“Yêu em, sẽ yêu em như lời nói đầu” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh năm C 19/5/2019
Yêu em, sẽ yêu em hơn ngày mai tới
Bao ngất ngây dâng đầy trong tim.”
(Lam Trường – Yêu Em Hơn Lời Nói – Love You More Than I Can Say)
(Ga 13: 34-35)
Bần đạo bầy tôi đây, có cái cơ duyên đi đây đó, cũng rất nhiều. Đi xe ca/xe đò hoặc máy bay/tàu thủy, đều không thiếu. Có điều là, mỗi lần đi như thế, cậu trai trưởng của bần đạo hay giết thì giờ bằng cách mở CDs hoặc MP3 ra nghe. Vừa qua, bần đạo nghe được lời ca tình tứ, từ nhạc bản của Lam Trường như sau:
“Whoa, whoa Yeah, yeah
Yêu em sẽ yêu em như lời nói đầu
Yêu em sẽ yêu em hơn ngày mai tới
Bao ngất ngây dâng đầy trong tim.
Oh oh oh oh yeah
“Yêu em sẽ yêu em như lời nói đầu
yêu em sẽ yêu em hơn ngày mai tới
bao ngất ngây dâng đầy trong tim.
Và người yêu ơi xin em hãy nhớ.
“Nếu yêu anh xin em đừng dối
Vì con tim đã trao cho người trọn cuộc đời.
Yêu em mãi thôi oh oh oh oh yeah.
“Anh luôn nhớ em
Ôi sao ngày quá dài anh luôn ước mong
em trong vòng tay mãi wow wow
Ta có nhau cho đời thêm vui oh oh oh oh yeah.”
(Lam Trường – bđd)
Úi chà! là lời lẽ yêu thương cứ chất chồng không để đâu cho hết. Chí ít là những cụm từ đầy nghĩa yêu đương, rất đương yêu. Yêu rất dữ. Tâm sự cũng rất nhiều, như lời ca được nghệ sĩ diễn tả thêm bằng lời lẽ quá đẹp như bên dưới:
“Yêu em sẽ yêu em như lời nói đầu
yêu em sẽ yêu em hơn ngày mai tới
bao ngất ngây dâng đầy trong tim.
Và người yêu ơi xin em hãy nhớ
“Nếu yêu anh xin em đừng dối
Vì con tim đã trao cho người trọn cuộc đời.
Yêu em mãi thôi oh oh oh oh yeah
“Anh luôn nhớ em
Ôi sao ngày quá dài anh luôn ước mong
em trong vòng tay mãi wow wow
Ta có nhau cho đời thêm vui oh oh oh oh yeah.”
(Lam Trường – bđd)
Vâng. Yêu rất dữ, tựa hồ tình tự cứ lai rai, kéo dài để mọi người lại sẽ thấy “ngày quá dài”, đến độ “ta có nhau cho đời thêm vui”, “vì con tim đã trao cho người trọn cuộc đời…”
Thế đó là cuộc đời người với đủ mọi thứ tình, của thế thái nhân sinh trong đời. Thế đó, còn là lời trần tình, như những lời được người đời từng phân bua, ở khắp chốn. Ở cả những chốn/những miền của nhà Đạo mà thánh sử từng viết lách ở Tin Mừng khi xưa có những lời từng kể rằng:
“Đức Kitô đã kinh qua nỗi chết và sống lại, như Ngài khẳng định Ngài là Con Chiên Thiên Chúa. Điểm nhấn mà thánh Gioan muốn chuyển đến mọi người, là: nhận thức rằng tín thư Thương khó – Phục Sinh bao gồm chỉ một bài thơ trải dài từ buổi Tạ Từ, qua cái chết khổ nhục trên thập giá, và ngang qua sự hiện diện đầy khích lệ của Thần Khí nơi Đức Giêsu, khi Ngài đi vào tình trạng hư vô dễ đổ của thập giá.
