Samuel Adrian và Bernard Sesboüé: Hoài nghi trên đường đi và con đường để tin
Thần học gia Dòng Tên, linh mục Bernard Sesboüé vừa qua đời ngày thứ tư 22 tháng 9, thọ 92 tuổi. Với gần 60 năm nghiên cứu thần học, cha để lại một di sản phong phú. Nhân dịp này báo La Vie đăng lại bài nói chuyện của cha với tác giả trẻ tuổi Samuel Adrian về hành trình đi tìm đức tin.
Samuel Adrian, người đã thấy đức tin tuổi thơ của mình biến mất. Người kia, nhà thần học Dòng Tên Bernard Sesboüé đã cống hiến sứ mệnh đời mình để làm sáng tỏ đức tin kitô giáo. Báo La Vie gặp hai nhà đi tìm ý nghĩa này để có một đối thoại về bí ẩn của đức tin.
lavie.fr, Sophie Desanges, 2019-04-10
Tác giả Samuel Adrian và linh mục Bernard Sesboüé © Nicolas Friess, La Vie
Hai thế hệ chia cách hai người. Samuel Adrian, 24 tuổi, cách đây hai năm anh lên đường đi Giêrusalem. Bị dày vò với những câu hỏi hiện sinh, thanh niên khoa văn chương để trong túi xách mình quyển Le Gai Savoir (Sự Hiểu biết Vui vẻ) của triết gia Nietzsche và quyển Kinh thánh, trong hy vọng một cách “ngây thơ” mình sẽ đọc xong hai quyển sách này trong chuyến đi. Anh vừa xuất bản câu chuyện “Hội chứng Tom Sawyer” (Le Syndrome Tom Sawyer), lý thú và lột trần – đôi khi không tôn trọng truyền thống -, một quyển nhật ký hành trình từ những cuộc gặp gỡ thô bạo, hướng nội được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm hành trình và các tài liệu tham khảo văn học, những câu cách ngôn lấy cảm hứng từ việc đi bộ.
Còn thần học gia Bernard Sesboüé 89 tuổi, chịu chức năm 1960, hai năm trước Công đồng Vatican II khai mạc, gần 60 năm nghiên cứu thần học với một di sản sách vở phong phú như chúng ta đã biết. Tuy sức khỏe đã yếu, nhưng cha cũng vừa xuất bản một tác phẩm mới vào tháng ba “Giáo hội và Tự do” (L’Église et la liberté).
Linh mục Sesboüé cũng là tác giả quyển sách nổi tiếng Tin (Croire), trong đó ngài sàng lọc những phản đối đương thời về những khẳng định chính của kitô giáo, cha tiếp chúng tôi ở nhà của tỉnh dòng Dòng Tên ở Paris, đường Grenelle, nơi cha cư trú. Vài ngày trước Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, một cuộc gặp về bí ẩn của đức tin… và tự do của con người.
Samuel Adrian, anh nói anh có một đức tin thời thơ ấu rất sốt sắng. Khi nào và làm thế nào anh nhận ra anh xa đức tin này?
Samuel Adrian: Những gì xảy ra thì chẳng có gì đặc biệt của tuổi vị thành niên, tuổi đi từ đức tin thừa hưởng từ gia đình, từ văn hóa qua đức tin trưởng thành. Tôi nhìn lại đức tin và bắt đầu đặt câu hỏi, bắt đầu nghi ngờ. Với tôi, nó đến dần dần, không đột ngột lay chuyển, một loại nghi ngờ thấm dần khi tôi lớn lên: ở tuổi 18-19, tôi nhận ra tôi chỉ cầu nguyện bằng đầu môi và ngọn lửa đức tin tuổi thơ của tôi đã tắt. Khi đã có đức tin 15 năm, và khi điều này xảy ra, nó sẽ làm bạn choáng váng. Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao tôi sống. Tôi lớn lên trong một nền giáo dục mà Thiên Chúa là trọng tâm, nơi cuộc sống chỉ có ý nghĩa trong viễn cảnh cứu rỗi, thánh thiện, và tôi đột thấy mình lơ lửng trong chân không. Tôi muốn hành trình này trước tiên xuất phát từ mong muốn đơn giản là có được chút không khí trong lành và thực hiện giấc mơ thời thơ ấu, lấy Giêrusalem làm điểm đến: Tôi cần trở lại với đức tin thời thơ ấu này, có lẽ để nghi ngờ một cách tích cực hơn. Loại nghi ngờ thụ động này không khác gì một hình thức dửng dưng hay nguội lạnh thiêng liêng. Tôi muốn, qua xa cách, qua trút bỏ, qua cô đơn đi từ hoài nghi thụ động đến hoài nghi tích cực hơn.
