Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Chuyến viếng thăm mới đến Vatican của Tổng thống Pháp François Hollande

la-croix.com Sébastien Maillard, Marie Malzac và Nicolas Senèze, 2016-08-15

Tổng thống Pháp François Hollande sẽ gặp Đức Phanxicô vào ngày thứ tư 17 tháng 8-2016

Tổng thống François Hollande đã gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng ngày 24 tháng 1-2014

Tổng thống François Hollande đã gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng ngày 24 tháng 1-2014

Chuyến viếng thăm này sẽ khép lại một thời gian dài của việc hai bên không thông hiểu nhau giữa nhà cầm quyền Pháp và Tòa Thánh, sự mở ra để có được sự thông hiểu mới này có được là do vụ Linh mục Jacques Hamel bị ám sát gần đây.

Ý thức sự xúc động sâu xa do cái chết của linh mục Jacques Hamel ở nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, tỉnh Rouen, của ngài ngày 26 tháng 7, do hai tên khủng bố tự xưng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng hành động, ngày thứ tư 17 tháng 8, Tổng thống François Hollande sẽ có cuộc viếng thăm ngắn ngũi ở Vatican hai nơi.

Hai năm rưỡi sau chuyến viếng thăm Vatican đầu tiên

Theo nguồn tin của báo Thập giá (La Croix) tại Tòa Thánh và được Điện Élysée và Vatican xác nhận ngày 15 tháng 8, trước hết vào đầu buổi chiều, Tổng thống Pháp sẽ đến Saint-Louis-des-Français, nhà thờ quốc gia Pháp ở trung tâm lịch sử thủ đô Ý để tưởng niệm các nạn nhân của các vụ khủng bố. Sau đó ông sẽ đi qua sông Tibre để có một cuộc hội kiến riêng với Đức Phanxicô. Ông sẽ đi với một phái đoàn ba người mà danh tính chưa được tiết lộ.

Hơn hai năm rưỡi sau chuyến đi đầu tiên ngày 24 tháng 1-2014, Tổng thống Pháp lại được đón tiếp lại tại Dinh Tông Tòa. Nhưng bối cảnh đã thay đổi. Nếu buổi tiếp kiến đầu tiên đã không gây tiếng vang cũng như không có tác động sâu đậm là do các căng thẳng ở Pháp giữa chính quyền và Giáo hội công giáo, nhất là về vấn đề «hôn nhân cho tất cả», buổi tiếp kiến mới này sẽ ở trong một bầu khí khác.

«Khi một linh mục bị tấn công, đó là cả nước Pháp bị giết»

Chỉ vài giờ sau vụ tấn công ở Saint-Étienne-du-Rouvray, François Hollande đã cho biết, ông muốn nói chuyện với Đức Giáo hoàng «để nói lên sự đau buồn của dân tộc Pháp đối với vụ ám sát bỉ ổi của cha Jacques Hamel». Sau đó Đức Phanxicô đã gọi điện cho ông.

Cuộc nói chuyện giữa hai người có vẻ như đã tác động rất lớn với Tổng thống. Vị lãnh đạo Quốc gia người gốc tỉnh Rouen, ngay từ đầu cuộc nói chuyện, ông đã nhạy cảm khi Đức Phanxicô nhắc đến chi tiết tiểu sử này. «Khi một linh mục bị tấn công, đó là cả nước Pháp bị giết», Tổng thống François Hollande nói với Đức Phanxicô, ông cam đoan «tất cả sẽ được huy động để bảo vệ nhà thờ và các nơi thờ phượng của chúng tôi».

Tổng thống nhận mình là người vô thần nhưng ông đã thấy hình ảnh hiệp nhất trong tang lễ của linh mục Hamel ở nhà thờ chính tòa Rouen, nơi ông đã được rửa tội. Sau đó, ông đã có một buổi họp mặt với tất cả các đại diện báo chí công giáo. Ông giải thích cho họ, ông đã được đánh động khi thấy khả năng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ đề nghị các đáp ứng khi đối diện với sự dữ, họ đã có những chữ để kết hiệp vượt ra ngoài khuôn khổ của Giáo hội Công giáo. «Đây là lần đầu tiên người ta nghe ông nói về việc rửa tội của mình…», giới thân cận của ông thầm thì nói.

Những năm tháng tế nhị trong quan hệ ngoại giao của hai Quốc gia

Những năm vừa qua là những năm tế nhị trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, sự xích lại gần nhau này là nhờ thảm kịch ở Saint-Étienne-du-Rouvray. Tháng 1 năm 2015, ông Laurent Stefanini được chỉ định làm đại sứ nước Pháp ở Tòa Thánh, từ lâu ghế này đã bị bỏ trống. Sự việc nhà ngoại giao này đồng tính đã là lý do để báo chí giải thích cho sự từ chối của nhà cầm quyền Vatican. Tháng 4 năm 2016, ông đã được Đức Phanxicô kín đáo tiếp nhưng không có một câu trả lời dứt khoát nào sau đó.

Hai tháng sau, Đức hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã đến thăm Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Manuel Valls ở Paris, nhưng cũng không tháo gỡ được tình trạng. Trong nhiều tháng trời, chức vụ này được ông phó đại sứ François-Xavier Tilliette đảm nhiệm, nên đã làm cho quan hệ hai bên được gần như bình thường.

Cuối cùng vào cuối tháng 5 – 2016, nước Pháp đã chính thức bổ nhiệm tân đại sứ Philippe Zeller, chấm dứt tình trạng trống đại sứ này mười lăm tháng. «Chúng tôi biết ơn hành động này của nước Pháp», Đức hồng y Pietro Parolin nói với báo Thập giá.

Việc đến Vatican lần này của Tổng thống François Hollande là dịp để nối tình giao hảo vĩnh viễn và đánh dấu một bước khởi đầu mới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Bài liên quan

Back to top button