Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Đi tìm một thế giới hoàn hảo | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A
(Mt.13,24-43)
****
ĐI TÌM MỘT THẾ GIỚI HOÀN HẢO

24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” 28 Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
_______________

SUY NIỆM

ĐI TÌM MỘT THẾ GIỚI HOÀN HẢO

1. Ánh sáng và bóng tối…    

Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất. “Mọi việc đều tốt đẹp”(St.1,3-5)

Thế là Ánh sáng và bóng tối có vị trí riêng biệt. Mọi tạo vật trong vòng trật tự của Thiên Chúa phân định, và “mọi việc đều tốt đẹp”.

Con người được tạo dựng và đặt trong “vườn diệu quang”, trong thế giới tốt đẹp đó.

Nhưng con người đã yếu đuối sa ngã, tội lỗi đã nhập vào thế gian. Bóng tối tràn lan, và con người không còn được an bình như trước nữa.

Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St.3,18-19).

2. Cỏ lùng và lúa

Con người đương đầu với giông tố cuộc đời. “Đất đai trổ sinh gai góc”, lòng người nẩy sinh mầm móng độc ác hận thù. “Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ” (Mt.13,39), “Cuộc chiến Thiện và Ác” diễn ra ngay trong lòng người, trong thế giới anh em chung nguồn cội. Máu người công chính đổ ra. Bóng tối tràn lan trong thế giới không còn hoàn hảo vì xa lìa Thiên Chúa.

Ðức Chúa phán với Ca-in: “A-ben em ngươi đâu rồi? ” Ca-in thưa: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao? ” Ðức Chúa phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. (St.4,9-11).

Từ đó, muôn thứ “cỏ lùng” –là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ” (Mt.13,39), tràn đầy thế giới, ở khắp nơi, ở quanh ta, ở trong chính lòng người, ở trong chính tâm hồn ta.

3. Thiện và Ác

Chúng ta suy ngẫm thêm về câu chuyện “Hai con chó sói” sau đây:

Hai ông cháu ngồi trên tảng đá bên một dòng suối chảy róc rách dưới ánh mặt trời. Đứa cháu nói:

Ông ơi, ông kể chuyện cho cháu nghe đi!

Ừ ! – người ông nói, – để ông kể cho cháu nghe về câu chuyện của hai con chó sói.

Khi chúng ta lớn lên, có đôi khi chúng ta cảm thấy như là có hai con chó sói đang chiến đấu với nhau để giành lấy quyền điều khiển ở bên trong chúng ta. Cháu có thể hình dung con chó sói thứ nhất với bộ lông màu xám mềm mại, có ánh mắt hiền từ và có nụ cười dịu dàng. Nó là con chó sói hiếm khi nhe hàm răng ra và sẵn lòng đứng yên để cho những con chó sói nhỏ đút thức ăn. Chúng ta có thể gọi con chó sói này là chó sói của sự yên bình, của tình thương yêu và sự tử tế. Bởi vì con chó sói này nghĩ rằng, nếu tất cả chúng ta sống hòa bình với nhau thì mọi loài động vật và mọi người sẽ được hạnh phúc hơn nhiều.

Đối với con chó sói này, tình thương yêu là quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Cháu thấy đấy, nó biết rằng không có tình thương yêu thì thế giới loài người và loài vật sẽ không thể nào tồn tại. Bởi vì người mẹ thương yêu con nên mẹ chăm sóc cho con, cho con ăn, mặc áo quần cho con, ru con ngủ và bảo vệ con khỏi những mối hiểm nguy. Chúng ta đến với thế giới này như một hành động của tình thương yêu và chúng ta trưởng thành nhờ vào tình thương yêu mà cha mẹ dành cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều muốn được thương yêu và cuộc sống của chúng ta sẽ được nuôi dưỡng, được phong phú hơn khi chúng ta thương yêu mọi người và được mọi người thương yêu.