Trải nghiệm các chặng đường Vượt Qua, Chúa vẫn còn đó, có mặt với con dân người phàm, bằng uy lực Phục Sinh rất trỗi dậy. Uy lực, vực Ngài dậy thành Đấng chuyên chở Thần Khí đến với ta, qua ân huệ tràn đầy đến với mọi người. Và việc đổ tràn ân huệ xuống cho con người cũng như con người ở trong và ở với Thần Khí, là hai mặt của nhiệm tích cứu độ đi vào Phục sinh vĩnh cửu…” (Xem thêm Lm Kevin O’Shea, DCCT Suy niệm Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh năm C 19/5/2019, Lời Chúa Sẻ San năm C, nxb Hồng Đức 2014, tr. 99-103)
Đó, còn là giòng chảy tư tưởng mà thánh Gioan Tin Mừng muốn chuyển đạt đến mọi người ngang qua trình-thuật “Chiên đàn có Chúa Chiên và Cha Ngài làm một”. Hệt như nhà thơ ngoài đời vẫn ngâm nga lời thi-ca đầy ý nghĩa, mà bảo rằng:
“Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu
Nên, có gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.”
(Đỗ Trung Quân – Chút Tình Đầu)
Tình đầu đến từ Chúa, là thứ tình bền vững với kinh nghiệm khổ ải, ngang qua Phục Sinh Thần Thánh ta chỉ hiểu được khi thánh sử giải thích nhiệm tích qua thi ca ngoài đời, rất con người.
Và cuối cùng, như nhận định rất thẳng thừng của những người đương yêu vẫn yêu mãi, như câu truyện ở bên dưới:
“Hai người đàn ông trong cuộc đời mẹ tôi đã đi về với đất. Món quà họ để lại cho tôi là câu chuyện đời về cách sống, cách yêu thương, cách cho, và cả cách quên…
“Mẹ và bố tôi đến với nhau khi cả hai cùng có một “tập” riêng, chỉ khác là vợ cũ của ông mất sớm, còn chồng cũ của bà thì còn. Có lần mẹ tâm sự, thực ra giữa mẹ và người chồng trước vẫn thương nhau lắm nhưng phía đằng chồng quá quắt đến mức khiến họ không thể sống cùng nhau, mẹ bê hai đứa con nhỏ về với bà ngoại và mấy năm sau mẹ gặp bố tôi để nên vợ nên chồng.
“Chia tay rồi nhưng các cụ văn minh lắm, ông với bố mẹ tôi đã trở thành những người bạn thân hữu. Chồng cũ của mẹ sống rất tự do, có một nghề cầm tay rất chắc – làm thủ công mỹ nghệ. Nên cuộc đời của ông là những chuyến đi, được làm nghề mình thích và sống với cuộc sống tự do xê dịch của chính mình.
“Ông là một người thợ rất tài hoa, vui tính, nên ông đến vùng nào người ta cũng đều quý và đặt hàng. Ông đi hết vùng này sang vùng khác, khắp cả dải đất miền Trung nắng lắm, mưa nhiều.
“Khi ông còn sống, tôi thấy cứ khoảng ít tháng, ông lại về nhà tôi chơi. Ông uống rượu với bố, và hai người đàn ông thường ngồi ăn cơm mâm trên, nói những chuyện thân mật. Mẹ và các con ngồi ăn mâm dưới. Bố và ông được biết như hai người tri kỷ. Hai người đàn ông có thể đối ẩm, đánh cờ và nói những chuyện đời rất hợp.
“Sau này tôi hỏi bố, trong câu chuyện của hai người, có bao giờ nói về mẹ không, bố trả lời “không”. Bố bảo, cả hai người đàn ông đều hiểu một phụ nữ lấy hai người đàn ông, thì có gì để hai người đàn ông đó phải nói nữa? Vì nói gì bây giờ, ông thìhai, nhưng bà chỉ có một, có nói cũng có thành được hai bà đâu!
“Bố tôi làm mộc, cũng là một thợ mộc nổi tiếng của vùng, khách đến đặt hàng nhiều. Khi khách thấy có một ông đan hàng thủ công mỹ nghệ trong nhà, họ cùng đặt hàng cho ông, hai ông cùng nhau, ông đan ông đục. Có thời điểm hàng nhiều, ông ở nhà tôi rất lâu. Hai ông, người đục người đan, thỉnh thoảng cùng nhau hát. Cũng nghe nhiều lần bố tôi tính làm mai cho ông vài cô trong vùng, nhưng ông không chịu.
