Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Thôi, thôi, tôi van xin” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 4 Phục Sinh năm A 07./5.2017

“Thôi, thôi, tôi van xin

Tôi van xin đừng đến nữa tình yêu ơi.”
(
Nguyễn Ánh 9 – Không 2)

(Mt 5: 33-37)

Ối chà chà, là âm-nhạc! Nhạc gì mà, cứ hết hát chữ “Không 1” rồi lại “Không 2”, toàn những “Không” và Không”, đến rợn người. Thơ gì mà cứ nói, hết tiếng “Thôi” cho xong, rồi lại phán tiếp những từ và những ngữ “Đừng”, rồi “Chớ” và “Thôi” đến liên hồi?

Này nhé, bạn thử xem: bàn chuyện tình-yêu, mà người viết nhạc cứ kể nhiều chi-tiết như thể bảo:

“Tình yêu cho tôi chi nhiều ngây ngất.
Tình yêu cho tôi chi lắm men say.
Để tình yêu đem thương đau và nước mắt.
Để tình yêu đem cho tôi lắm chua cay.
Người ơi cho tôi chi lời ân ái.
Người ơi cho tôi chi phút mê say.
Để giờ đây ai cho tôi lời cay đắng.
Để giờ đây ai cho tôi lắm phũ phàng.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thôi thì, hôm nay đây, bần đạo chả dám mạn-đàm về những câu ca/tiếng hát đầy tiêu-cực, đến như thế. Cũng hệt như thể, bần đạo đây, chỉ muốn sưu-tầm các nhạc buồn vời vợi, mãi không…thôi, ư?

Thôi thì, hôm nay đây, nhân lúc đàm-đạo dăm ba câu chuyện rất ư là “tiêu-cực” để bạn và tôi, ta thấy được rằng: trong cuộc đời người, nhiều điều/nhiều thứ cũng đa-dạng, tích-cực và tiêu-cực đầy đủ hết.

Thôi thì, hôm nay đây, trước khi đi vào chủ-đề chính-yếu và chính-chuyên, xin mời bạn/mời tôi, ta cứ dấn bước đi vào vùng trời truyện kể, có sự thể rất tiêu-cực đối-chọi với điều tích-cực, hoặc về: kiếp trước/kiếp sau đối-chọi nhau, như sau:

“Bạn hỏi mình: Có kiếp trước hay không?
Sao mỗi con người sanh ra lại khác nhau đến thế?
Có kẻ đẹp kẻ xấu. Có người khôn người ngu. Có đứa sang đứa hèn.
Nhưng bạn ơi, xấu – đẹp, khôn – ngu, sang – hèn … là do bạn nhìn nó như vậy.
Chứ bản thân mỗi người đều là mỗi tuyệt tác đấy thôi.
Máu ai cũng đỏ. Nước mắt ai cũng trong. Trái tim ai cũng đập.
Sự phân-biệt đến do bạn nhìn như vậy.
Bạn lại hỏi mình: Có kiếp sau hay không?
Mình mới hỏi lại: Bạn cần kiếp sau để làm gì?
Để thấy người sống thiện được đền đáp,
người tội lỗi bị dầu sôi, người tu đạo được giải thoát.
Nhưng bạn ơi, đâu cần tới kiếp sau.
Nhân quả nhãn tiền.
Chỉ do bạn không thấy.
Bạn có bao giờ nhìn sâu vào cuộc sống.
Người có lòng Từ, khuôn mặt sẽ dịu nhẹ bao dung, vòng tay sẽ ân cần rộng mở.
Kẻ thủ ác, trong tim chứa đầy lửa dữ. Tự đốt mình, đâu cần địa ngục xa xôi. Đôi mắt láo liên, hằn những đường gân máu. Luôn cau mày, luôn nhức nhối thân tâm.
Ai xức nước hoa, người sẽ thoang thoảng hương thơm.
Trái tim ai đẹp sẽ lung linh như vầng trăng ấy.

Và bạn ơi, phút giây này hạnh phúc. Được mỉm cười, được chiêm ngắm đổi thay. Tìm cầu chi nữa quá khứ vị lai. Chẳng nơi nào đẹp như bây giờ hiện tại. Cành sen trắng đang rưng rưng trong nắng. Bụt mỉm cười lấp lánh đoá Vô Ưu.

“Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ-hội đặc-biệt cả. Mỗi ngày sống, đã là một cơ-hội đặc-biệt rồi!”

Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này, và nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Hiện nay tôi đọc sách nhiều hơn trước và bớt dọn dẹp nhà cửa. Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh chứ không buồn để ý đến cỏ dại mọc trong vườn.

Tôi dành nhiều thì giờ cho gia đình và bạn hữu, hơn là cho công việc. Tôi hiểu rằng, cuộc đời là những cảm-nghiệm mình cần phải nếm. Từ ngày ấy, tôi không còn cất giữ một cái gì nữa. Tôi đem bộ ly pha-lê ra sử-dụng mỗi ngày; tôi mặc áo mới để đi siêu-thị, nếu mình bỗng thấy thích. Tôi không cần dành nước hoa hảo-hạng cho những ngày đại lễ, tôi xức nước hoa khi nào mình thấy thích.

Những cụm-từ như: “một ngày gần đây” và “hôm nào”, đang bị loại khỏi vốn tự-vựng của tôi. Điều gì đáng bỏ công, thì tôi muốn xem, muốn nghe, muốn làm ngay bây giờ. Tôi không biết chắc là vợ của bạn tôi hẳn sẽ làm gì, nếu cô ấy biết trước rằng mai đây mình không còn sống nữa. (một ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường)

Tôi nghĩ rằng, cô ấy hẳn sẽ mời mọi người trong gia-đình, mời bạn bè thân-thích đến. Có thể cô sẽ điện cho vài người bạn cũ, và làm hòa hay xin lỗi về một chuyện bất hòa trước đây. Tôi đoán rằng: cô ấy sẽ đi ăn các món Tàu (vì cô rất thích ăn đồ Tàu!)

Chính những chuyện vặt-vãnh mà tôi chưa làm, khiến cho tôi áy náy, nếu tôi biết rằng: thì giờ tôi còn rất có hạn. Tôi sẽ rất áy-náy vì không đi thăm một vài người bạn mình cần phải gặp, mà cứ hẹn lần hồi. Áy náy, vì không nói thường hơn, với những người thân của mình rằng: mình yêu thương họ. Áy náy, vì chưa viết những lá thư, mà mình dự định ‘hôm nào’ sẽ viết.

Giờ đây, tôi không chần-chờ gì nữa, tôi không hẹn lại và không cất giữ điều gì, có thể đem lại niềm vui và nụ cười cho cuộc sống chúng tôi. Tôi tự-nhủ rằng mỗi ngày là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều đặc-biệt cả. Nếu bạn nhận được thư này, ấy là vì có một ai muốn điều hay cho bạn, và vì bạn cũng có quanh mình những người bạn quý yêu.

Nếu bạn quá bận, đến độ không thể dành ra vài phút gửi đến cho ai khác và tự nhủ: “mai mốt tôi sẽ gửi” thì mai mốt đó, có thể là một ngày thật xa hoặc là bạn không bao giờ gửi được.” (trích điện-thư bạn gửi cho nhau, trên mạng, cũng rất nhiều).

Vâng. Những nhắn-nhủ và tự-nhủ như trên, đã đưa người kể và người đọc hãy cứ suy-tư đôi chút về những điều được nói đến, ở Kinh/Sách nhà Đạo, có những câu/những chữ “Đừng”, “Chớ” và không được” như sau:

– “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.” (Mt 5: 17)

“Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi.” (Mt 4: 7)

– “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5: 33-37)

Quả là, các lời khuyên răn trong Đạo, luôn luôn bao gồm rất nhiều chữ như: Chớ, đừng, Không nên, không được… đều là những từ và những chữ nói lên tính tiêu-cực, trong hành-động.

Quả là, trên thực-tế, có những luật “bất thành văn” vẫn được nhiều vị cứ là bảo nhau phải tuân giữ, như: việc hãm mình/phạt xác, làm việc đền tội đến “khó thở”, chịu đựng cực nhọc quá sức mình, kiêng ăn nhịn uống đủ mọi loại-hình có hại cho cơ thể.

