CN.03 Vọng : Vui Lên | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A
(Mt.11,2-11)
****
VUI LÊN
3 Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3 “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
________________
SUY NIỆM
VUI LÊN !
+ I. NỖI LÒNG CỦA GIO-AN
“Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.
Có nhiều chú thích khác nhau để giải nghĩa thái độ này của Gio-an Tẩy Giả.
- Một là: Có thể Gio-an đặt ra câu hỏi như vậy, để mọi người, cụ thể là các môn đệ của ông, nghe chính từ môi miệng Đấng Cứu Thế nói về chính mình, để tăng niềm tin cho mọi người vào Đấng mà ông đã giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
“Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi’”(Ga.1,28).
“Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giê-su” (Ga.1,35).
- Hai là: Có thể Gio-an cảm thấy chưa được an lòng khi hình ảnh về Đấng Cứu Thế nơi Chúa Giê-su “không đủ mạnh” như lời ông rao giảng. Một Đấng Cứu Thế đầy sức mạnh và quyền uy đè bẹp tất cả mọi sự dữ và trừng trị đích đáng những con người đang đi trong bóng tối. Ngôn ngữ của Gio-an dữ dội và dứt khoát. Quyết liệt, không khoan nhượng và không chờ đợi.
“Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt.3.7).
“Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt.3,10).
“Tay người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt.3,12).
Nhưng, cho dù một trong hai, hay cả hai nguyên nhân dẫn đến câu hỏi của Gio-an đều đúng, chúng ta vẫn biết chắc một điều: Gio-an không nhận được mạc khải trực tiếp và trọn vẹn về Chân Dung Đấng Cứu Thế qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô: Cái chết trên Thập Giá. Nên Nước Trời mà Gio-an được vào, Gio-an chỉ là người bé nhỏ nhất.
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” ( Mt.11,11).
Mạc khải trọn vẹn về Đấng Cứu Thế chỉ thật sự hoàn tất trên Thập Giá. Điều ấy, trong cuộc sống trần thế, Gio-an đã không được đón nhận.
“Nhắp xong, Đức Giêsu nói: ‘Thế là đã hoàn tất !’. Rồi người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga.19,30).
Chỉ có Thập Giá mới mạc khải đầy đủ về Tình Yêu Thiên Chúa, vì Thập Giá chính là Tình Yêu.
Con người, vì tội lỗi, đã phải luôn sống trong sợ hải. Sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Con người không bao giờ trưởng thành được trong sự sợ hải. Hình ảnh một Thiên Chúa thịnh nộ làm con người khiếp sợ, lẫn trốn, và chia rẽ.
“Đức Chúa, là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: ‘Ngươi ở đâu ?’. Con người thưa: ‘con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi, vì con trần truồng, nên con lẫn trốn’” (St.3,9).
Nhưng, Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, và Đấng Cứu Thế, chính là Ngài – Đức Giêsu Kitô – đã chứng minh Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu bằng Thập Giá, và chính Ngài, Đấng Cứu Thế, đã giải thoát con người khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
“Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” (Rm.5,8-9).
Gio-an rao giảng nhiều về “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa, để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, – ăn năn sám hối vì sợ hải, vì sợ bị trừng phạt; còn Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, kêu gọi con người ăn năn sám hối vì yêu thương, vì nhận ra Thiên Chúa là Cha, Ngài rất mực yêu thương con người, giá trị nhân bản cao quý nhất của con người chính là được làm con Thiên Chúa.
“Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.
Gioan không sống Tin Mừng chư chúng ta hôm nay, để nghe được câu trả lời cụ thể của Chúa Giêsu, đưa Người đến cái chết trên đỉnh Can-vê:
“Mọi người liền nói: ‘Vậy ông là Con Thiên Chúa sao ?’. Người đáp” ‘Đúng như các ông nói, chính tôi đây” (Lc.22,70).
+ II. NỖI LÒNG CỦA CON NGƯỜI
Thế giới ngày nay vẫn còn đó đầy dẫy những sự dữ. Những thế lực đen tối thống trị. Chiến tranh, nghèo đói, khủng bố… Sao con người chưa có bình an thật sự ?
Đức Giêsu Kitô đã đến thật không ? Hay là con người còn phải chờ đợi một ai khác?
Và, từ đó, có thể đặt ra cho con người những câu hỏi khác:
Có một con đường nào khác ngoài con đường Giêsu không ? – Con người có thể hạnh phúc mà không cần “Giới luật yêu thương không ?”. – Con người có thể thánh thiện mà không cần Thập Giá không ?
Sống trong xã hội nặng về tôn sùng những giá trị vật chất, xem nhẹ những giá trị tinh thần, thật quá rõ ràng, con người đi dần vào sự bất an, sa đọa.
Một xã hội mà con người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi mọi sinh hoạt trong đời sống, con người không còn điểm tựa, không còn phương hướng, xã hội đó có thể giàu có hào nhoáng bên ngoài, nhưng tâm hồn của những con người không thể thanh thản, an vui.