“Ông nói, đời ông thích đi, lấy vợ làm gì cho vợ con khổ. Ông đi khắp nơi. Mỗi vùng ông tá túc ít tuần, rồi lại hành trình khăn gói. Ông chọn nhà tôi là điểm trở về. Mỗi lần về, ông mang rất nhiều đặc sản nơi ông đến để thết đãi cả nhà. Mẹ tôi nhớ một chi tiết, trước khi sinh anh trai tôi, ông đoán được ngày sinh, nên dù đang ở xa, ông cũng tức tốc về. Ông mang theo một bao gạo to và một túi cá, vì ông biết thời đó nhà tôi thiếu thốn lắm.
“Ông nói với bố: “Anh ướp muối chỗ cá này và để gạo trên cao kẻo mốc. Thằng này con ông nhưng là con tôi. Chăm sóc con tôi cho tốt”. Hai ông cười khà khà, chẳng gợn tí ghen tuông. Lần đó, ông đi rất vội, nhưng không lâu sau ông lại quay về. Khi tôi lớn, có lần tôi hỏi mẹ tại sao mẹ và ông lại tan vỡ. Mẹ đã khóc và nói, đó là nỗi ân hận của mẹ. Ngày đó, khi ông bị phát bệnh trầm cảm, nhà đằng nội chiếm hết đất đai nhà cửa và đuổi mẹ đi, nên mẹ đành lòng dứt áo.
“Khi ông khỏi bệnh đi tìm mẹ, thì mẹ đã có bố tôi rồi, tôi thực sự cũng không biết lúc đó họ thế nào khi gặp lại. Có những điều thuộc về người lớn, nằm trong quá khứ, con cái không nên lục lại.
“Chỉ biết rằng, mẹ có nói với bố về những gì xảy ra. Chính bố là người muốn chồng cũ của mẹ về nhà chơi như một người thân. Họ đã vượt qua những trở ngại cuộc đời và tình đời, để hồn nhiên sống như những người bạn. Mà đã bạn thì phải tốt với nhau, và phải hiểu được những chân tình của nhau. Thế là từ đó, nhà tôi có thêm một thành viên.
“Đến giờ, tôi cũng chưa thể lý giải được tại sao họ, những người mà học thức không cao, mà có thể xử sự được như thế. Có thể vượt qua được nhiều thứ, để sống trong trẻo đến như thế. Cả đời ông rong ruổi. Ông nói, cứ đi đi, chết thì có người đóng quan tài cho rồi (hàm ý là bố tôi đóng), còn người đội khăn tang thì không cần thiết lắm, vì sống để thương là đủ, chứ sống không thương thì chết có khóc cũng đâu có nghĩa gì.
“Rồi một ngày ông mất, ngay khi ông về lại quê ông. Mẹ là người phụ nữ đội khăn xô, trong cái đám tang vắng vẻ, lành lạnh ấy. Tiễn ông đi rồi, có một người đàn ông ngồi lặng lẽ một thời gian, rất lâu. Tôi hiểu sự im lặng ấy, sự im lặng của một người mất đi vĩnh viễn một người bạn tốt, một người tri kỷ. Và rồi thời gian trôi đi, bố tôi cũng như ông, đi đến cái đích của hành trình định mệnh mà đời người ai cũng phải đi đến đó.
“Hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng để nhớ đến hai thành viên quan trọng trong gia đình tôi và cũng là hai người đàn ông trong cuộc đời mẹ tôi đã đi về với đất. Như một lời cảm ơn người đó đã tặng về một câu chuyện đời về cách sống, cách yêu thương, cách cho…, và cả cách quên. Có những điều đẹp hơn cả tình yêu tồn tại cùng tình yêu, mãi mãi…” (Hoàng Nguyên Vũ)
“Có những điều đẹp hơn cả tình yêu”, điều đó là điều gì mà ghê gớm thế. Họa chăng, chỉ là “tình Chúa thương ta” hằng hà, vĩnh cửu chứ không chỉ là tình yêu với chỉ một người mà thôi.
“Đẹp hơn cả tình yêu (lại vẫn) tồn tại cùng tình yêu mãi mãi” , chắc chắn đó vẫn là thứ gì đó mà con người không thể cắt nghĩa được bằng ngôn ngữ, cử chỉ hoặc gì gì đi nữa cũng không được.
“Đẹp hơn cả tình yêu (cứ tồn tại mãi mãi” đến muôn đời). Vâng. Đó chỉ có thể là tấm lòng do Thiên Chúa trải dài cho con người và với con người.
