụ khôn ngoan nhất trở nên vô cùng cấp bách và cần thiết để hỗ trợ những người chấp nhận các đứa con bị bệnh của họ. Tức là, cần phải tạo ra những khu vực, những địa điểm và “những mạng lưới yêu thương” để các cặp vợ chồng có thể hướng tới, cũng như dành thời gian để đồng hành với các gia đình này. Đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện tôi được nghe ở các Giáo phận của tôi. Có một cô thiếu nữ 15 tuổi bị hội chứng Down mang thai, và cha mẹ của cô đến Thẩm phán để xin phép phá thai. Vị Thẩm phán, một con người chính trực và nghiêm nghị, nghiên cứu trường hợp và nói: “Tôi muốn hỏi trực tiếp cô gái.” “Nhưng nó bị Down, nó không hiểu gì …” “Không, không, cứ đưa cô gái tới đây.” Cô thiếu nữ 15 tuổi đến, ngồi xuống ở đó, bắt đầu nói chuyện với vị Thẩm phán và ông ta nói với cô: “Cháu có biết chuyện gì đang xảy ra với cháu không?” “Có. Cháu bị bệnh …” “À, và cháu bị bệnh gì?” “Người ta nói với cháu rằng có một con thú vật bên trong người cháu và nó đang ăn cái bao tử của cháu vì vậy cháu phải có sự can thiệp.” “Không phải, cháu không có con giun nào ăn dạ dày của cháu. Cháu có biết cháu có gì ở trong đó không? Một em bé!” Và cô thiếu nữ bị Down thốt lên: “Ôi, thật là đẹp!” Vậy đó. Với câu chuyện này, vị Thẩm phán không cho phép phá thai. Người mẹ của cô gái muốn điều đó. Một bé gái chào đời. Nhiều năm trôi qua. Em bé đi học, lớn lên và trở thành một luật sư. Từ lúc cô ấy hiểu được câu chuyện của đời mình vì cô được người ta kể lại, mỗi lần sinh nhật là cô gái gọi điện thoại cho vị Thẩm phán để cảm ơn ông vì món quà được sinh ra đời. Đây là những điều của cuộc sống. Vị Thẩm phán qua đời và bây giờ cô ấy đã trở thành người thúc đẩy công lý. Vậy đó, thật là một điều dễ thương! Phá thai không bao giờ là câu trả lời mà phụ nữ và gia đình tìm kiếm.
Vì vậy, xin cảm ơn tất cả anh chị em làm việc về vấn đề này. Và đặc biệt xin cảm ơn các gia đình, những người mẹ người cha là những người chấp nhận sự sống mong manh — chữ mong manh được nhấn mạnh — vì những người mẹ, và những người phụ nữ nói chung là các chuyên gia về sự mong manh: họ đón nhận sự sống mong manh. Và bây giờ anh chị em trở thành một nguồn hỗ trợ và giúp đỡ cho các gia đình khác. Chứng tá yêu thương của anh chị em là một món quà cho thế giới. Cha chúc lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Và cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho cha.
Cảm ơn anh chị em!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/5/2019]