Cứ như thế, nếu bạn và tôi, ta có thì giờ mà tản-mạn trong vười Kinh Sách sẽ thấy rất nhiều thứ tiêu-cực được diễn-tả trong nhiều truyện kể, câu nói hoặc phán bảo của nhiều đấng bậc, ở trong Đạo.

Cứ như thế, đấng bậc thuộc nhà Đạo nọ lại đã minh-chứng tính tiêu-cực ở Kinh Sách bằng lời lẽ, cũng tiêu cực không kém như sau:

“Hàng thế kỷ lâu nay, sau khi các đoạn văn Kinh Sách được viết xuống và được gọi là “Lời Chúa”, ông Phaolô cũng trích-dẫn rất nhiều lời từ Kinh Sách tiếng Do-thái cổ để hỗ-trợ lập-trường “tiêu-cực của ông đối với phụ-nữ; và ngang qua Phaolô, các lời lẽ như thế đã đúc thành lối hiểu/biết rất khuynh-loát của Tân-Ước về người nữa. Nữ-giới không được tạo-dựng theo hình-ảnh của Thiên-Chúa. Các bà được định-mẫu thành người “bạn đời” của nam-nhân, chứ không như con người biệt-lập. Bởi lẽ, câu truyện tạo-dựng này lâu nay vẫn tạo ảnh-hưởng khá mạnh trong việc định-nghĩa giới-tính cho con người mãi đến hôm nay…” (X. TGm John Shelby Spong, Recasting the Negativity, The Sins of Scripture, Exposing the Bible’s Texts of Hate to Reveal the God of Love, HarperCollinsPublishers 2005 tr. 73, 101-109)

Tính-cách tiêu-cực hiện rõ trong tư-tưởng hoặc hành-động, vẫn được kể lể nhiều qua các truyện dài/ngắn ở đời người. Có một truyện được kể cũng kha khá, dù có được coi là hư-cấu hoặc tự-tạo, cũng nói lên được một bài học để đời về những đối chọi/kình-chống giữa tiêu-cực và tích-cực.

Đó là câu truyện kể về cuộc đối-thoại giữa thày/trò Khổng-Tử và Nhan Uyên, như sau:

“Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử. Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải. Anh bước đến hỏi mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn:
– Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói:
– Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa.
Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói:
– Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”
Nhan Uyên đáp:
– Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?
Người mua nói:
– Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?
Nhan Uyên trả lời:
– Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan.
Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử.
Sau khi hỏi rõ đầu đuôi, Khổng Tử quay sang Nhan Uyên cười nói:
– Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi!
Nhan Uyên từ trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ. Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia nhưng trong lòng không phục. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi.
Nhan Uyên cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa. Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học… Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu:
“Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên đáp lại một câu:
– Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi.
Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to. Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ, muốn tránh mưa. Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”…
Nghĩ thầm, sư đồ nhất tràng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây mục rỗng. Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia. Nhan Uyên kinh ngạc: “Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao! Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?”
Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ.
Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là vợ, người kia là em gái của anh.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói: “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”
Nhan Uyên cảm thấy kính phục thầy sâu sắc, cũng đã biết được ẩn ý của Khổng Tử. Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”!”
Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói 3 nhân 8 bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 24 mới đúng, người mua bán kia thua, đây là một mạng người đó! Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”
Nhan Uyên bỗng giật mình tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa: “Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần!”
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ… Câu chuyện này gợi cho chúng ta nhớ đến một lời dạy của người xưa: “Lùi một bước biển rộng trời trong”, đúng như vậy, đôi khi bạn tranh đấu giành được điều bạn cho là lẽ phải, nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn. Và nếu bạn biết nhường nhịn và lắng nghe thì có lẽ bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hơn. Hãy luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ. Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau hối hận cũng không kịp!

Trong thực tế, khi chúng ta hơn thua với khách hàng, thì thắng ấy cũng là thua (khi sản phẩm mới cần đổi mẫu, bạn sẽ biết); khi hơn thua với ông chủ, thì thắng ấy cũng là thua (cuối năm lúc đánh giá thành tích, bạn sẽ biết); khi hơn thua với người già, thì thắng ấy cũng là thua (người ta không để ý tới bạn đâu, bạn vẫn phải tự mình làm thôi); khi hơn thua với bằng hữu, thắng ấy cũng là thua (làm không tốt sẽ mất đi một người bạn).