Bằng vào thứ gì đó “đẹp hơn cả tình yêu”, Thiên Chúa cứ thế mà tỏ bày cùng con người, ở đời, mãi suốt đời.
Cùng một tình-tự như thế, ta lại cũng thấy ở Tin Mừng được các thánh sử ghi như sau:
“Hỡi anh em
là những người con bé nhỏ của Thầy,
Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.
Anh em sẽ tìm kiếm Thầy;
nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái:
“Nơi tôi đi, các người không thể đến được”,
Bây giờ,
Thầy cũng nói với anh em như vậy.
Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
Mọi người sẽ nhận biết anh em
là môn đệ của Thầy ở điểm này:
là anh em có lòng yêu thương nhau.”
(Ga 13: 34-35)
Xem thế thì, cả ngoài đời lẫn trong đạo, mõi người đều luôn trân trọng tỏ bày tình thương yêu cho nhau và với nhau. Không những thế, mọi người lại cũng thực-hiện những điều ấy bằng cử chỉ, hành động và/hoặc bằng mọi ý-tứ rất khôn nguôi. Thế đó, là điểm tới mà mọi người nhắm đến trong đời mình.
Thế đó, còn là và sẽ là trọng điểm của hành động từ tốn, rất lặng câm, ở đời người như câu truyện kể rất đáng nể được trích dẫn thêm làm bằng chứng cho những gì được diễn-tả, bằng danh-từ, tĩnh từ, và động từ tiếng Anh và tiếng Việt được dịch như sau:
“Truyện rằng:
Cậu bé nọ, từng nói với một cô bồ của mình rằng:
– Tớ là “BF” của cậu.
Cô bé hỏi:
– “BF” là gì?
Cậu bé cười hì hì trả lời:
– Nghĩa là “Best Friend” (Bạn thân nhất của cậu)đấy.
Sau này, khi họ hẹn hò với nhau vào những giờ phút yêu đương da diết, chàng lại nói:
– Anh là “BF” của em!
Cô gái dựa nhẹ vào vai chàng trai, thẹn thùng hỏi:
– “BF” là gì hả anh?
Chàng trai trả lời:
– Là “Boy Friend” (Bạn trai) đấy!
Nhiều năm sau đó, họ kết hôn với nhau sinh được những đứa con thật xinh xắn, người chồng lại cười và nói với vợ rằng:
– Anh là “BF” của em!
Người vợ dịu dàng hỏi chồng:
– “BF” là gì hả anh?
Anh chồng nhìn đàn con xinh xắn và hạnh phúc trả lời:
– Là “Baby’s Father” (Cha của con chúng mình)”.
Khi về già, họ cùng nhau ngồi ngắm hoàng hôn trước hiên nhà, ông lão ấy cũng lại nói với vợ:
– Bà nó à! Tôi là “BF” của bà đấy!
Bà lão cười với những nếp nhăn trên mặt:
– “BF” là gì hả ông?
Ông lão mỉm cười thật hạnh phúc và trả lời 1 cách thật thần bí:
– Là “Be Forever!” (Sống mãi bên bà suốt đời)
Khi ông lão hấp hối cũng nói :
– Tôi “BF” bà nha.
Bà lão trả lời với giọng buồn:
– “BF” là gì vậy ông??
Ông lão trả lời rồi nhắm mắt:
– Là Bye Forever! (Vĩnh biệt bà đến muôn ngàn đời)
Vài ngày sau, bà lão cũng ra đi, trước khi nhắm mắt, bà lão nói nhỏ bên mộ ông lão:
– “BF” nha ông. (Beside Forever = Ta sẽ bên nhau mãi mãi suốt thiên thu)
Hôm nay đây, bạn và tôi có nói hai chữ “BF” theo nghĩa gì đi nữa, thì thiết tưởng ta lại cũng nói đôi câu để đời tựa hồ như thế, ngõ hầu chấm dứt câu chuyện phiếm cứ nói dai, kể dài và viết rồi lách mãi, chẳng bao giờ cạn.
Cuối cùng thì, nay xin tóm tắt bài này bằng hai chữ “YĐ, tức: Yêu đương” hoặc “ĐY, tức: “Đương yêu” bây giờ và mãi mãi với mọi người, rồi thôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Chỉ xin có đôi lời vắn vỏi
bằng hai chữ chữ BF hoặc YĐ
gửi bạn đọc.
Suốt đời mình.