Trong một gia đình, một đứa con không dám phạm lỗi vì chỉ vì sợ cha mẹ nó phạt, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ phạm lỗi khi có cơ hội lòn lách qua mặt cha mẹ nó. Nhưng nếu đứa con không dám phạm lỗi vì nó yêu cha mẹ nó, nó sợ cha mẹ nó buồn, biết bao lần nó có thể phạm lỗi mà chắc chắc cha mẹ nó không thể nào phát hiện, nhưng nó vẫn tránh xa, chỉ vì, nó hiểu được rằng, điều đó làm cho nó không còn xứng đáng là đứa con hiếu thảo nữa.
Sở dĩ đứa con ấy tránh xa được những lỗi lầm, vì nó hạnh phúc khi nghĩ đến hạnh phúc của cha mẹ nó. Nó nhận biết cha mẹ nó vui khi thấy nó là một người tốt. Và niềm vui của nó hòa chung với niềm vui của cha mẹ nó. Niềm vui ấy đủ sức mạnh để nó từ chối thú vui lầm lỗi nào đó đang quyến rũ nó. Đứa con ấy đã lớn lên và trưởng thành nhờ con tim biết yêu thương.
Trong xã hội, trong cộng đoàn, trong tổ chức… cũng vậy, nếu người ta không có cái tâm, không có tấm lòng, không có thiện chí, không có tình yêu, người ta không thể hết lòng làm tốt công việc được. Thậm chí, ngay cả những người đang được rèn luyện vì lý tưởng cao cả, họ vẫn làm việc kiểu “nín thở qua sông”, cho qua một đoạn đường.
Vì thế, con người không thể tìm được an bình và hạnh phúc, nếu con người không tuân thủ “Giới Luật Yêu Thương”.
Đỉnh cao của Giới Luật Yêu Thương chính là Thập Giá. Thập Giá là tình yêu trọn vẹn. Con đường Thập Giá đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.
+ III. MÀU HỒNG: TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC.
Và cuối cùng, Chính là Ngài: – Đức Giêsu Kitô, Đấng phải đến.
Tình yêu là suối nguồn hạnh phúc. Con đường duy nhất để con người đến được bờ hạnh phúc là con đường Tình Yêu. “Tình Yêu Thiên Chúa”.
Một câu chuyện đã xẩy ra như thế này :
Có một thanh niên đã cưỡng đoạt tàn bạo và sau đó giết chết cô gái. Anh ta bị kết án tử hình vào ngày hôm sau. Kế đó là hai cuộc phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn thứ nhất, phóng viên hỏi cha cô gái bị giết rằng ông ấy cảm thấy thế nào về án tử hình của người đã giết con gái một của ông. Ông vô cùng cay đắng và tuôn ra những lời lẽ căm hờn. Tất cả những gì ông muốn là nhìn thấy “thằng bất nhân này phải bị Thiên Chúa thiêu đốt đời đời trong hỏa ngục bởi vì không bao giờ có thể tha thứ cho con quái vật ấy nếu như có một Thiên Chúa nào ở trên trời”. Ông ta sắp thích thú chờ xem mạng sống đó bị kết liễu và giao cho hỏa ngục.
Sau đó camera chuyển qua cảnh phỏng vấn thứ hai, mẹ của chàng sát nhân. Là một phụ nữ chân chất, bà thật sự hổ thẹn về hành vi của con trai bà. Bà vừa thổn thức trong nước mắt vừa nói: “Con tôi đáng với hình phạt của nó, nó đã làm chuyện kinh khủng. Tôi không bao giờ mong có ai tha thứ cho nó. Tôi đã khóc và đau khổ thật nhiều với gia đình cô gái tội nghiệp ấy. Phải chi tôi có thể làm được gì cho họ. Nhưng còn đứa con tôi, cho dầu nó đã làm gì, nó không phải là con quái vật. Nó luôn là một đứa con ngoan. Tôi biết Thiên Chúa sẽ tha thứ cho nó. Nó là con tôi, làm sao tôi có thể không yêu thương nó nữa ?”. Rồi bà quỵ xuống.
Ta nhớ lại lời Chúa phán qua ngôn sứ Isaia: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với đứa con dạ nở đã mang ? Cho dẫu người mẹ có quên đi nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên ngươi ! Này, Ta đã khắc tên người vào lòng bàn tay Ta” (Is. 49,15-16).
Làm sao Thiên Chúa có thể không yêu thương con người nữa ?
Và đó là tất cả niềm tin và hy vọng của đời ta.
Nên Chúa đến, chính là niềm hy vọng, sức sống và hạnh phúc cho đời ta.
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò”.
Lạy Chúa,
Cho con biết vui lên,
Vì Ngài vẫn thương con,
Đáp lại tình Ngài thương,
Con mãi thuộc về Ngài. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG