Vị vua và nhà hiền triết | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi
VỊ VUA VÀ NHÀ HIỀN TRIẾT
Một nhà hiền triết đi qua kinh đô của một vị vua nổi tiếng. Trong khi đi bộ, ông thấy một đồng xu trên đường và nhặt nó lên. Ông vốn hài lòng với cuộc sống giản dị của mình nên ông không dùng đồng tiền đó. Vì vậy ông định tặng cho người cần nó. Ông đi dạo quanh kinh thành cả ngày nhưng không tìm thấy ai có hoàn cảnh khó khăn. Cuối cùng ông tìm chỗ nghỉ và ở lại một đêm.
Sáng hôm sau, ông thức dậy thực hiện những hoạt động như mọi ngày và thấy một vị vua đang chuẩn bị cho cuộc xăm lăng đến nước khác với đội quân sẵn sàng chiến đấu. Khi nhà vua nhìn thấy vị hiền triết đứng đó, ông ra lệnh cho đội quân dừng lại.
Ông đến gặp vị hiền triết và nói:
– Ôi, Đại Thánh Nhân, ta sẽ đi xâm chiếm các quốc gia lân cận để mở rộng bờ cõi. Vì vậy ngươi hãy ban phước cho ta để có được chiến thắng.
Sau một giây suy nghĩ, vị hiền triết lấy đồng xu cho nhà vua. Nhà vua bối rối và bực tức vì ông sẽ làm gì với một đồng xu khi ông là một trong những vị vua giàu nhất. Nhà vua tò mò hỏi vị hiền triết:
– Ý nghĩa của đồng xu này là gì ?
Nhà hiền triết lý giải :
– Thưa Bệ Hạ cao quý, thần đã tìm thấy đồng xu này hôm qua khi đi dạo ở kinh đô của ngài, nhưng tôi đã không sử dụng nó. Vì vậy tôi đã quyết định tặng nó cho người thiếu thốn. Thần đi cả buổi tối ở đây trong kinh thành của ngài nhưng không tìm thấy ai cả. Mọi người dân đều sống hạnh phúc. Dường như họ hài lòng với những gì họ có. Vì vậy thần không tìm thấy ai để tặng đồng xu này. Nhưng hôm nay, nhà vua của đất nước này, vẫn còn khao khát nhiều hơn và không hài lòng với những gì ngài có, thẩn cảm thấy ngài đang cần đồng tiền này.
_______________
CHÚT SUY TƯ
Người cần một đồng xu.
1. Biểu tượng của một đồng xu.
Đồng xu là một mảnh kim loại có hình tròn, rất cứng, thường có màu trắng hoặc màu vàng, được chuẩn hoá về trọng lượng, kích thước chúng được sản xuất với số lượng lớn để làm phương tiện trao đổi trong thương mại, và chủ yếu có thể được sử dụng và có giá trị thương mại trong khu vực nhất định, như quốc gia, vùng lãnh thổ (Wikipedia)
Khi người ta nói ai đó “gia tài không đáng giá một xu” có nghĩa là gia tài người của người đó chẳng có giá trị gì !
Khi người ta nói ai đó “không có một xu dính túi” có nghĩa là người đó đang lâm cảnh túng thiếu tiền khô cháy túi.
Khi người ta nói ai đó “việc chung mà không bỏ ra một xu” có nghĩa là người đó tính toán keo kiệt.
Khi người ta nói ai đó “bổng dưng thu về một gia tài đồ sộ mà không tốn một xu” có nghĩa là người đó ngồi không hưởng bát vàng hay có số may mắn một cách nào đó được một món quà từ trên trời rơi xuống !
2. Người cần một đồng xu
Vài nét phân tích khái quát trên cho thấy giá trị của một đồng xu – hay nói rộng hơn – giá trị của đồng tiền – còn tùy nhân cách của mỗi người, cái Tâm của mỗi người.
“Một nhà hiền triết đi qua kinh đô của một vị vua nổi tiếng. Trong khi đi bộ, ông thấy một đồng xu trên đường và nhặt nó lên. Ông vốn hài lòng với cuộc sống giản dị của mình nên ông không dùng đồng tiền đó. Vì vậy ông định tặng cho người cần nó.” (trích truyện)
Ai là người cần nó ? – Người thiếu thốn.
“Vì vậy tôi đã quyết định tặng nó cho người thiếu thốn.” (trích truyện)
Nhưng, ai là người thiếu thốn ? – Không có ai !
“Thần đi cả buổi tối ở đây trong kinh thành của ngài nhưng không tìm thấy ai cả. Mọi người dân đều sống hạnh phúc. Dường như họ hài lòng với những gì họ có. Vì vậy thần không tìm thấy ai để tặng đồng xu này”. (trích truyện)
Câu chuyện nếu kết ở đây thì quá có hậu. Nhà vua trị dân thật tuyệt vời “mọi người dân trong vương quốc của bệ hạ đều sống hạnh phúc”; “mọi người dân trong vương quốc của bệ hạ đều hài lòng với những gì họ có”.
Nhưng… chỉ trừ Bệ Hạ ! Chỉ trừ Nhà Vua !
Nhưng hôm nay, nhà vua của đất nước này, vẫn còn khao khát nhiều hơn và không hài lòng với những gì ngài có.” (trích truyện)
Vâng…và cuối cùng, người cần một đồng xu là … Nhà Vua !
“thần cảm thấy ngài đang cần đồng tiền này.” (trích truyện)
3. Hình ảnh Nhà Vua trong đời thường
Đồng tiền có sức mạnh vạn năng khi lòng tham con người đón nhận nó.
Lòng tham thì luôn thiếu thốn, vì túi tham không đáy, có bao giờ lấp đầy được đâu mà không thiếu thốn !
Luôn cảm thấy thiếu thốn làm sao hài lòng với những gì mình có được !
Từ cái Tâm luôn thấy thiếu thốn đó, từ cái Lòng không bao giờ thấy an vui đó, nên tâm địa ra đen tối, lòng dạ ra đổi thay. Nó đảo lộn cách sống con người, không còn phân biệt trắng đen giữa nhân tâm và thú tính.
Đổi dạ thay lòng
Lừa thầy phản bạn
Mua quan bán tước.
Mua thần bán thánh.
Bán nước hại dân
Độc tài bá quyền
Bá tánh lầm than
Chiến tranh tang tóc…
“thần cảm thấy ngài đang cần đồng tiền này.” (trích truyện)
– Đồng xu này có lấp đầy tham vọng Nhà Vua không ?
– Đồng xu này có lấp đầy tham vọng những ai cần nó không ?
Chắc là không !
Một đồng xu thì làm được gì !
– Nó chỉ làm được điều đó khi Cái Thiện Tâm của con người thức tỉnh.
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. (ND).
MAI NHẬT THI