Con chó sói ấy cũng dường như biết rằng lòng tốt là một phần của tình thương yêu ấy. Khi chúng ta tử tế với người khác thì họ cũng thường đối xử tử tế với chúng ta. Mỉm cười với người khác và rất có khả năng họ sẽ mỉm cười đáp lại mình. Hãy giúp đỡ mọi người và người mà cháu giúp đó có thể sẽ giúp lại cháu lúc cháu cần sự giúp đỡ. Những con chó sói có nét hơi giống với loài người và chúng sống thành bầy đàn. Chúng tụ họp với nhau và thường thì chúng cảm thấy tốt hơn khi tụ họp với nhau trong sự hòa hợp và thân thiện.

Nhưng, người ông nói tiếp:

Hãy hình dung có một con chó sói khác ở trong đàn, và nó không nghĩ giống như vậy. Con chó sói này thật đê tiện và có vẻ mặt kinh tởm. Nó co rút hai cái môi của nó lại những lúc nó nhe hàm răng ra để đe dọa các con vật khác. Những lúc nó làm như vậy thì thường những con vật khác cảm thấy sợ nó hơn là thương yêu và tôn trọng nó, bởi vì đây là con chó sói của sự lo sợ, tham lam và căm ghét. Có lẽ nó bị đe dọa và e sợ, vì thế nó luôn phòng vệ.

Thật là không may cho nó, nó không hiểu được rằng nếu nó tỏ ra giận dữ và hung hăng đối với người khác, nếu nó nghĩ về những người hay những điều nó căm ghét thay vì nghĩ về những người và những điều mà nó thương yêu, thì nó sẽ tạo nên nhiều cảm nghĩ xấu ở trong bản thân nó và cả trong những con chó sói khác.

Con chó sói này chỉ biết nghĩ cho nó mà thôi. Ngược lại, con chó sói của sự yên bình, lòng thương yêu và tử tế thì quan tâm đến hạnh phúc, và sự lành mạnh của những con sói khác cũng như của chính nó.

Như cháu có thể tưởng tượng, hai con chó sói như thế trong bầy có thể tranh đấu với nhau để chứng tỏ con nào chiếm được thế thượng phong. Con chó sói của sự bình yên, lòng thương yêu và tử tế muốn chia sẻ những giá trị mà nó có với những con sói khác, nhưng con chó sói của sự lo sợ, tham lam và căm ghét chỉ nghĩ cho chính nó. Tự nó cảm thấy không tốt và bỏ mặc những con chó sói mà nó cảm thấy không tốt ở xung quanh nó.

Chúng ta hãy tiếp tục hình dung, – người ông nói, – hai con chó sói như thế đang chiến đấu với nhau trong lòng chúng ta.

Đứa bé ngước nhìn ông với đôi mắt mở to:

Thế thì con nào sẽ thắng, thưa ông? Cậu bé sốt sắng hỏi.

Người ông nhìn xuống với đôi mắt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ, rồi trả lời:

Cháu cho con nào ăn thì con đó sẽ thắng.

George W. Burns

(101 Healing Stories for Children and Teens. – George W. Burns, John Wiley & Sons Publisher, Canada, 2005).

4. Đi tìm một thế giới hoàn hảo   
                       

Người xưa kể câu chuyện mang tên “Con tàu về Miền Đất Hứa” như sau:

Có một phú ông cực kỳ giàu có chán ngán tình đời trong thế giới quanh ông đầy gian ngoa ô tạp, ông quyết định tạo một  “Miền Đất Hứa” cho riêng mình. Ông mang theo một số con cháu, một số bạn bè, và một số người quen thân, tất cả đều là những người tốt được ông tuyển chọn kỹ lưỡng sẵn sàng cùng ông đến một vùng đất lạ để xây dựng một Miền Đất Hứa sống yêu thương và hạnh phúc bên nhau.  

Sau bao tháng ngày lênh đênh trên biển cả, họ tìm đến được một hòn đảo rộng lớn hoang dã cực kỳ thơ mộng đầy cây lành trái ngọt mọc đều theo hai bên bờ những con suối quanh co với dòng nước trong veo mát lạnh.