Linh mụcBernard Sesboüé: Nghe anh nói, anh gần với hoài nghi hơn là những gì anh viết trong sách. Khi đọc sách của anh, tôi cảm thấy anh có một khôn ngoan kitô giáo đáng kể. Anh chọn Giêrusalem, không phải là một chọn lựa bình thường. Anh đi không một xu dính túi: anh có biết chính xác đây là một trong những trải nghiệm (kinh nghiệm sống ở nhà tập) mà nhà dòng đề nghị với chủng sinh khi tôi vào Dòng Tên năm 1947 không? Nhưng trong sách, độc giả thấy anh đến Giêrusalem mà anh không có một chút cảm xúc nào, anh không cảm thấy thiếu thốn gì. Đơn thuần anh đã bước ra khỏi đức tin.
Samuel Adrian: Có lẽ vì quyển sách tôi viết sau giai đoạn nghi ngờ, khi tôi đã hiểu kỹ chuyện này. Cuối cùng, hành trình đã tác động đến tôi như một kiểu giải thoát dần dần ra khỏi vấn đề nghi ngờ này. Tôi không ở trong cuộc chiến của ông Gia-cóp với thiên thần, nhưng ở trong trạng thái bình tâm hơn. Tôi nghĩ, tôi nhận ra tôi bỏ tương quan với Chúa do nghi ngờ. Nhưng tận sâu thẳm lòng tôi, tôi vẫn còn một tia hy vọng, một mong chờ thiêng liêng khi tôi đi Giêrusalem. Chúng ta luôn mong chờ một điều gì đó, ngay cả khi chúng ta có ảo tưởng tin là giải thoát khỏi kitô giáo. Bây giờ, tôi kiên nhẫn. Tôi bị tước đi sự bình tâm này, kể cả không biết vì sao tôi sống. Tôi hơi cô đơn. Trong một vài giây phút sáng suốt, đây không phải là chuyện dễ dàng để chịu đựng. Và phải nói, cuộc sống vẫn tiếp tục và thật là tuyệt vời. Phần tôi, đó là một hình thức phụ bạc vì tôi không còn đức tin tuổi thơ ấu, không còn bức tóc hay úp mặt trong tro như trong Cựu Ước.
Thưa cha Bernard Sesboüé, cha đã làm xong kinh nghiệm của cha về nghi ngờ này chưa?
Linh mụcBernard Sesboüé: Tôi không thể nói tôi chưa bao giờ gặp khó khăn về thứ trật đức tin, nhưng “khó khăn trăm bề không để lại một nghi ngờ nào” như Newton đã nói. Tôi có một kinh nghiệm rất mạnh khi 12 tuổi. Tôi đến tiệm cắt tóc và khi đó ý tưởng đi tu và làm sứ mệnh đến trong đầu tôi. Buổi chiều tôi có một đấu tranh và cuối ngày tôi nói “vâng!” Tôi không bao giờ đặt lại vấn đề với tiếng “vâng” này, dù tôi gặp khó khăn về sức khỏe rất nhiều trong những năm đầu nhà tập. Có những lúc những câu hỏi triết lý làm tôi bối rối, nhưng đó là chuyện thường. Chúng ta trở thành người lớn, chúng ta lớn lên, chúng ta có những câu hỏi và không phải lúc nào chúng ta cũng có câu trả lời: Tôi sống như bao người khác, nhưng tôi cùng đi với những câu hỏi này và đó là cách tôi trở thành người trưởng thành. Không ai tìm cách làm cho tôi tránh chọn lựa này, một chọn lựa cá nhân.
Nghi ngờ có thể là một con đường dẫn đến đức tin không?
Samuel Adrian: Tất cả phụ thuộc vào quan điểm. Với tín hữu kitô, nghi ngờ chỉ thú vị trong chừng mực khi nó chỉ là một bước để đi đến một đức tin được củng cố. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một cái gì đó khác. Ví dụ, một đức tin ngoại giáo, một đức tin vào thần tính của nhạy cảm, vào khía cạnh kỳ diệu của cuộc sống, bên ngoài kitô giáo. Chuyến đi làm tôi thay đổi quan điểm. Tôi đã đánh mất đức tin và có một cái gì khác, khác biệt mở ra mà tôi có xu hướng tưởng tượng như một tình huống vô vọng. Đó là điều chất vấn tôi khi tôi còn nhỏ. Khi còn nhỏ, tôi đi lễ, tôi nghe người ta nói, chúng ta không thể sống nếu không có Chúa, nếu không có các bí tích. Nhưng ở tuổi vị thành niên nhỏ bé của tôi, hàng ngày tôi gặp những người bạn sống không có Chúa và họ sống tốt. Bây giờ tôi đã thay đổi neo bám, tôi nhận ra những người ngoại giáo này, những người mà khi mình là tín hữu kitô, mình xem họ là bất hạnh, nhưng họ không hề bất hạnh.
Linh mụcBernard Sesboüé: Điều tôi lo ngại, là trong giai đoạn kitô giáo này của anh, do hoàn cảnh hoặc do con người, anh vẫn ở trong một loại thụ động. Đó là những thứ đã được áp đặt cho anh, mà trước tiên anh đã không thể từ chối, một ngày đẹp trời, anh bỏ tất cả, nhưng anh chỉ bỏ bộ quần áo thay ra, chỉ thế thôi. Nó không chạm sâu thẳm vào tâm hồn anh. Còn theo tôi, người nghi ngờ là người đau khổ. Họ tự đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại của mình, tự hỏi đâu là hương vị sâu đậm cho cuộc đời của họ. Họ có cả một cuộc đời phía trước để lựa chọn, để tổ chức. Họ sẽ đặt ra tiêu chuẩn nào cho mình, sẽ quy về đạo đức nào? Theo tôi, nghi ngờ buộc mình phải chuyển động.
Samuel Adrian: Các người theo đạo nói nhiều đến gặp gỡ, tôi thực sự chưa gặp ai. Tôi có những kỷ niệm về một đức tin, về cầu nguyện tự nhiên khi còn nhỏ. Tôi còn giữ trong đầu sự tinh tế và nét đẹp của nghi thức, nhưng một cuộc gặp mật thiết thì không có. Có lẽ đây là một cái gì thiếu. Nhưng cuộc gặp này khá bí ẩn. Tôi rất muốn tìm hiểu suy tư về ơn sủng của những người theo phái giăng-xen khắc khổ, vì nó có yếu tố ngẫu nhiên mà với tôi dường như phù hợp với đời sống đức tin. Một số người có đặc ân trải nghiệm cuộc gặp với Chúa Kitô. Đôi khi nó như từ trên trời rơi xuống cho họ. Ngược lại, có những người cầu xin nhưng lại không được. Nơi người giăng-xen, có suy tư về sự tùy tiện của ân sủng thiêng liêng.
Nhưng vậy thì đức tin đến từ Chúa hay từ con người?