Trong tất cả vấn đề thì chữ nhẫn rất là trọng yếu, bất luận điều gì chưa rõ, thì không nên tức giận hay lỗ mãng, hãy tìm hiểu kỹ sự việc, rất có thể nguyên nhân đó ở chính bản thân bạn, khi hiểu được vấn đề thì hãy cùng nhau bàn bạc để giải quyết. Nếu không, sai một niệm có thể sẽ hỏng một đời…

Hãy tranh đấu với chính bản thân để trở thành người Khiêm Tốn, Bao Dung,… thì lúc đó bạn mới thật sự THẮNG. Tự chế để tránh một cuộc tranh cãi tức là bạn đã thắng bản thân, cái thắng đó mới đáng kể.

Không cần biết 3 nhân 8 có đúng là 23 hoặc 24, vẫn là chuyện để ta và mọi người nhớ mãi một lời khuyên để đời trong cuộc sống, Một cuộc sống có những vấn-nạn ngay sau khi nghe kể truyện nhân chia, rằng:

“Vì sao Khổng tử dạy học trò: 3 x 8 = 23? Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường hay bị sa vào những cuộc tranh cãi, đôi co. Ai cũng nghĩ là mình phải, mình đúng, mình biết nhiều hơn… do đó phải đỏ mặt tía tai cãi cho lấy thắng. Họ không hiểu rằng dính vào một cuộc tranh cãi là họ đang thua. Vì sao?

– Tranh cãi với khách hàng? Bạn thắng rồi, khách mất đi.

– Tranh cãi với đồng nghiệp? Bạn thắng rồi, đoàn đội tiêu tan.

– Tranh cãi với người nhà? Bạn thắng rồi, tình thân biến mất.

– Tranh cãi với bạn hữu? Bạn thắng rồi, bạn hữu dần xa.

– Tranh cãi với vợ chồng? Bạn thắng rồi, tình cảm nhạt phai…

Nói tóm lại, tranh cãi với bất kỳ ai, bạn thắng rồi thì sao? Bạn sẽ THUA!”

Xem thế thì, có thắng hay thua trong tranh-cãi hoặc nhận-định ở đời, vẫn là chuyện của người đời còn sống mãi với người đời, rất hôm nay.

Để kết luận, tưởng cũng nên đề-nghị bạn, đề-nghị tôi, ta quay về với lời ca ở trên không cần biết lời ca có là tích-cực hoặc tiêu-cực, một ý-nghĩa, vẫn cứ hát, rằng:

“Không, không, đến với tôi đến với tôi nữa làm gì.
Không, không, đến với tôi đến với tôi nữa làm gì.
Thôi, thôi, tôi van xin
Tôi van xin đừng đến nữa tình yêu ơi.
Tình yêu cho tôi chi nhiều ngây ngất.
Tình yêu cho tôi chi lắm men say.
Để tình yêu đem thương đau và nước mắt.
Để tình yêu đem cho tôi lắm chua cay.
Người ơi cho tôi chi lời ân ái.
Người ơi cho tôi chi phút mê say.
Để giờ đây ai cho tôi lời cay đắng.
Để giờ đây ai cho tôi lắm phũ phàng.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Hát thế rồi, nay xin mời bạn/mời tôi ta cứ hiên-ngang đi vào cuộc đời để sống hãnh-tiến suốt một đời, dù đời người có ra tiệc-cực hoặc tích-cực, cũng mặc.

Thế đó, là lời kết xin được gửi đến bạn đọc và người viết những tình-tự rất tương-tự, để còn sống mãi mãi một tương-lai xa vời vợi gần như là vĩnh-cửu.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ suy-tư nhiều về tiêu-cực, tích-cực
Và vĩnh cửu, thiên thu rất mai ngày
Một cuộc đời ở nhà Đạo hay ngoài đời
Cũng đều thế.

Bài liên quan

Back to top button