Nơi đây thật bình yên, và chỉ có họ, là những cư dân đầu tiên sống tràn ngập tình thương hạnh phúc bên nhau. Thật là một “hòn đảo thiên đường” với những con người như ý. Đương nhiên là phú ông trở thành “chúa đảo” và cảm thấy vô cùng toại nguyện với ước mơ của mình đã thành hiện thực.

Dòng thời gian trôi qua, nhiều thế hệ mới lớn lên. Phú ông bây giờ đã già, và ông nghe cư dân của ông bàn tính xem ai thay ông là “chúa đảo”. Những cuộc cãi vã chuẩn bị tranh quyền ngay khi ông còn sống. Những người tốt được ông tuyển chọn đang cùng nhau cắm ranh chia năm xẻ bảy hòn đảo này. Họ bắt đầu làm cung tên giáo mác để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quyền lợi riêng của phe nhóm họ, điều mà trước đây họ vô cùng ghê tởm.

Cụ phú ông nhìn lên trời, thở dài: “Không thể có một Miền Đất Hứa đích thực trên cõi đời này”.

5. Một thế giới hoàn hảo chỉ có trong Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa

Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót chắc hẳn Ngài luôn hiểu thấu sự yếu đuối của con người. Con người luôn cần ngày nâng đỡ.

Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. (Mt.13,28-30).

Trên cuộc đời này, người nào có thể thấu suốt lòng người để kết luận ai là “cỏ lùng” ai là “cây lúa” để phân định?

Thiên Chúa không phân loại con người để loại trừ, Ngài luôn kiên nhẫn và yêu thương ngay cả những kẻ chưa đẹp lòng Ngài, vì “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”. (Lc.19,1-10).

Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. (Mt.5,43-48).

Nên, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán quyết.

“Chỉ Thiên Chúa dò thấu lòng dạ con người” (Tv. 7,10; Kh 2,23).

“Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, còn chúng ta là ai mà dám xét đoán người khác?” (Gc. 4,12).

“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt. 7,1).

Sự xét đoán của con người lắm khi đến từ lòng ganh tỵ, sự hẹp hòi ích kỷ, thiếu bao dung tha thứ, sự phán xét của Thiên Chúa từ lòng nhân từ, từ trái tim yêu thương bao la.

“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga.21,17).

Trong tầm mắt của những người Pha-ri-sêu, biết bao người là hạng “cỏ lùng”, với họ, những người đó nên bị loại trừ, nhưng trong tầm mắt Thiên Chúa, họ lại là những cây lúa, họ được nhìn nhận, yêu thương.

“Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.  Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Lc.18,11-14).

Rõ ràng, “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”(Mt.13,29), ta vô tình, hay cố ý giết chết những cây lúa vì sự nhầm lẫn, kiêu căng, hay do thái độ chụp mũ của ta.  

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga.8,1-11)

Tranh  của danh họa Wassilij Dimitriewitsch Polenow năm 1888
về câu chuyện người đàn bà bị lên án ném đá trong Kinh Thánh Tân ước.

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”(Mt.6,9-13).

Một thế giới hoàn hảo chỉ có trong “Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa”
Một thế giới hoàn hảo
chỉ có khi Nước Cha trị đến”.

Nên, bổn phận của ta là hết lòng yêu mến Chúa và sống trọn theo Giới răn Ngài dạy, và mang Tin Mừng đến cho mọi người – Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5) – còn việc đâu là “cỏ lùng”, đâu là “cây lúa”, ta vững lòng mong đợi sự phán xét  của Chúa trong ngày “Nước Cha trị đến”, trong niềm cậy trông vào tình yêu bao la của Ngài.

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt.13,30).

Lạy Chúa,

Trong tình yêu,
không có sự sợ hãi…

Xin cho con vững lòng trông đợi Ngài,
trong niềm tin yêu phó thác
vào lòng thương xót vô bờ
của Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button