Linh mục Bernard Sesboüé: Đức tin là ơn của Chúa! Nếu tôi muốn đồng ý với bài giáo lý sơ đẳng nhất, tôi không thể nói với anh điều gì khác. Vậy thì một vấn đề khác sẽ đặt ra: vì sao có những người tìm thấy đức tin, người khác lại không? Hiện nay tôi đang giúp một bà lớn tuổi đi tìm đức tin, và bà nói thẳng: “Tôi chưa bao giờ được chạm đến, tôi chưa bao giờ gặp Chúa.” Tôi cố gắng xoa dịu bà, đưa bà về với những gì sâu lắng nhất trong tâm hồn, và điều này không thể gắn kết với một kinh nghiệm nào. Tôi trân trọng đón nhận bà và bà vẫn tiếp tục. Như thế đã ba năm và cuộc gặp này chưa mang kết quả. Bà có một quá khứ khá nặng nề. Bà tự trách mình đã thẳng thừng nói không với Chúa và với đức tin trong những thời điểm quyết định trong đời, bà tự nhủ: “Tôi đang khao khát điều mà tôi không xứng đáng để được.” Nhưng có ai xứng đáng với đức tin! Đó là một bí ẩn. Và rồi chúng ta có thể sống đức tin theo nhiều cách. Chỉ cần anh chân thành đi tìm với những câu hỏi về chính con người mình, rằng mình có một đạo đức không còn bị ai áp đặt, đạo đức của mình, tôi nghĩ anh đang đi đúng hướng. Tôi nghĩ có nhiều tín hữu không biết điều này.
Samuel Adrian, trở lại với đức tin thời thơ ấu của anh… Anh thấy đức tin đó như thế nào?
Samuel Adrian: Đức tin đó hai chiều. Một mặt, tôi thấy nó thật xúc động và đẹp, như tất cả nhưng hành động từ bỏ vô điều kiện nào. Lòng tin tưởng làm tôi xúc động. Mặt khác, tôi không hình dung đức tin theo một cách khác: một loại tin tưởng phi lý, không có gì có thể biện minh được, nhưng điều này lại càng đẹp hơn vì nó hoàn toàn điên rồ. Tôi có, một mặt, ánh mắt dịu dàng này, nhưng mặt khác, tôi không còn nuôi dưỡng một hình thức hoài niệm, sầu muộn hay hối tiếc nào với đức tin trẻ con này nữa. Tôi thấy rằng nó đã khô. Đó là viên ngọc quý, một kỷ niệm đẹp.
Đức tin có trao truyền được không?
Linh mụcBernard Sesboüé: Có và không… ở đây tôi có câu trả lời đặc nét Dòng Tên! Chắc chắn trao truyền đức tin là từ gia đình, từ một nhóm nào đó và mình sẽ là con người khác nếu mình không nhận. Mặt khác, nó không bao giờ là đủ. Chính xác ở một thời điểm nào đó, phải có sự gắn kết mà tôi có thể nói, nó phải đến từ tôi và không ai áp đặt trên tôi, một gắn kết đưa tôi trở lại cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô. Ảnh hưởng không bao giờ ngăn bạn tiếp nhận đức tin. Người ta thường nghĩ đức tin sẽ tự động. Nó có thể tự động, nhất là với trẻ con, như một hình thức đào tạo, đó là điều chắc chắn. Nhưng đến lúc đức tin này thực sự trưởng thành, đức tin trở thành thứ mà tôi không thể uốn nắn trên người khác. Và đức tin với tôi là một dấn thân, một nghĩa vụ được thực hiện trong tình yêu một cách bình thường.
Samuel Adrian, 24 tuổi. Sau một thời thơ ấu đầy nhiệt huyết, bị dày vò bởi những câu hỏi hiện sinh, hai năm trước, anh lên đường đi Giêrusalem, đi bộ và không một xu dính túi.
Năm 20 tuổi, anh phát hiện mình mắc hội chứng Tom Sawyer, hội chứng này có đặc điểm là có khả năng thoát khỏi suy nghĩ cũng như có những sở thích phiêu lưu và tưởng tượng. Anh bắt đầu cuộc hành trình thiêng liêng và triết học trên những con đường từ Paris đến Giêrusalem và đi bộ. Câu chuyện kết hợp những suy tư về đức tin, các sách Phúc âm, triết gia Nietzsche và đi bộ. Từ kinh nghiệm này tác giả viết quyển sách Hội chứng Tom Sawyer (Le Syndrome Tom Sawyer, Samuel Adrian, nhà xuất bản Ecuador)
Linh mục Bernard Sesboüé, 89 tuổi. Vào tập viện Dòng Tên năm 19 tuổi, nhà thần học có một công trình đồ sộ. Linh mục vừa xuất bản quyển sách Giáo hội và Tự do (L’Église et la liberté, Bernard Sesboüé, nhà xuất bản Savator).
Marta An Nguyễn dịch